Ba Bể: Tiềm năng du lịch cộng đồng to lớn và cơ hội giảm nghèo

Huyện Ba Bể có vẻ đẹp hoang sơ cùng với sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Tày, Dao, Mông tạo nên tiềm năng du lịch vô cùng lớn, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), nơi du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống chân thực, hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa địa phương. Nắm bắt và tận dụng được tiềm năng này đang đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của cộng đồng, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Một điều dễ nhận thấy nhất là DLCĐ đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua các hoạt động như cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay), ăn uống, hướng dẫn du lịch, bán sản phẩm thủ công truyền thống, văn nghệ phục vụ du khách, và các dịch vụ vận chuyển. Nguồn thu nhập này ổn định hơn so với các hoạt động nông nghiệp truyền thống, giúp người dân địa phương thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Tạo việc làm, nâng kỹ năng làm du lịch

Bà Ma Thị Hoát, bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, cho biết trước đây, gia đình bà chủ yếu sống dựa vào trồng lúa và một ít hoa màu trên nương rẫy. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi DLCĐ bắt đầu phát triển ở Pác Ngòi, bà và người thân mạnh dạn đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình để làm homestay. Ban đầu, bà gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc đón tiếp và phục vụ khách. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của địa phương và các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, bà dần có kinh nghiệm hơn. Thu nhập từ homestay đã giúp gia đình bà ổn định cuộc sống, có tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt.

“Trước kia, cả năm làm lụng vất vả cũng không đủ ăn. Từ khi làm du lịch, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hẳn. Tôi rất vui vì vừa có thêm thu nhập, vừa được giới thiệu văn hóa của mình với du khách”, bà Hoát cho biết.

Không chỉ gia tăng thu nhập, DLCĐ khuyến khích người dân địa phương duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình, từ kiến trúc nhà ở, trang phục, phong tục tập quán đến các lễ hội, nghề thủ công và ẩm thực. Điều này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách mà còn khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng.

Chị Triệu Thị Vi, xã Yến Dương, là một người phụ nữ dân tộc Dao có đôi bàn tay khéo léo trong việc làm các sản phẩm thủ công truyền thống như thêu thùa, dệt vải, làm đồ trang sức từ hạt cườm. Trước đây, chị chủ yếu làm ra các sản phẩm để sử dụng trong gia đình hoặc bán nhỏ lẻ ở chợ phiên. Khi DLCĐ phát triển, chị tham gia một tổ sản xuất và bán đồ lưu niệm cho du khách.

Trải nghiệm văn hóa Tày trên hồ Ba Bể.

Trải nghiệm văn hóa Tày trên hồ Ba Bể.

Thông qua các kênh bán hàng của các homestay và sự giới thiệu của hướng dẫn viên, sản phẩm của chị ngày càng được nhiều du khách biết đến và ưa chuộng. Nhờ đó, thu nhập từ việc bán đồ thủ công đã trở thành một nguồn thu quan trọng của gia đình chị, giúp gia đình có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái ăn học và cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, tham gia hoạt động DLCĐ còn giúp người dân địa phương nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý du lịch, giao tiếp, ngoại ngữ, marketing và các kỹ năng mềm khác. Điều này không chỉ phục vụ cho hoạt động du lịch mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống và có khả năng thích ứng tốt hơn với những thay đổi của xã hội.

Để có được điều này, thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, các HTX du lịch và người dân trong huyện được tham gia các lớp tập huấn về phát triển dịch vụ DLCĐ, bao gồm cả việc hướng dẫn tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản để phục vụ du khách. Các HTX được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số để ứng dụng vào hoạt động du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý và quảng bá.

Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành và các tổ chức khác để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho các HTX, tổ hợp tác và người dân làm du lịch tại Ba Bể. Các khóa tập huấn này tập trung vào các nội dung như: Kỹ năng hướng dẫn du lịch; Kỹ năng giao tiếp và ứng xử với khách du lịch; Kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh; Quy trình hướng dẫn du lịch tại điểm; Đặc điểm tâm lý khách du lịch theo thị trường, giới tính, lứa tuổi; Vai trò của DLCĐ đối với phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách…

Chính vì vậy mà các hộ gia đình, HTX làm du lịch ở Ba Bể đã ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu được phục vụ ngày càng cao của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nhiều người dân nhận thấy, tham gia mô hình DLCĐ của các HTX là đảm bảo lợi ích từ du lịch được phân phối một cách công bằng cho các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo và các nhóm yếu thế.

Điểm sáng du lịch cộng đồng

Trong những năm gần đây, nhận thức được tiềm năng của DLCĐ, nhiều HTX du lịch đã được thành lập tại Ba Bể, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý và phát triển các hoạt động DLCĐ. Một số HTX đang hoạt động hiệu quả, mang lại những tác động tích cực đến đời sống của người dân địa phương.

Tiêu biểu như HTX DLCĐ Phiêng Phàng (xã Yến Dương) đang tận dụng lợi thế địa phương có có tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa với cảnh quan núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang đẹp mắt và không gian xanh mát của rừng trúc Pù Lầu. Thôn Phiêng Phàng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm, có bản sắc văn hóa độc đáo với các sản vật địa phương đặc trưng như bánh chưng đen, bánh trôi nước.

Để phát triển tiềm năng này, HTX Phiêng Phàng đã hướng dẫn người dân địa phương dọn dẹp, cải tạo môi trường, nhân rộng mô hình homestay và phát triển các trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây cũng có cơ hội thưởng thức các sản vật địa phương và khám phá rừng trúc Pù Lầu, suối Pù Lầu với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi.

HTX Thượng Giáo đầu tư xe điện để nâng cấp dịch vụ du lịch.

HTX Thượng Giáo đầu tư xe điện để nâng cấp dịch vụ du lịch.

Sự ra đời của HTX cho thấy sự nỗ lực trong việc tổ chức và quản lý hoạt động DLCĐ tại thôn Phiêng Phàng một cách bài bản hơn. Bên cạnh đó, phát triển DLCĐ thông qua HTX giúp tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương từ các hoạt động như homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống, bán sản phẩm địa phương và hướng dẫn du lịch.

Còn HTX Du lịch sinh thái Ba Bể (xã Thượng Giáo) ngoài đầu tư vào dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch, HTX còn đầu tư 1,8 tỷ đồng để trang bị 5 xe điện phục vụ du khách tham quan khu du lịch hồ Ba Bể từ khoảng tháng 8/2024. Các tuyến xe điện này xuất phát từ cổng Vườn Quốc gia Ba Bể đến các điểm như bến Bắc, làng Pác Ngòi, động Thẳm Kít, bãi hội xuân, điểm cây sấu ngàn năm, động Hua Mạ và ngược lại, cũng như các tuyến từ thôn Cốc Tộc - Bó Lù và bến Pác Ngòi đến các điểm lân cận.

Hoạt động của HTX cho thấy sự nỗ lực trong việc chuyên nghiệp hóa các dịch vụ du lịch tại khu vực xã Thượng Giáo và hồ Ba Bể. Đặc biệt, việc đầu tư xe điện là một bước tiến quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ vận tải thân thiện với môi trường và nâng cao trải nghiệm của du khách khi tham quan hồ Ba Bể. Những dịch vụ này đang tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương với nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh các HTX chính thức, tại các bản làng ven hồ như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc cũng hình thành nhiều tổ nhóm homestay cộng đồng. Các tổ nhóm này hoạt động linh hoạt, dựa trên sự liên kết tự nguyện giữa các hộ gia đình. Họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc đón tiếp và phục vụ du khách, tạo ra một mạng lưới DLCĐ sôi động và đa dạng.

Phát triển ngành kinh tế chủ lực

Theo đánh giá của UBND huyện, du lịch cộng đồng là một trong những ngành nghề quan trọng, có nhiều lợi thế ở Ba Bể. Đây là hướng phát triển kinh tế chủ lực, đóng góp không nhỏ vào quá trình nâng cao thu nhập của người dân.

Cụ thể du lịch đã góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách hiệu quả thông qua tạo nhiều cơ hội việc làm đa dạng (hướng dẫn viên, lái thuyền, lái xe điện, tổ chức dịch vụ ăn uống, dịch vụ văn hóa, bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương…), giúp người dân không phải rời xa quê hương để tìm kiếm việc làm, góp phần ổn định đời sống cộng đồng. Chính vì thế mà đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm 2,12%, từ 24,22% (năm 2023) xuống còn 22,10%.

Ba Bể đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch trở lên, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế. Với cách làm đa dịch vụ, đặc biệt là du lịch gắn với sinh thái ở vùng ven hồ Ba Bể đang góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do đó, để phát triển DLCĐ bền vững, tiếp tục đóng góp vào quá trình giảm nghèo hiệu quả tại Ba Bể huyện xác định việc tiếp tục kết hợp với các ban ngành, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân, Hội phụ nữ để tổ chức các khóa đào tạo về quản lý du lịch cộng đồng, marketing du lịch trực tuyến và ngoại tuyến, quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách hàng, xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo và quản lý chất lượng dịch vụ cho các thành viên HTX và cộng đồng sẽ nâng cao chất lượng DLCĐ.

Các HTX cũng mong muốn được Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện giới thiệu, mời các chuyên gia, các HTX du lịch thành công trong và ngoài nước đến chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và hỗ trợ các HTX tại Ba Bể xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ba-be-tiem-nang-du-lich-cong-dong-to-lon-va-co-hoi-giam-ngheo-1106876.html