Awake Drive - thiết bị duy trì tỉnh táo cho người điều khiển phương tiện
Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm giảm thiểu tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ khi lái xe, đặc biệt trong các chuyến đi dài hoặc vào ban đêm, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai Dự án Awake Drive.
Đây là hệ thống ứng dụng công nghệ sóng não nhằm giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho người điều khiển phương tiện. Dự án xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp" lần thứ II năm 2024, do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Theo Trần Văn Lực, đại diện nhóm nghiên cứu, Awake Drive hoạt động dựa trên cơ chế đọc sóng não và phát nhịp Isochronic (bao gồm nhịp đập hai tai và đơn âm).
Công nghệ này kích thích các khu vực não liên quan đến sự tập trung, từ đó hỗ trợ duy trì trạng thái tỉnh táo, tăng khả năng phản xạ trong quá trình điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nhóm nghiên cứu cho biết, ý tưởng xuất phát từ thực trạng hiện nay, lái xe trong điều kiện giao thông phức tạp đòi hỏi sự tập trung cao độ, trong khi mệt mỏi và căng thẳng dễ dẫn đến mất tập trung, phản xạ chậm và gia tăng nguy cơ tai nạn.
Để giải quyết vấn đề trên, nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu Awake Drive. Trước đó, dưới sự hướng dẫn của giảng viên - TS Trịnh Văn Chiến (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhóm đã tìm hiểu các tài liệu, phân tích ưu, nhược điểm của những sản phẩm tương tự để chọn hướng đi riêng.
Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số thiết bị phát hiện buồn ngủ khi lái xe, điển hình là EyeAlert do công ty Seeing Machines (Úc) phát triển. Sản phẩm này sử dụng camera để theo dõi hành vi của tài xế, phân tích tần số nhấp nháy mắt, độ mở của mắt và thời gian giữa các lần nhấp nháy mắt, nhằm xác định trạng thái mệt mỏi.
Khi phát hiện tài xế mất tập trung, hệ thống sẽ phát âm thanh hoặc rung cảnh báo. Tuy nhiên, EyeAlert gặp hạn chế về độ chính xác do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như ánh sáng, độ ẩm và điều kiện môi trường. Đồng thời, sản phẩm chủ yếu tập trung vào phát hiện, mà chưa đưa ra giải pháp hiệu quả để giúp tài xế tỉnh táo.
Từ những hạn chế này, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa chọn hướng đi mới, bằng cách tương tác trực tiếp với sóng não - phương pháp được đánh giá là đột phá và phù hợp với xu hướng công nghệ hiện đại. Nhờ cách tiếp cận này, Dự án Awake Drive đã giành giải nhất Cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp”. Đây là minh chứng cho nỗ lực của nhóm và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn.
Theo Trần Văn Lực, nhóm đặt mục tiêu đưa công nghệ sóng não không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu tai nạn giao thông, mà còn mở rộng ứng dụng vào các lĩnh vực khác, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
“Sản phẩm của chúng tôi có tiềm năng kết nối với các nhà đầu tư và mang lại nhiều giá trị thực tiễn”, Trần Văn Lực chia sẻ.
Awake Drive trước đó đã đạt thành tích cao trong nhiều cuộc thi nghiên cứu và khởi nghiệp tại Hà Nội. Sản phẩm được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo, chi phí lắp đặt và vận hành thấp (chỉ vài triệu đồng) và thời gian sử dụng kéo dài (6-7 giờ mỗi ngày, trong vòng 6-7 năm).