Azerbaijan tuyên bố giành quyền kiểm soát 6 làng ở khu vực Nagorno
Ngày 27/9, Azerbaijan thông báo đã giành quyền kiểm soát 6 làng ở vùng Nagorno-Karabakh, đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền với Armenia, sau các cuộc đụng độ ác liệt gây thương vong cho cả hai bên ở vùng này.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azaerbaijan cho biết quân đội nước này đã "giải phóng" 6 làng, trong đó 5 làng ở huyện Fizuli và 1 làng ở huyện Jebrail, thuộc vùng Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters (Anh), lực lượng quân sự vùng Nagorno-Karabakh thông báo đã phá hủy 4 trực thăng của Azerbeijan, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng trong các vụ đụng độ sáng cùng ngày.
Amernia và Azerbaijan, 2 nước từng thuộc Liên bang Xô viết, đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tới tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk (do Nga, Mỹ, Pháp đồng chủ tịch), xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Căng thẳng tái bùng phát sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorno-Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự. Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này càng làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh. Cả Armenia và chính quyền vùng Nagorno-Karabakh đã ban hành thiết quân luật và tổng động viên sau những diễn biến trên trong khi phía Azerbaijan khẳng định chưa cần ban bố lệnh tổng động viên.
Trước tình hình này, một số nước trong nhóm Minsk đã kêu gọi hai bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi lập tức ngừng bắn và trở lại bàn đàm phán. Trong thông báo mới đưa ra, Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ Paris, cùng các đối tác Nga và Mỹ, tái khẳng định cam kết tiến tới một giải pháp bền vững giúp tháo gỡ xung đột thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế. Bộ trên bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến đối đầu song phương trên diện rộng mới.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Azerbaijan, đã kêu gọi Armenia lập tức ngừng các hành động làm gia tăng căng thẳng. Ankara không thiết lập quan hệ với Yerevan do mâu thuẫn về vụ sát hại tập thể người Armenia xảy ra dưới thời đế chế Ottoman. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định Ankara sẽ ủng hộ Baku với mọi nguồn lực thì Tổng thống nước này, ông Tayyip Erdogan, cũng kêu gọi thế giới ủng hộ Azerbaijan. Trong ngày 27/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã điện đàm để thảo luận về vấn đề trên.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh tại vùng Nagorno - Karabakh và lập tức trở lại bàn đàm phán. Chia sẻ trên Twitter, ông Michel cho rằng cần chấm dứt ngay các hoạt động quân sự để ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên nối lại đàm phán một cách vô điều kiện. Đây cũng là lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, trong đó ông nhấn mạnh cần chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào các làng mạc và thị trấn đồng thời khẳng định Nhóm Minsk sẵn sàng giúp đỡ. Ông Maas cũng khẳng định cuộc xung đột xoay quanh vùng Nagorno-Karabakh chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi Armenia và Azerbaijan giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán, bằng sự thiện chí và tình hữu nghị thay vì sử dụng vũ lực. Giáo hoàng cũng bày tỏ quan ngại khi được biết các bên đều báo cáo thương vong trong các cuộc đụng độ mới nhất.