Ba bên 'bắt tay' xây dựng phòng kiểm định quốc tế ở Việt Nam
Hợp tác giữa ba bên: KTC - NATEC - HHT nhằm xây dựng Phòng kiểm định đạt chuẩn quốc tế tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu của Hà Nội - HHT.

Tăng cường hợp tác ba bên KTC – NATEC – HHT trong xây dựng phòng kiểm định tại Việt Nam.
Ngày 22/5, đại diện Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho biết, nhà trường vừa phối hợp với Viện Kiểm định & Chứng nhận Hàn Quốc (KTC) và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) với vai trò cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo chuyên đề về hợp tác xây dựng phòng kiểm định đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Phòng kiểm định chuẩn quốc tế
Sự kiện được đánh giá là dấu mốc chiến lược, hướng tới mục tiêu hình thành năng lực kiểm định - chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, phục vụ phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hội nhập toàn diện. Trọng tâm là kế hoạch xây dựng một phòng kiểm định hiện đại tại HHT - một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu của Hà Nội.
Tại hội thảo, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhấn mạnh, nhà trường luôn xác định sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong những năm qua, HHT đã không ngừng mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, xây dựng các mô hình đào tạo gắn với thực tiễn và phát triển hệ thống phòng thí nghiệm – kiểm định phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
"Nhà trường cam kết sẽ đồng hành cùng các đối tác trong quá trình thực hiện dự án xây dựng trung tâm kiểm định thử, chứng nhận và kiểm định xe ô tô điện và thang máy để làm nền tảng xây dựng một hệ sinh thái khoa học và công nghệ chất lượng, uy tín và có tiếng nói trên thị trường quốc tế."- TS Phạm Xuân Khánh nói.
Cơ hội chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc
Đại diện Viện Kiểm định & Chứng nhận Hàn Quốc (KTC) khẳng định, cam kết chuyển giao công nghệ kiểm định, hỗ trợ đào tạo chuyên gia, và thiết lập quy trình vận hành phòng kiểm định theo chuẩn quốc tế. Theo KTC, đơn vị với vai trò là tổ chức chứng nhận quốc gia của Hàn Quốc, vì vậy có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và đã có kinh nghiệm triển khai hợp tác tại nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Còn đại diện Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) với vai trò cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao sáng kiến hợp tác này. Đồng thời coi đây là mô hình kiểu mẫu trong việc gắn kết giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp – tổ chức quốc tế. Đại diện NATEC cho biết, việc hình thành các trung tâm kiểm định trong nước không chỉ giảm chi phí cho doanh nghiệp Việt, mà còn giúp gia tăng giá trị nội địa, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và mở rộng xuất khẩu.
Về phía HHT, hội thảo một lần nữa thể hiện rõ định hướng của nhà trường trong chiến lược đào tạo gắn với thực tiễn công nghiệp 4.0. Việc triển khai phòng kiểm định tại HHT không chỉ phục vụ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, mà còn giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với hệ thống thiết bị, quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo thông lệ quốc tế – điều mà không nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đáp ứng.

Hội thảo mở ra một giai đoạn mới cho sự kết nối chiến lược giữa HHT – KTC – NATEC trong lĩnh vực kiểm định - chứng nhận – đào tạo kỹ thuật đồng bộ và bền vững.
Tại Hội thảo, các bên đã trao đổi chuyên sâu về định hướng kỹ thuật, lộ trình triển khai, các tiêu chuẩn cần áp dụng và mô hình vận hành phòng kiểm định. Trong đó, trọng tâm là các lĩnh vực như: điện – điện tử – thiết bị công nghiệp – tự động hóa – công nghệ ô tô.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều đề xuất thiết thực từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghiệp và doanh nghiệp tham dự. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng: nếu mô hình này thành công, nó sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc gắn đào tạo với công nhận năng lực thực tiễn, gắn đổi mới sáng tạo với chuẩn hóa chất lượng, từ đó nâng cao vị thế của sản phẩm, dịch vụ và cả nguồn nhân lực Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu.