Mỹ hào phóng cho Ukraine 17 hệ thống Patriot, liệu có đủ đối phó Nga?

Một cú 'quay xe' ngoạn mục trong chính sách hỗ trợ Ukraine: Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Kyiv, trong đó có hệ thống tên lửa Patriot. Nhưng sau đó là những thách thức về mặt kỹ thuật và công nghệ.

Trong một động thái đảo chiều hoàn toàn với chính sách trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14.7 tuyên bố Washington sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, chỉ hai tuần sau khi viện trợ quân sự của Mỹ bị tạm dừng, được cho là do kho dự trữ xuống thấp.

Ukraine nhiều lần kêu gọi cấp thêm Patriot

Trump đã phê chuẩn một kế hoạch cho phép các đồng minh châu Âu mua vũ khí Mỹ trị giá hàng tỉ euro để chuyển giao cho Ukraine, trong bối cảnh Kyiv đang gấp rút tìm cách tăng cường năng lực phòng không trước các đợt tấn công dữ dội từ Nga.

Theo thỏa thuận mới, Mỹ sẽ bán vũ khí cho các thành viên NATO, những nước này sau đó sẽ cung cấp cho Ukraine. Trump không nêu đầy đủ chi tiết mà chỉ nói các loại vũ khí có tổng trị giá “hàng tỉ USD”. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu thỏa thuận có gồm hệ thống phòng không Patriot và tên lửa đánh chặn hay không, ông đáp: “Tất cả mọi thứ”.

Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp thêm các hệ thống phòng không Patriot và tên lửa tương ứng - một trong số rất ít hệ thống phòng không trên thế giới có khả năng đáng tin cậy trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới.

Trump cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp lượng lớn vũ khí cho NATO”. Cùng lúc, Tổng thư ký NATO Mark Rutte - người đang làm việc với các quốc gia châu Âu để phối hợp việc mua vũ khí từ Mỹ, xác nhận các nước như Đức, Phần Lan, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Anh và Đan Mạch sẽ tham gia mua sắm và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Tốc độ là yếu tố then chốt trong lúc này”.

Ukraine đã yêu cầu bao nhiêu hệ thống Patriot?

Hiện Ukraine vận hành ít nhất 6 hệ thống Patriot, do Mỹ, Đức, Hà Lan và Romania cung cấp.

Tại Hội nghị phục hồi Ukraine lần thứ 4 tổ chức tại Rome tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kyiv đã yêu cầu Mỹ cung cấp tổng cộng 10 hệ thống Patriot.

Ông nói: “Với Tổng thống Trump, chúng tôi đang có đối thoại tích cực về hệ thống Patriot. Tôi đã đề xuất 10 hệ thống cùng số lượng tên lửa phù hợp cho các hệ thống này”.

Ông Zelensky bổ sung rằng Đức sẵn sàng chi trả cho 2 hệ thống, Na Uy tài trợ 1 hệ thống và “đã có phản hồi rõ ràng từ nhà sản xuất và các đối tác châu Âu khác về việc tham gia tài trợ cho các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã gặp người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth tại Lầu Năm Góc để bàn về các chi tiết, đặc biệt liên quan đến hệ thống Patriot, đồng thời khẳng định việc gia tăng chi tiêu quốc phòng của Berlin. Bộ trưởng Pistorius nói: “Chúng tôi quyết tâm đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc răn đe và bảo vệ châu Âu”.

Chính phủ Đức cam kết tài trợ 2 hệ thống Patriot bổ sung. Ngoài Đức, các nước NATO như Hy Lạp và Tây Ban Nha được cho là cũng có sẵn hệ thống Patriot để gửi sang Ukraine, với điều kiện sau đó sẽ được thay thế.

Vào hôm thứ hai, ông Trump tiết lộ tổng cộng Ukraine sẽ nhận được 17 hệ thống. Tổng thống Mỹ nói: “Là tất cả. Là Patriot. Là toàn bộ số đó. Là đủ cả hệ thống kèm pin”. Ông tiết lộ một quốc gia phương Tây giấu tên đang có “17 hệ thống Patriot sẵn sàng để vận chuyển”.

Liệu có đủ?

Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tấn công tên lửa và UAV quy mô lớn từ Nga, buộc họ phải sử dụng Patriot với tần suất cao. Tốc độ bắn thực tế có thể rất cao trong những đợt tấn công dữ dội.

Có báo cáo cho thấy hệ thống Patriot của Ukraine đã khai hỏa 10 quả đạn trong một phút để chặn tên lửa Nga. Trong một đợt tấn công gần đây, Ukraine phải đối mặt với 6 tên lửa đạn đạo tốc độ cao, và để đánh chặn hiệu quả, có thể phải sử dụng đến 12 tên lửa đánh chặn chỉ trong một đợt.

Nếu một cuộc tấn công đòi hỏi 12 tên lửa, với giá trung bình khoảng 4 - 5 triệu USD/quả, chi phí cho một cuộc đối phó có thể lên tới 48 - 60 triệu USD.

Có thông tin cho rằng để đánh chặn 1 quả tên lửa Nga phóng vào Ukraine, cần tới 2 quả Patriot, với chi phí khoảng 10 triệu USD. Chi phí duy trì và mua đạn dược Patriot là một gánh nặng khổng lồ.

Hơn nữa vấn đề không chỉ là tiền mà còn là kỹ thuật. Mỹ chỉ sản xuất được khoảng 650 tên lửa Patriot mỗi năm. Tốc độ sản xuất này không đủ để bù đắp cho mức độ tiêu thụ cao trong các cuộc xung đột cường độ lớn như ở Ukraine. Hợp đồng gần đây của Lầu Năm Góc để sản xuất 870 tên lửa PAC-3 MSE có tổng trị giá 4,5 tỉ USD, dự kiến hoàn thành trong 3 - 4 năm, cho thấy tốc độ sản xuất vẫn còn hạn chế so với nhu cầu.

Ngoài chi phí tên lửa, còn có chi phí bảo trì định kỳ, đào tạo nhân sự, thay thế linh kiện, nâng cấp hệ thống... Một hợp đồng bảo trì linh kiện cho 8 hệ thống Patriot của Romania trong 4 năm đã trị giá 156 triệu USD, cho thấy chi phí vận hành thường xuyên không hề nhỏ.

Bùi Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-hao-phong-cho-ukraine-17-he-thong-patriot-lieu-co-du-doi-pho-nga-234996.html