'Avoóc Hồ cũng ở nhà sàn như bao người thường'
Anh hùng Hồ Đức Vai được gặp Bác đến 5 lần đã không kiềm chế nổi mà thốt lên rằng: 'Trời ơi! Cả ngôi nhà Avoóc Hồ (Bác Hồ) gần gũi quen thuộc lạ thường, giữa thủ đô mà mình như đang ở Trường Sơn. Avoóc Hồ cũng ở nhà sàn như bao người thường'.
Được hoàn thành vào dịp tháng 5 sinh nhật Bác năm 1958, ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong suốt 11 năm cuối đời.
Ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ, giản dị nằm bên cạnh hồ nước trong xanh, giữa một vườn cây xanh mát đã trở thành hình ảnh thân thuộc, là biểu trưng cho giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách sống vô cùng giản dị mà thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đứng trước ngôi nhà sàn, chúng ta nhớ về một tâm hồn lộng gió thời đại, một người mà cả cuộc đời để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, một người mà dù trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, sống giữa thủ đô Hà Nội thì vẫn giữ nguyên nếp sống thanh bạch, giản dị như hồi cùng quân và dân ta gian lao kháng chiến trên chiến khu.

Bác Hồ bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ tháng 5/1958 - 8/1969. Ảnh: TTXVN
Những dòng cảm xúc và suy tư của những cán bộ sống gần Bác và những người được Bác đón tiếp tại nhà sàn càng khắc họa sâu hơn về cuộc sống, sự nghiệp, nhân cách, lối sống của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc trong những năm tháng đất nước đầy khó khăn, thử thách.
Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân
Xin được bắt đầu bằng hồi ức của ông Vũ Kỳ, thư ký giúp việc cho Bác trong thời gian dài nhất: “Giờ đây càng ngẫm càng thấy sâu sắc rằng, việc một Chủ tịch nước chọn chỗ ở của mình là một ngôi nhà sàn gỗ với hai phòng, mỗi phòng chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 mét vuông, thật có ý nghĩa sâu sắc. Cũng như đôi dép lốp, chiếc quạt lá cọ, bộ quần áo kaki, những bữa cơm thanh đạm mang đậm đà mùi vị quê hương, đó chính là cả một bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, điều cơ bản cần có trước hết của mỗi cán bộ cách mạng”.
Có thể thấy, giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người và có sức thuyết phục to lớn mà không một bài giảng về đạo đức nào có tác dụng giáo dục sâu sắc bằng.
Ông Lê Hữu Lập, cán bộ văn phòng Phủ Chủ tịch từ tháng 7/1958, cũng là thời gian Bác mới sang ở nhà sàn, viết: Làm việc bên Bác trong một thời gian dài, tôi thấy những điều Bác Hồ kêu gọi, dạy dỗ, giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân không phải chỉ là những lời hô hào của người lãnh đạo mà là những điều Bác Hồ đã sống và làm trong cả cuộc đời của mình.

Nhà sàn Bác Hồ luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Phạm Hải
Mỗi việc làm của Người đều vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Ngôi nhà sàn gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác có một chiếc quạt lá cọ. Không phải đề phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng của Phủ Thủ tướng. Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo: “Máy cũng phải nghỉ để bền lâu”, theo tôi không phải chỉ có thế, mà Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân. Lúc đó đất nước ta còn rất khó khăn, thiếu thốn.
Thú thật, nhiều khi tôi cứ nghĩ không biết có lãnh tụ nào trên thế giới này như Bác, có một đời sống tinh thần lớn lao như thế nhưng lại có một đời sống vật chất bình dị đến như thế? Rõ ràng Người không muốn thụ hưởng quá cái mức một người bình thường, và nếu vượt quá, sẽ trở thành một nỗi bứt rứt, khổ tâm... Ngay như ngôi nhà sàn gỗ nhỏ bé kia, Người cũng cho là quá lớn, anh em phải đợi lúc Người đi vắng mới cất lên được. Nhà thơ Tố Hữu có thời gian được sống gần Bác Hồ khá lâu, từ sau Tổng khởi nghĩa mấy năm ông đã được ra công tác tại Việt Bắc rồi về Hà Nội cho đến ngày Bác Hồ đi xa.
Những tháng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà sàn là những tháng năm đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, Người luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng.
Tháng 2/1966, tại ngôi nhà sàn, Bác nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị: “Đã bao lần tôi yêu cầu vào Nam, sao các chú không thu xếp cho tôi đi? Sao các chú không để tôi đi? Bây giờ tôi còn đang khỏe, đi lại thuận tiện… Không vào Nam Bộ được thì vào Khu 5 hay một vùng giải phóng nào đó cũng được… Các chú định lúc nào mới cho tôi đi? Tôi đề nghị mãi mà các chú vẫn cứ từ chối!".
Chính vì chưa một lần vào thăm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra Bắc dù là đi công tác, đi họp, học tập hay tham quan, chữa bệnh, Bác đều bảo sắp xếp để gặp. Những người con miền Nam - Thành đồng của Tổ quốc đã được gặp Bác sẽ không bao giờ quên được những giờ phút, những khoảnh khắc hiếm hoi khi được ở bên Người, nghe Người ân cần thăm hỏi, trò chuyện và dặn dò.
Sự xúc động, những tình cảm đó đã để lại trong ký ức của họ những kỷ niệm sâu sắc, mãi mãi không bao giờ quên.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai, người Pa Kô đầu tiên ở huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, vinh dự được mang họ Hồ và được gặp Bác đến 5 lần, đã không kiềm chế nổi mà thốt lên rằng: “Trời ơi! Cả ngôi nhà Avoóc Hồ (Bác Hồ) ở và làm việc nữa, tôi cũng thấy gần gũi quen thuộc lạ thường, giữa thủ đô mà mình như đang ở Trường Sơn. Avoóc Hồ cũng ở nhà sàn như bao người thường”.
Món quà của đồng bào miền Nam
Không có dịp vào thăm miền Nam, Bác còn dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc những cây trái miền Nam trồng quanh nhà sàn. Trước nhà sàn có hai cây dừa miền Nam được lấy từ công viên Thống Nhất về trồng sau khi Bác chuyển sang nhà sàn ở và làm việc.
Dừa là hình ảnh của miền Nam thân thương, vì thế hàng ngày Bác thường trực tiếp chăm sóc cho hai cây dừa, theo dõi sự phát triển đều đặn của từng cây. Mỗi khi mùa đông đến, Bác luôn nhắc anh em phục vụ chống rét cho hai cây dừa khi cây còn non.
Khi một cây bị sâu bệnh, Bác hướng dẫn cụ thể cho anh em cách chữa trị cho cây. Bác còn truyền cho anh em kinh nghiệm dân gian: lấy muối bọc vào giấy bản rồi đặt vào phần ngọn cây trước lúc dừa trổ hoa để cây ra nhiều trái hơn. Được chăm sóc tốt hai cây dừa đều sai quả. Cứ đến mùa, Bác Hồ lại nhắc anh em hái dừa chia cho mọi người.

Những kỷ vật gắn bó với Bác vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Ảnh: Phạm Hải
Ở góc cầu thang nhà sàn có trồng cây vú sữa là món quà của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác theo hành trình của con tàu Kilinski của Ba Lan chở đoàn cán bộ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam tập kết ra Bắc đầu năm 1955. Ban đầu cây vú sữa được Bác trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch.
Khi Bác chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn, tuy ngôi nhà sàn cách ngôi nhà 54 không xa (chỉ khoảng hơn 100m) và hàng ngày Bác vẫn về bên đó ăn cơm, tiếp khách nhưng cuối năm 1958, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa về trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hàng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người.
Có thể nói, ngôi nhà sàn lịch sử của Bác đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng chí, đồng bào, để mãi cho tới những năm tháng sau này đó vẫn là những câu chuyện chưa viết hết về lòng trân trọng, tình cảm ngưỡng mộ và cảm phục trước một nhân cách lớn - Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Bài viết có trích dẫn tư liệu trong các sách:
- Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2003
- Người là Hồ Chí Minh (Tập hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1995
- Bác Hồ với các tướng lĩnh, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2000
- Avoóc Hồ (Hồi ký), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/avooc-ho-cung-o-nha-san-nhu-bao-nguoi-thuong-2402410.html