Axios: Mỹ và châu Âu đặt ra hạt chót để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran
Theo Axios, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp của các nước Pháp, Đức và Anh đã nhất trí trong một cuộc điện đàm vào ngày 14/7 về việc ấn định thời hạn thực tế để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trích dẫn 3 nguồn thạo tin, Axios cho biết thời hạn được các bên thống nhất là vào cuối tháng 8. Cuộc điện đàm vừa qua giữa ngoại trưởng 4 nước được cho là nhằm mục đích phối hợp lập trường trong lộ trình đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Iran cũng như đưa ra các giải pháp liên quan.
Theo báo cáo của Axios, nếu không đạt được thỏa thuận trước thời hạn trên, ba quốc gia châu Âu sẽ lên kế hoạch kích hoạt cơ chế "phục hồi" (snapback) tự động áp đặt lại tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận Iran năm 2015.
Quy định “phục hồi” – đã được đưa vào thỏa thuận để các bên có thể phản ứng khi xác định Iran vi phạm các cam kết – sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Việc kích hoạt cơ chế “phục hồi” sẽ kéo dài trong 30 ngày, và các quốc gia châu Âu được cho là muốn hoàn tất việc kích hoạt (nếu có) trước khi Nga đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 10.
Giới chức Mỹ và châu Âu coi cơ chế “phục hồi” vừa là công cụ gây sức ép đàm phán với Tehran, vừa là phương án dự phòng nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.
Tuy nhiên, phía Iran cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để các bên tiến hành khôi phục việc áp đặt các lệnh trừng phạt trên đối với Tehran. Nước này cũng đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) để đáp trả lại các động thái gây hấn của phương Tây.
Theo hai nguồn tin của Axios, các quốc gia châu Âu đang lên kế hoạch tiếp xúc với Iran trong thời gian tới nhằm chuyển tải thông điệp rằng Iran có thể tránh bị tái áp đặt trừng phạt nếu thực hiện các bước đi để trấn an cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của mình.
Những bước đi này có thể bao gồm việc nối lại hoạt động giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) mà Iran đã đình chỉ sau các cuộc không kích của Mỹ và Israel nhằm vào cơ sở hạt nhân của Tehran.
Một nguồn tin khác cho biết, một biện pháp có thể được tính đến là di dời khỏi lãnh thổ Iran khoảng 400 kg uranium được làm giàu ở mức 60%.
Kể từ khi cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran kết thúc, chính quyền Tổng thống Trump được cho là đang nỗ lực nối lại đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Trước đó, một số quain chức Pháp, Đức, Anh và Israel đã bày tỏ quan ngại trước viễn cảnh chính quyền Mỹ sẽ gây áp lực buộc các cường quốc châu Âu không kích hoạt cơ chế “phục hồi” nhằm tránh ảnh hưởng tới quá trình đàm phán tiềm năng giữa nước này với Iran.
Trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nêu vấn đề này với Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Rubio và Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff, theo hai quan chức Israel.
Ông Netanyahu đã đề nghị ông Trump không ngăn cản việc kích hoạt cơ chế “phục hồi”. Nhà lãnh đạo Israel cũng nói với ông Witkoff rằng Mỹ cần gửi thông điệp rõ ràng đến Iran rằng Tehran không còn nhiều thời gian nếu muốn đạt được thỏa thuận và tránh bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
“Chúng tôi cảm nhận được rằng ông Trump và đội ngũ của ông ấy đồng ý với chúng tôi”, một quan chức Israel cho biết.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ việc kích hoạt cơ chế “phục hồi” và xem đây là đòn bẩy trong đàm phán với Iran. Quan chức này cũng nói rằng ông Trump đang “rất thất vọng” vì phía Iran vẫn chưa quay lại bàn đàm phán.
Theo một quan chức Mỹ khác, Đặc phái viên Witkoff đã nhấn mạnh với phía Iran rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai cần phải được tiến hành trực tiếp, thay vì thông qua bên thứ ba, để tránh việc hiểu chưa đúng những quan điểm được hai bên đưa ra và rút ngắn tiến trình.