Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu: Nối nhịp chèo tàu qua 3 thập kỷ

Lễ hội truyền thống Hội hát chèo tàu Tổng Gối (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 14-5. Đây là niềm hạnh phúc của nhiều nghệ nhân nơi đây, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu - người dành trọn tâm huyết để trao truyền từng câu hát, nhịp chèo quê hương.

Suốt 27 năm gắn bó với chèo tàu, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ngô Thị Thu (sinh năm 1959, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội) luôn gắn liền với hình ảnh say sưa trong từng câu hát, nhiệt tình chỉ dẫn động tác múa cho các học viên trẻ tuổi. Ở Tân Hội, người ta vẫn bảo nhau rằng, mỗi lần bà Thu bước lên sân khấu, phong thái chẳng khác nào một diễn viên chuyên nghiệp. Được ngợi khen, bà chỉ cười hiền. Ít ai biết, phía sau những câu hát hội rộn ràng là bao nỗi niềm của một làn điệu cổ.

Audio: NNƯT Ngô Thị Thu và NNƯT Nguyễn Thị Tuyết hát chèo tàu về quê hương Tân Hội. Nguồn: NNƯT Ngô Thị Thu

Vốn cổ đặc sắc của đất Tân Hội

Theo NNƯT Ngô Thị Thu, hội hát chèo tàu (hát tàu tượng) là loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của vùng Tổng Gối xưa (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Những năm đầu thế kỷ XV, khi nhà Minh xâm lược nước ta, vùng đất này có vị tướng là Văn Dĩ Thành dấy quân khởi nghĩa, bảo vệ quê hương. Không chỉ là vị tướng tài ba, ông còn là thầy giáo dạy chữ, thầy thuốc cứu dân khi dịch bệnh hoành hành.

 Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu đã gắn bó với chèo tàu 27 năm. Ảnh: Hải Ly

Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu đã gắn bó với chèo tàu 27 năm. Ảnh: Hải Ly

Năm 1416, khi ông tử trận, người dân vùng Tổng Gối xưa đã tôn ông là Thành hoàng làng và lập Lăng Văn Sơn (được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997) để thờ tự. Cùng với đó, người dân của 4 làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long đã sáng tạo ra làn điệu chèo tàu, để ca ngợi công đức của ông.

NNƯT Ngô Thị Thu cho biết, theo lệ xưa, hội chèo tàu 25 năm mới tổ chức 1 lần, và chỉ diễn ra vào những năm mưa thuận gió hòa, không mở hội khi mất mùa, đói kém. Việc tổ chức cách quãng như vậy là bởi lễ hội cần huy động hàng trăm người tham gia, tốn nhiều nhân lực, vật lực, và kéo dài suốt 7 ngày liên tục, từ rằm đến ngày 21 tháng Giêng. Hơn nữa, nếu 1 trong 4 làng không đồng thuận thì cũng không thể tiến hành.

 Nét đặc biệt của hội hát chèo tàu Tân Hội nằm ở chỗ, tất cả người tham gia đều là nữ giới. Mỗi tàu có 1 bà Chúa tàu (thường là phụ nữ tuổi từ 50-55, có thanh sắc, gia đình nền nếp) cùng 12 thiếu nữ (từ 13-16 tuổi đóng vai Cái tàu, Con tàu). Ảnh: Tư liệu NVCC

Nét đặc biệt của hội hát chèo tàu Tân Hội nằm ở chỗ, tất cả người tham gia đều là nữ giới. Mỗi tàu có 1 bà Chúa tàu (thường là phụ nữ tuổi từ 50-55, có thanh sắc, gia đình nền nếp) cùng 12 thiếu nữ (từ 13-16 tuổi đóng vai Cái tàu, Con tàu). Ảnh: Tư liệu NVCC

“Hội chèo tàu được tổ chức lần đầu vào năm 1683. Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của chiến tranh, tư liệu bị thất lạc, số người biết hát ngày càng ít. Năm 1922 là lần cuối cùng kỳ hội này được tổ chức. Chèo tàu đứng trước nguy cơ mai một hoàn toàn”, NNƯT Ngô Thị Thu nhớ lại.

Gian nan khôi phục làn điệu xưa

Dù hội chèo tàu đã vắng bóng, nhưng những câu hát cổ vẫn như mạch ngầm âm ỉ, được các bà, các mẹ dùng để ru con ngủ. Lớn lên trong những giai điệu ấy, cô bé Thu sớm đem lòng say mê chèo tàu. Khi trưởng thành, Thu vẫn luôn đau đáu ký ức về hội hát năm xưa qua lời kể của các bậc cao niên. Những câu chuyện ấy đã thôi thúc Thu quyết tâm hồi sinh làn điệu truyền thống của quê hương.

 Những tư liệu quý giá của chèo tàu được bà Thu giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Hải Ly

Những tư liệu quý giá của chèo tàu được bà Thu giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Hải Ly

Cũng như hát Dô ở xã Liệp Nghĩa (huyện Quốc Oai, Hà Nội), chèo tàu ở Tân Hội không có điều kiện để thấm sâu vào đời sống người dân từ thuở nhỏ. Do lệ Thánh 25 năm mới mở hội 1 lần, loại hình diễn xướng này chủ yếu được ghi nhớ qua ký ức của những người từng tham gia, chứ hiếm khi được truyền dạy trong cộng đồng. Vì thế, thời gian đầu, bà Thu gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm lại làn điệu truyền thống của quê hương.

“Để phục dựng lại chèo tàu, tôi đi khắp nơi tìm gặp các cụ cao niên từng biết đến hội hát xưa. Nhưng những người từng vào vai chính như: Quản tượng, Chúa tàu hay Cái tàu thì hầu hết đã khuất, chỉ còn vài cụ từng đóng vai phụ hoặc nghe ‘lỏm’ rồi còn nhớ được đôi câu. Mỗi người chỉ giữ được một vài làn điệu, có khi chỉ vài câu hát rời rạc. Trong khi đó, chèo tàu có tới 3 loại: Hát trình (hát thờ trước Thánh), hát trạo (khi chèo thuyền) và hát giao duyên. Mỗi loại có cách hát, diễn khác nhau. Việc khôi phục vì thế mất nhiều công sức, có lúc tưởng như không thể ghép lại hoàn chỉnh được nữa”, bà Thu chia sẻ.

 Theo bà Thu, chèo tàu cổ có khoảng 360 làn điệu. Hiện nay, chỉ còn gần 20 làn điệu lưu giữ được chính xác về ngôn ngữ và cách hát. Ảnh: Hải Ly

Theo bà Thu, chèo tàu cổ có khoảng 360 làn điệu. Hiện nay, chỉ còn gần 20 làn điệu lưu giữ được chính xác về ngôn ngữ và cách hát. Ảnh: Hải Ly

May mắn trên hành trình ấy, bà Thu luôn được đồng hành bởi những người có cùng tâm huyết như: Bà Nguyễn Thị Tuyết; ông Nguyễn Hữu Yến; ông Đông Sinh Nhật; ông Nguyễn Văn Viết,... Họ cùng nhau góp nhặt từng mảnh tư liệu quý giá của chèo tàu, kiên nhẫn chắp nối để hồi sinh lại một di sản đứng trước nguy cơ mai một.

Năm 1998, Câu lạc bộ (CLB) chèo tàu Tân Hội được thành lập. Bà Thu và các thành viên ngày đêm luyện tập, vận động người dân cùng tham gia. Nhưng do hội hát gián đoạn quá lâu, ban đầu nhiều người còn e dè, không mặn mà, CLB chỉ toàn người đứng tuổi. Không nản lòng, bà Thu kiên trì đến từng nhà, thuyết phục phụ huynh, trò chuyện với các em nhỏ để thắp lên tình yêu với điệu hát cổ của quê hương.

 Bà Thu chụp ảnh tại Lăng Văn Sơn - nơi thờ Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành, gắn liền với điệu hát chèo tàu. Ảnh: NVCC

Bà Thu chụp ảnh tại Lăng Văn Sơn - nơi thờ Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành, gắn liền với điệu hát chèo tàu. Ảnh: NVCC

Để chèo tàu vươn xa

Nhìn lại hành trình gần 3 thập kỷ gắn bó với nghệ thuật chèo tàu, bà Thu tự hào khi đã góp phần hồi sinh di sản quý giá của cha ông. Năm 2015 là cột mốc đáng nhớ đã ghi dấu cho những nỗ lực bền bỉ của bà Thu và các thành viên Câu lạc bộ: Lễ hội chèo tàu Tân Hội chính thức được khôi phục và tổ chức với quy mô lớn tại địa phương. Từ đây, thay vì chờ đợi 25 năm như trước, lễ hội được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, để giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này được lan tỏa rộng rãi hơn đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.

 Hội hát chèo tàu là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, kết hợp giữa nghi lễ và nghệ thuật trình diễn, gắn với tín ngưỡng thờ thần linh của người dân Tân Hội. Ảnh: Văn Viết

Hội hát chèo tàu là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, kết hợp giữa nghi lễ và nghệ thuật trình diễn, gắn với tín ngưỡng thờ thần linh của người dân Tân Hội. Ảnh: Văn Viết

Hiện nay, CLB chèo tàu Tân Hội có hơn 50 thành viên, trong đó có 20 em nhỏ, từ 13 đến 18 tuổi, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Cùng với các thành viên trong CLB, bà Thu đã đưa chèo tàu vươn ra nhiều tỉnh khác trên cả nước như: Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An,...

 Hằng năm, bà Thu và các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đều mở lớp dạy chèo tàu miễn phí nhằm khơi dậy “máu” nghề từ sớm cho thế hệ tương lai. Ảnh: Văn Viết

Hằng năm, bà Thu và các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đều mở lớp dạy chèo tàu miễn phí nhằm khơi dậy “máu” nghề từ sớm cho thế hệ tương lai. Ảnh: Văn Viết

“Giới trẻ bây giờ có quá nhiều lựa chọn giải trí hiện đại, trong khi chèo tàu lại là loại hình khó học, khó nhớ. Vì thế, để các cháu yêu thích và gắn bó, tôi luôn tạo không khí học nhẹ nhàng, không áp lực, đồng thời kể cho các cháu nghe về ý nghĩa từng câu hát, vai diễn. Có hiểu thì mới thấy hay mà gắn bó lâu dài được”, bà Thu nhấn mạnh.

 Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015, bà Ngô Thị Thu vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ảnh: Hải Ly

Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015, bà Ngô Thị Thu vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ảnh: Hải Ly

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Viết, thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB CLB chèo tàu Tân Hội, cho biết: “Chèo tàu không chỉ là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, mà còn là sợi dây kết nối ký ức, tâm hồn của người dân Tân Hội qua nhiều thế hệ. Trong hành trình gìn giữ và khôi phục di sản này, bà Thu đã dành hết tâm huyết, kiên trì để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Tôi và các thành viên trong CLB luôn quyết tâm sẽ phát huy giá trị chèo tàu, tiếp nối truyền thống để tiếng hát ấy mãi vang vọng”.

 Bên cạnh là Chủ nhiệm CLB Chèo tàu Tân Hội, bà Thu còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương, hiện bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Tân Hội. Ảnh: Tư liệu NVCC

Bên cạnh là Chủ nhiệm CLB Chèo tàu Tân Hội, bà Thu còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương, hiện bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Tân Hội. Ảnh: Tư liệu NVCC

Theo thông tin từ UBND huyện Đan Phượng, trong năm 2025, huyện sẽ tổ chức lớp truyền dạy chèo tàu theo kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Thành phố. Lớp học diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12, do NNƯT Ngô Thị Thu cùng các nghệ nhân khác giảng dạy, với quy mô 40 học viên mỗi buổi.

Video: CLB chèo tàu Tân Hội biểu diễn bài “Chúc Bà Chúa” tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Nguồn: Văn Viết

TRẦN HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nghe-nhan-uu-tu-ngo-thi-thu-noi-nhip-cheo-tau-qua-3-thap-ky-829293