Ba câu hỏi giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một phương pháp đơn giản sử dụng 3 câu hỏi để giúp nhanh chóng phát hiện bệnh Alzheimer và chứng suy giảm nhận thức nhẹ.
Đây là một tin vui trong bối cảnh số lượng bệnh nhân yêu cầu chẩn đoán và điều trị sớm các căn bệnh này đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới.
Theo nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Alzheimer's Research & Therapy ngày 21/11, phương pháp này do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Keio và Bệnh viện Saiseikai Yokohamashi Tobu thực hiện, với sự hỗ trợ của ông Daisuke Ito - Giáo sư dự án chuyên về thần kinh học tại Đại học Keio. Các câu hỏi được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm:
1. Ông, bà có cảm thấy gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày so với trước đây không?
2. Ông, bà có thể kể về những niềm vui hoặc sở thích hàng ngày của mình không?
3. Ông, bà có thể nói về những tin tức hay sự kiện nổi bật gần đây không?
Phương pháp này có thể được áp dụng tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và góp phần quan trọng trong việc phát hiện sớm những bệnh nhân có nguy cơ mắc Alzheimer, đặc biệt là ở các giai đoạn đầu của bệnh.
Giáo sư Daisuke Ito nhận định: "Phương pháp này rất dễ áp dụng và có thể giúp phát hiện bệnh nhân Alzheimer ngay từ những giai đoạn sớm, trước khi bệnh tình tiến triển nghiêm trọng".
Nghiên cứu được tiến hành với 108 bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ, trong đó có cả bệnh nhân Alzheimer và 47 người không có vấn đề về nhận thức. Các câu hỏi được đưa ra để kiểm tra phản ứng của đối tượng khảo sát, trong đó đặc biệt chú ý đến việc người tham gia có trả lời trực tiếp hay không, hay có tìm sự giúp đỡ từ người thân đi kèm như gia đình.
Các kết quả từ chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy những người trả lời "có" cho câu hỏi đầu tiên (tức là cảm thấy khó khăn trong cuộc sống hàng ngày) hoặc những người cho rằng mình chỉ quên do tuổi tác, đồng thời đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi thứ hai và không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi thứ ba, có xu hướng có nguy cơ cao mắc Alzheimer. Đặc biệt, những người trả lời như vậy có mức độ amyloid beta, một loại protein tích tụ trong não và được coi là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer, cao gấp 3 lần mức bình thường.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng những đối tượng thường xuyên phải nhờ sự trợ giúp của người thân khi trả lời các câu hỏi có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn, bất kể các câu trả lời của họ có chính xác hay không. Những người này có mức độ amyloid beta trong não cao gấp 2,8 lần so với người bình thường.
Alzheimer là dạng mất trí nhớ phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, một nghiên cứu dự báo vào năm 2025 sẽ có khoảng 4,71 triệu người cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ và con số này có thể tăng lên 6,45 triệu người vào năm 2060, tương đương 1/6 dân số trên 65 tuổi của nước này ở thời điểm đó.
Với sự ra đời của một số loại thuốc điều trị Alzheimer, như lecanemab và donanemab-azbt, các bệnh nhân có thể làm chậm tiến trình của bệnh bằng cách loại bỏ các protein amyloid beta tích tụ trong não. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hiện nay là nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm vì không kịp chẩn đoán, do quá trình xét nghiệm bệnh Alzheimer yêu cầu một loạt bước kiểm tra phức tạp.