'Bà con xa không qua láng giềng gần'

Chừng hơn 40 năm về trước, mỗi lần hay tin trong xóm có người vừa mất là nội tôi giục con cháu 'Đứa nào nhín chút thời giờ đến đám ma tiếp người ta cái coi'. Dù bận việc gì, trong nhà cũng có người qua đó làm tiếp công việc. Đó là chuyện bình thường ở làng xóm ngày trước mà tôi từng biết.

Lúc đó gia đình có người mới vừa mất nên tang gia bối rối, mọi việc có bà con trong xóm tiếp lo liệu. Đám trai tráng tới dựng rạp, mượn mâm bàn, đi mời nhóm tẩm liệm trong xã (nhóm này cũng làm phước thiện, không nhận tiền công). Gia đình chỉ có việc đến coi thầy giờ liệm và ngày giờ chôn cất, công việc diễn ra suôn sẻ.

Các bà, các chị thì đem máy may đến cắt may đồ tang. Nhóm khác vô bếp lo việc cơm nước để chủ nhà đãi khách. Nói chung mọi người đều đến làm giùm vì tình nghĩa lối xóm. Chuyện tối lửa tắt đèn có bên nhau để giúp đỡ ai nấy đều xem là chuyện tự nhiên không có gì so đo cả!

Ngày chôn cất, thanh niên trong xóm đến rất sớm. Việc động quan, di quan đều do thanh niên trong xóm đảm trách. Ai nấy đều giúp đỡ rất tận tình. Nhiều đám tang chôn cất ở khá xa, anh em phải thay phiên nhau khiêng. Khi gia đình có hữu sự, có người đến giúp đỡ mới thấy sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm. Cho nên ông bà ta ngày xưa thường nhắc: “Bán bà con xa mua láng giềng gần”.

Không chỉ đám tang, ngay cả đám cưới hay đám giỗ cũng vậy, người trong xóm đến làm tiếp rất đông (ngày trước đám giỗ ở nông thôn làm rất lớn, mời đông người, có thể xem như đám cưới nhỏ). Phụ nữ đến làm bánh, người lo công việc bếp núc, xếp đặt để nấu món ăn. Thời đó ở nông thôn dịch vụ nấu đám tiệc chưa có (nếu có cũng ít ai kêu nấu) bởi xóm nào cũng có người làm bếp giỏi, những người này sẽ đảm nhiệm việc nấu nướng. Khách khứa đến dự cũng là người láng giềng có tình cảm thân thiết với chủ nhà, đãi sao cũng được, chẳng ai trách móc chuyện ăn uống.

Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi có về nông thôn dự đám cưới, đám tang. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là những nơi tôi đến đều có các dịch vụ phục vụ đầy đủ không thua gì ở thành thị. Chủ nhà thường mướn cho gọn, khỏi làm phiền hàng xóm. Đám cưới vắng đi cảnh các bà đến làm bánh vì đã được mua ngoài chợ. Việc nấu cỗ đã có dịch vụ đảm trách. Nói cho ngay họ chuyên nghiệp trong công việc nên trôi chảy, không lụp chụp như chủ nhà tự tổ chức. Còn đám ma có hẳn đội đạo tỳ, cần gì có người lo trọn gói.

Ngồi nói chuyện với các bác lớn tuổi, tôi được biết bây giờ ở nông thôn việc lối xóm giúp nhau trong đám tang, đám cưới bây giờ đã trở thành chuyện hiếm hoi. Làng xóm thanh niên còn rất ít, trai gái lớn lên phần đông đi lập nghiệp ở phương xa. Ngày trước con gái việc bếp núc rất giỏi, nay ở quê các cô mới lớn không mấy thạo việc bằng các thế hệ trước. Nếu các cô không tiếp tục học thì đã ra thành thị làm công nhân, có người làm dâu xứ người, nên các cô còn ở lại trong xóm không được mấy người. Có dịch vụ, gia đình đỡ lo, cũng xong công việc.

Có thể trên góc nhìn nào đó, tình cảm lối xóm không đậm đà mật thiết như ngày xưa. Nhưng nếu nhìn kỹ, lối sống ấy vẫn chưa mất, vẫn được thể hiện tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Như những ngày đại dịch vừa qua, những gia đình khó khăn được người trong xóm giúp đỡ tận tình. Tình làng nghĩa xóm là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, nếp văn hóa này cần được lưu giữ. Dù xã hội có thể biến đổi như thế nào nhưng chúng ta tin tưởng vẫn không mất. Từ ngọn lửa ấm áp của tình làng nghĩa xóm, con người sẽ thấy yêu thương và đoàn kết với nhau. Sống trong cộng đồng xã hội, con người không thể sống đơn độc, chúng ta vẫn cần có lúc phải hỗ trợ lẫn nhau.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/ba-con-xa-khong-qua-lang-gieng-gan-53996.html