'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài 6: Về 'chảo lửa' Hương Khê
Những bạn trẻ Hội đồng hương Nghệ Tĩnh - Học viện Ngoại giao, đã có một hành trình Mùa hè xanh tình nguyện đáng nhớ tại 'chảo lửa' Hương Khê với những tiết học cùng các em nhỏ, cùng làm với bà con, thực hiện những công trình, phần việc ý nghĩa trên mảnh đất vùng biên Hà Tĩnh.
Gieo nắng yêu thương vùng biên
5h sáng, đồng hồ báo thức vừa reo, đội trưởng Lê Tiến Dũng (SN 2004) vội vàng gọi nhóm sinh viên trong Hội đồng hương Nghệ Tĩnh - Học viện Ngoại giao dậy, chuẩn bị hành trang lên đường đến các địa điểm triển khai các phần việc trong chương trình tình nguyện.
“Các bạn chia nhau ra, mỗi nhóm một phần việc. Chúng ta đến đây 7 ngày, sẽ làm hai công trình trọng điểm là đèn đường chiếu sáng làng quê và xây dựng cột cờ, cùng hàng rào tại nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, dạy học cho các em nhỏ ở đây. Mong mọi người luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành theo kế hoạch đề ra”, đội trưởng Tiến Dũng phân công nhiệm vụ.
Dù mới 20 tuổi, là lần đầu tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, nhưng Tiến Dũng chững chạc, điềm tĩnh, linh hoạt trong các tình huống. Dũng nói, Hương Lâm là mảnh đất vùng biên giới của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi đây cuộc sống người dân còn vô vàn khó khăn. Đặc biệt ở những thôn, bản xa, trẻ em rất thiệt thòi khi thiếu các hoạt động vui chơi trong những ngày hè.
Đến mảnh đất Hương Lâm trong chiến dịch hè năm nay, 20 sinh viên Hội đồng hương Nghệ Tĩnh - Học viện Ngoại giao mang theo thông điệp rất ấm áp với cái tên “Gieo nắng”. Theo Tiến Dũng, mỗi năm, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh sẽ thực hiện một chủ đề khác nhau, nhưng vẫn giữ nét chung là sự nhiệt huyết và khát khao cống hiến của tuổi trẻ, có tính liên kết giữa các năm.
Năm ngoái, Hội tổ chức chiến dịch Mùa hè xanh tại huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với chủ đề “Vươn”, với mong muốn vươn mình của mầm xanh, sự khát khao, cống hiến của tuổi trẻ. Hè này, những người trẻ tiếp tục đi “Gieo nắng” ở miền đất mới. “Mùa trước là vươn lên của mầm xanh. Đến năm nay, khi mầm xanh ấy đã vươn lên cao thì chúng em đi “gieo nắng”, gieo những hạt nắng ấm áp, gieo yêu thương đến một vùng đất mới - mảnh đất Hương Lâm”, Tiến Dũng giải thích.
Trên con đường ngoằn ngoèo, hai bên là núi cao thăm thẳm, bạn Nguyễn Huy Thông (sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao) cầm theo chiếc xẻng, đồ nghề cùng nhóm bạn bắt đầu hỗ trợ người dân làm hàng rào sắt. Nhóm kết hợp làm cột cờ tại nhà văn hóa thôn.
Thông được sinh ra ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nên phần nào cậu hiểu được vùng quê “nắng đỏ đồng mưa thâm cả bùn non”. Chàng sinh viên từng tham gia tình nguyện, nhưng đây là lần đầu Thông đặt chân đến Hương Khê. “Trước khi tham gia chiến dịch, bản thân em xác định đi tình nguyện không phải là một chuyến đi chơi. Đến mảnh đất này, mới hiểu được những khốn khó, vất vả cực nhọc của bà con, được hòa mình và trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng biên giới. Hành trình tuy vất vả, nhưng sẽ giúp những bạn trẻ như chúng em trưởng thành hơn”, Thông chia sẻ.
Những đôi tay của các cô cậu cử nhân tương lai vốn dĩ quen với việc cầm bút, bàn phím, giờ quen dần với việc cầm dao, cuốc và xẻng…Dù vất vả, nhưng công việc vẫn được thực hiện một cách khẩn trương, trách nhiệm. Khi làm việc, mỗi bạn trẻ đều thấy phấn khởi, hạnh phúc. Bởi những đóng góp của các bạn nơi mảnh đất này đã mang đến điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người dân địa phương.
“Chương trình tình nguyện Mùa hè xanh của các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao mang lại nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là góp sức vào tham gia nhiệm vụ chính trị ở địa phương về xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo ra một sinh khí mới cho tổ chức Đoàn - Đội ở địa phương. Ngoài những công trình ý nghĩa như đường điện thắp sáng làng quê, phối hợp cùng đoàn địa phương tham gia làm đường nông thôn, các bạn trẻ còn huy động nguồn lực để trao tặng rất nhiều món quà hỗ trợ cho các em nhỏ, gia đình khó khăn”.
Chị Kiều Thị Thu Hằng – Bí thư Huyện Đoàn Hương Khê (Hà Tĩnh)
Cô ơi, năm sau cô lại về đây nữa nhé!
Nơi được ví là “chảo lửa” miền Trung, Hương Lâm mùa này nắng nóng khô khốc. Mặt trời nhô lên cao, gió phơn Tây Nam thổi hừng hực khiến không khí càng trở nên oi bức như muốn thiêu đốt mọi thứ. Trở về nơi đóng quân với bộ đồ ướt đẫm, nhưng ai nấy đều ấm lòng khi nghe những lời động viên của người dân và lời hối thúc “năm sau các cháu quay lại tiếp nha”…
Mỗi ngày trôi qua, hàng rào sắt cùng cột cờ Tổ quốc và đèn điện chiếu sáng được hoàn thiện tại xã Hương Lâm. Con đường dẫn vào thôn Trường Giang cũng được thắp sáng bằng điện, phá vỡ khung cảnh u tối bao năm nơi vùng quê hẻo lánh. Hơn 60 triệu đồng là tổng giá trị các nguồn lực các bạn trẻ kêu gọi được để thực hiện các công trình, phần việc ở Hương Lâm.
Xuyên suốt trong những ngày đóng quân tại Hương Lâm, điều khiến bà con địa phương ấn tượng và mang lại kỷ niệm đẹp cho các em nhỏ nơi đây là lớp học tiếng Anh. Lớp có 40 bạn nhỏ, được học ghép tại một căn phòng mượn của trường Tiểu học Hương Lâm. Từ sáng sớm, các em nhỏ đã tập trung tại lớp học để cùng các “thầy cô áo xanh”, tham gia vào tiết học bổ trợ thêm kiến thức.
Nhận nhiệm vụ dạy tiếng Anh cho các em nhỏ, cô gái Hoàng Thị Lan Anh (sinh viên Ngoại giao) trở nên vui vẻ và tự tin khi đứng trên bục giảng. Vừa luyện đọc phát âm, vừa hỗ trợ các em nhỏ ghi chép, Lan Anh giống như một giáo viên thực thụ. Trong phòng học rộng khoảng 20m3, hơn 40 em nhỏ chăm chú nghe giảng, còn cô giáo Lan Anh say sưa với phấn và bảng. Thi thoảng, Lan Anh pha trò tạo tiếng cười để lớp vui nhộn hơn.
Lan Anh chia sẻ, sau hai mùa tham gia tình nguyện hè, cô thấy trưởng thành hơn khi bước chân đến những vùng đất mới, được tiếp xúc với những con người mới. “Em rất vui, tự hào khi được đặt chân đến đây để góp sức trẻ hỗ trợ người dân còn khó khăn. Chiến dịch năm nay rất ý nghĩa, giúp bản thân em có trải nghiệm để trưởng thành hơn. Đặc biệt là được các em nhỏ gọi là cô giáo, đón nhận những món quà nhỏ bé, mộc mạc. Xúc động hơn khi nghe những câu nói: “Cô ơi, năm sau cô lại về đây nữa nhé”, Lan Anh chia sẻ.
(Còn nữa)