Ba công khai chưa đầy đủ, Đảng ủy Trường ĐH Y Hà Nội đã làm hết trách nhiệm?

Đảng ủy trường với vai trò lãnh đạo toàn diện nên việc thực hiện báo cáo ba công khai chưa đầy đủ thì cũng phải xem xét trách nhiệm.

Liên quan đến việc thực hiện báo cáo ba công khai tại Trường Đại học Y Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết đăng tải:

1. Thông tin 3 công khai không đầy đủ, đại diện ĐH Y Hà Nội nói do yếu tố "đặc thù"

2. Trường ĐH Y Hà Nội có nhiều năm liền thu từ hoạt động NCKH tới hơn 100 tỷ đồng

Theo đó, tại mục công khai thông tin cơ sở dữ liệu hằng năm của Trường Đại học Y Hà Nội có thể thấy nhà trường cũng đã đăng tải thông tin ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Trong 3 năm học có thông tin ba công khai được công bố thì chỉ có 2 năm học được đăng tải đầy đủ dữ liệu thông tin theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT - BGDĐT. Trong năm học 2022 - 2023 trường đại học này chỉ có thông tin công khai về cơ sở vật chất và công khai thông tin về tài chính.

Trong khi đó, tại Điều 7 Thông tư 36 /2017/TT - BGDĐT quy định về Công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, yêu cầu công khai các nội dung rất cụ thể như Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế (gồm Cam kết chất lượng giáo dục; Chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo; Giáo trình, tài liệu tham khảo do cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn; Kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo....); Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên....

Tại phần chính về công khai thông tin năm học 2022 - 2023 của Trường Đại học Y Hà Nội vẫn hiển thị các đầu mục công khai về: Cam kết chất lượng đào tạo; Công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế; Công khai thông tin cơ sở vật chất; công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu và công khai về tài chính. Tuy nhiên, khi nhấn vào đường dẫn "xem chi tiết" thì trong giao diện của google driver chỉ hiển thị có 2 nội dung công khai về cơ sở vật chất và tài chính.

Thông tin ba công khai của Trường Đại học Y Hà Nội trong năm học 2022 - 2023 chỉ có 2 nội dung. Ảnh chụp màn hình

Thông tin ba công khai của Trường Đại học Y Hà Nội trong năm học 2022 - 2023 chỉ có 2 nội dung. Ảnh chụp màn hình

Đáng chú ý, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Quốc Đạt - Trưởng phòng Hành chính Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến các nội dung trong báo cáo ba công khai của một số năm học chưa được đăng tải đầy đủ là do có một số hoạt động mang tính chất "đặc thù" của nhà trường nên chưa thể công bố thông tin đó lên mạng được.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Phạm Minh

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Phạm Minh

Sau khi các bài viết được đăng tải, độc giả bày tỏ nhiều băn khoăn xung quanh việc Trường Đại học Y Hà Nội công bố thông tin ba công khai chưa đầy đủ. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể trong Thông tư 36/2017/TT - BGDĐT, các trường đại học khác đều nghiêm túc thực hiện, việc Trường Đại học Y Hà Nội lấy lý do "đặc thù" để không công bố đầy đủ thông tin ba công khai liệu có hợp lý và công bằng với các cơ sở giáo dục đại học khác.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác thắc mắc, việc Trường Đại học Y Hà Nội đăng tải thông tin ba công khai chưa đầy đủ thì có ảnh hưởng đến việc tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật của các quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội hay không?.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, việc nhà trường lấy lý do "đặc thù" để không công bố đầy đủ thông tin ba công khai là đang có dấu hiệu của việc "né tránh" thực hiện các quy định. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước trong giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ để các trường thực hiện nghiêm túc.

"Việc công khai minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác quản lý hiện nay. Vì vậy, nếu đưa ra các lý do để không thực hiện đầy đủ thông tin ba công khai thì làm sao xã hội có thể biết được hoạt động của trường đại học đó đang diễn ra như thế nào mà giám sát, góp ý.

Tất nhiên trong công tác thực hiện việc công khai, trước khi ban hành thông tư hướng dẫn cơ quan quản lý cũng đã có khảo sát, đánh giá các điều kiện công khai. Nhà nước ta cũng đã có những quy định rõ ràng về nội dung nào không được phép công khai hoặc không thể công khai. Những nội dung được đề cập trong quy định về ba công khai như trong Thông tư 36/2017/TT - BGDĐT thì các nhà trường hoàn toàn có thể thực hiện được vì nó không thuộc về bí mật nhà nước.

Nhà trường cho rằng chưa công khai vì yếu tố "đặc thù" là không hợp lý. Nếu trường nào cũng có lý do để né tránh thực hiện thì các quy định nêu ra trong Thông tư 36 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có còn tác dụng?", ông Sửu nêu quan điểm.

Qua đó, nguyên Vụ trưởng Vụ 1 nhấn mạnh rằng, nếu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình hoạt động, không có khuất tất thì các con số luôn đảm bảo được tính minh bạch.

"Khi đã minh bạch thì không có điều gì phải băn khoăn, các trường cũng sẽ mạnh dạn hơn trong thực hiện ba công khai. Có thể những thông tin của nhà trường là "không có vấn đề", nhưng nếu vì một lý do nào đó những thông tin ấy không được công khai thì có thể chính những thông tin đó sẽ để lại nhiều nghi vấn trong dư luận xã hội", ông Sửu cho hay.

Cũng theo vị này, trường hợp của Trường Đại học Y Hà Nội khi công bố thông tin ba công khai chưa đầy đủ có thể để lại "tác dụng phụ" không mong muốn.

Ông Sửu dẫn chứng: "Nếu nhà trường không công bố đầy đủ thông tin công khai, khi các đối tượng là phụ huynh và học sinh muốn tìm hiểu về trường, xã hội muốn giám sát thì cũng không biết lấy căn cứ nào để đối chiếu, tìm hiểu về chất lượng giáo dục của nhà trường.

Nếu vẫn còn tình trạng giấu giếm thông tin thì bản thân nhà trường đã tự đánh mất đi niềm tin với người học".

Qua đó, vị nguyên Vụ trưởng Vụ 1 một lần nữa khẳng định, đã là quy định thì các đơn vị phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc. Đơn vị nào cố tình né tránh thì cơ quan quản lý nên vào cuộc làm rõ nguyên nhân vì sao chưa công khai, phải xử lý mạnh tay nếu lý do chưa không khai mà cơ sở giáo dục đó nêu ra là không thuyết phục.

Trong sự việc này, ông Sửu cũng nêu quan điểm về trách nhiệm quản lý của người đứng đầu nhà trường. Theo ông Sửu, không riêng với Trường Đại học Y Hà Nội mà các cơ sở giáo dục đại học đều có Hội đồng trường và có Đảng ủy nhà trường.

Trong đó, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy nhà trường, đứng đầu là Bí thư Đảng ủy rất lớn. Nên khi để xảy ra việc thực hiện không đầy đủ các quy định trong lĩnh vực thực hiện công bố thông tin công khai thì cũng có phần trách nhiệm quản lý, đôn đốc cấp dưới của Bí thư Đảng ủy nhà trường.

"Có thể Đảng ủy nhà trường không trực tiếp thực hiện công việc đó, nhưng từ việc thiếu minh bạch và chưa thực hiện đúng các quy định thì Đảng ủy nhà trường không thể đứng ngoài cuộc.

Tôi nghĩ, trong sự việc này Bí thư Đảng ủy nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm liên đới", ông Ngô Văn Sửu bày tỏ.

Về vấn đề thực hiện ba công khai của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, trong lý do "đặc thù" mà một số trường đại học nêu ra để thực hiện việc ba công khai không đầy đủ dễ khiến dư luận hoài nghi là "phải có gì họ mới không công khai". Tại sao các trường đại học khác phải làm, làm đúng thì có cơ sở giáo dục đại học lại không thực hiện đầy đủ.

"Khi công bố thông tin ba công khai đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ "phơi" hết các dữ liệu của nhà trường cho xã hội, học sinh, phụ huynh được biết.

Như vậy, nếu một trong số các thông tin có tính chất "bất lợi" cho công tác tuyển sinh mà phụ huynh tiếp cận được hoặc nếu có thông tin "vi phạm" các quy định mà cơ quan quản lý nhìn thấy được thì điều đó ít nhiều tạo ra rắc rối cho nhà trường.

Vì thế, trong việc thực hiện ba công khai nhiều đơn vị chọn cách "ẩn đi"", Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Thùy Linh

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: "Trên thực tế, có nhiều trường đang "đuối" về nhân sự cơ hữu. Đó có thể là hệ quả của việc mở ngành ồ ạt gây ra mất cân đối nhân sự. Thậm chí có trường có tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng cao gấp nhiều lần cơ hữu. Nếu những con số này được công bố sẽ không có lợi cho công tác tuyển sinh của nhà trường".

Đối với thông tin về thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, vị này cho rằng: "Trên thực tế, có nhiều trường đại học hàng năm thực hiện đến mấy chục đề tài, dự án. Tuy nhiên, cái khó nhất lại là giải trình về ngân sách thực hiện sao cho phù hợp với quy mô dự án. Cùng với đó, hiệu quả của các dự án nghiên cứu khoa học ra sao, xã hội cũng khó có thể biết vì không có thông tin công khai. Vì thế, tôi cho rằng, nếu các thông tin được công khai đầy đủ sẽ giúp giám sát hiệu quả, uy tín các trường tốt lên".

Lam Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ba-cong-khai-chua-day-du-dang-uy-truong-dh-y-ha-noi-da-lam-het-trach-nhiem-post239119.gd