Ðẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương
Hoạt động giao thương đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.
Hoạt động giao thương đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.
Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, an toàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.
Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và Bộ Công thương vừa phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước. Với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và 100 đơn vị phân phối của gần 60 tỉnh, thành phố tham dự, Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị có dịp giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, đồng thời, góp phần tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, kích cầu tiêu dùng trong nước, bình ổn thị trường, phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ðem đến nhiều sản phẩm đặc sắc của tỉnh Phú Yên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu của Hà Nội ngày càng thu hút được đông đảo doanh nghiệp trong nước đem đến nhiều mặt hàng, sản phẩm hơn. Chúng tôi mong có thể tiếp cận nhiều đơn vị phân phối, tiêu thụ tại Thủ đô".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu cho biết, với hơn 10 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền và xuất khẩu. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 5% đến 35% nhu cầu, số còn lại được khai thác từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường Hà Nội, phát huy vai trò đầu mối phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu, Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với 44 tỉnh, thành phố trong nước. Ðồng thời, chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh, thành phố. Từ năm 2019 tới nay, Hà Nội đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức 17 hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp, 22 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm, phát triển 786 chuỗi cung ứng nông sản.
Qua đó, đã có hơn 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ, cung cấp thông tin cho các hệ thống phân phối. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư tỉnh Ðồng Tháp, Huỳnh Kim Khuê chia sẻ, tỉnh có nhiều mặt hàng, sản phẩm đặc sắc như cá tra, cá ba sa, bánh phồng tôm… nhưng chưa được tiêu thụ nhiều ở thị trường ngoài bắc. Do đó, thông qua các hoạt động kết nối giao thương, các sản phẩm này đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa những bản ghi nhớ hợp tác, bản hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh với các hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, TP Hà Nội xác định, phát triển thị trường trong nước là giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Năm 2020, Hà Nội đã phối hợp, hỗ trợ với các tỉnh, thành phố tổ chức hơn 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin nông sản an toàn TP Hà Nội; tại các điểm bán OCOP, các hội chợ, triển lãm…; kết nối, tiêu thụ hơn 10 nghìn tấn nông sản thực phẩm, thủy sản của các địa phương bị dư nguồn cung…
Ðại diện Tập đoàn Central Retail cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà cung cấp của các tỉnh, thành phố để đưa các sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối của Central Retail gồm GO!, Big C và Lan Chi Mart và hướng tới xuất khẩu. Nhưng để đưa được sản phẩm vào phân phối tại hệ thống thì các địa phương, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần quan tâm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung ứng và đầu tư hơn cho bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng hiện nay".
Ðể cụ thể hóa việc kết nối giao thương, bên cạnh hợp đồng giữa các doanh nghiệp, đơn vị, Sở Công thương Hà Nội đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công thương các tỉnh, thành phố liên kết, tạo kênh cung ứng - tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội cũng đã ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) trong việc hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử; kết nối trang nông sản an toàn Hà Nội với "Gian hàng Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử…
Đánh giá cao vai trò "đầu tàu" của Hà Nội trong việc kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa, Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, hoạt động này đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, an toàn, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nguyên Trang