AYim: Tuổi cao chí càng cao

Ngót nghét tuổi 70 nhưng ông AYim (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn rất năng nổ trong phát triển kinh tế gia đình với thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/năm và trở thành tấm gương để mọi người noi theo.

Suốt 26 năm qua, chẳng kể ngày nắng hay ngày mưa, cứ đúng 6 giờ sáng, ông AYim rời làng, bắt đầu công việc buôn bán của mình. Ông kể: Ban đầu khi nghe ông đề cập chuyện đi buôn, vợ và các con đều ngăn cản vì sợ người ta lừa! Và rồi ông trấn an bằng cách, cứ để ông đi thử vài lần, nếu không thuận lợi sẽ nghỉ. Một mình trên chiếc xe đạp, ông rong ruổi khắp các làng để mua heo. Vốn ít lại không có chuồng để nhốt nên mua được con nào, ông đều chở ra xã An Phú (TP. Pleiku) bán lại cho thương lái trong ngày.

Ông AYim chia sẻ: “Trước đây, người dân nuôi heo nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng nuôi vài con nên chỉ cần sáng sớm đi, đầu giờ chiều đã có thể mua-bán xong về nhà. Heo địa phương rất được thị trường ưa chuộng. Do đó, công việc buôn bán khá thuận lợi. Bình quân mỗi tháng, tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng”. Theo ông AYim, 1 triệu đồng lúc bấy giờ có thể mua được 1 sào đất. Vì vậy, ông cứ dành dụm mua đất để trồng trọt. Hiện gia đình ông đang sở hữu hơn 2,7 ha đất ở nhiều khu vực.

16 năm gắn bó với chiếc xe đạp, đến năm 2010, ông bàn với vợ mua chiếc xe máy để thuận tiện trong việc buôn bán ở các buôn làng xa. Có xe máy, có cả điện thoại di động nên việc mua bán ngày một thuận lợi, ông cũng mở rộng biên độ buôn bán lên tận các làng của huyện biên giới Đức Cơ, Ia Grai.

Ông bộc bạch: “Heo đen địa phương ngày một ít nên vài năm nay tôi chuyển qua mua cả heo trắng. Làm nghề này nhiều năm nên giờ tôi có mối mua quen, chỉ cần gọi điện chứ không phải đến từng làng, vào từng nhà hỏi han như trước nữa”. Việc buôn bán thuận lợi đồng nghĩa với thu nhập cũng tăng theo, bình quân mỗi ngày ông kiếm được 400-500 ngàn đồng, có ngày lời cả triệu đồng.

Ông AYim (xã Glar, huyện Đak Đoa) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Ông AYim (xã Glar, huyện Đak Đoa) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Ngoài ra, ông còn dành thời gian để chăm sóc 2,5 ha cà phê, 400 trụ hồ tiêu và chăn nuôi 3 con bò, 4 con heo nái. Nói về việc trồng cà phê, ông AYim cho hay: Năm 1997, ông là người trồng cà phê nhiều nhất làng Dơk Rơng với 8 sào đất vườn và 7 sào đất ở thôn 1. Cũng như bao gia đình trong làng, ông chọn trồng giống cà phê mít. Tuy nhiên, vài năm sau, ông thấy giống cà phê này không mang lại hiệu quả nên chuyển đổi sang trồng cà phê Robusta.

Ông AYim cho rằng, công việc buôn bán không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn cho ông cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích về trồng trọt như: bón phân gì cho cây và bón vào thời điểm nào cho thích hợp; tưới nước, cắt cành, ép xanh như thế nào để cây phát triển tốt, cho năng suất cao... Với cách làm phù hợp, bình quân mỗi năm, 2,5 ha cà phê của ông mang lại nguồn thu từ 250 triệu đồng đến 270 triệu đồng, riêng 400 trụ hồ tiêu năm nay bắt đầu cho thu hoạch.

Không dừng lại ở trồng trọt, vài năm trở lại đây, ông còn đầu tư làm chuồng nuôi heo nái, bán heo giống để tăng thu nhập. Hiện tại, 2 trong số 4 con heo nái của gia đình đã sinh sản. Từ đầu năm đến nay, ông thu về hơn 30 triệu đồng từ tiền bán heo giống.

Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông AYim, bà Nhêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar-cho biết: “Ông AYim là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy tuổi cao nhưng ông AYim rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi cách trồng trọt, chăn nuôi và biết tiết kiệm để đầu tư, mua sắm máy móc, vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, ông còn rất tích cực và luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương”.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12376/202008/ayim-tuoi-cao-chi-cang-cao-5696717/