Ba dấu hiệu quan trọng chỉ ra suy thoái kinh tế toàn cầu
Ba chỉ báo dẫn dắt kết hợp cụ thể là giá đồng thấp hơn, đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ đảo ngược và giá cước vận chuyển giảm, đã cảnh báo về sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá đồng thấp hơn
Theo chỉ số dựa trên hợp đồng tương lai ba tháng được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London, giá đồng gần đây đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm nay. Tương tự, giá kẽm giảm 30% và nhôm giảm khoảng 20%.
Đồng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, ô tô và điện tử tiêu dùng. Vì vậy, những biến động về giá của giá đồng thường dự đoán sức khỏe tổng thể của nền kinh tế, khiến kim loại này có biệt danh là "Tiến sĩ Đồng" (Dr. Copper).
Việc giá đồng trượt dốc cho thấy lo ngại về tình trạng trì trệ kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 60% nhu cầu đồng toàn cầu. Trung Quốc tiêu thụ kim loại này chủ yếu để làm dây đồng trong xây dựng.
Đầu tư của Trung Quốc vào phát triển bất động sản đã giảm 6,2% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Sự phục hồi kinh tế hậu Covid đã được kỳ vọng nhưng nguồn vốn của các nhà phát triển bất động sản vẫn không ổn định và đầu tư mới đã chậm lại.
Tại Trung Quốc, bất động sản được cho là chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội, nghĩa là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực này. Các chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên nhiều nơi lo ngại về vấn đề nợ công.
Ở Trung Quốc, chỉ số sản xuất tháng 4 đã giảm xuống dưới mức 50 lần đầu tiên sau bốn tháng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu ở phương Tây, các điều kiện để xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng vẫn chưa xuất hiện.
Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và giá cả hàng hóa khó có thể tăng”.
Đường cong lợi suất đảo ngược
Các dấu hiệu đáng lo ngại cũng đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm đã vượt quá lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trong 226 ngày giao dịch liên tiếp, đây là đường cong lợi suất đảo ngược kéo dài nhất kể từ năm 1981. Sự đảo ngược lợi suất cho thấy một cuộc suy thoái sắp tới.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm thấp hơn 1,9% so với lợi tức trái phiếu Kho bạc 3 tháng vào đầu tháng 5, và là mức chênh lệch âm lớn nhất trong 42 năm.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York cho biết, có xác suất 68% rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, một con số cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc sự bùng nổ của bong bóng dotcom.
Xu hướng này là ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt của Fed được thiết kế để kiểm soát lạm phát. Nhiều người thấy việc thắt chặt gây áp lực giảm giá lên nền kinh tế.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, vượt quá kỳ vọng của thị trường và thể hiện sức mạnh duy trì của lạm phát. Fed được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính sách, kéo dài đường cong lợi suất đảo ngược.
Giá cước vận chuyển suy giảm
Giá cước vận chuyển container châu Á, phản ánh sức mạnh tiêu dùng ở các nền kinh tế phương Tây đã giảm đáng kể so với năm ngoái.
Theo Shanghai Shipping Exchange, giá cước giao ngay cho các tuyến đường biển giữa Thượng Hải và Bờ Tây nước Mỹ là 1.398 USD/TEU trong tuần thứ tư của tháng 5, giảm 82% từ mức đỉnh. Giá cước vận chuyển container đi từ Thượng Hải đến châu Âu đã giảm 85% từ mức đỉnh xuống còn 859 USD/TEU. Một số công ty tàu container nói rằng mức giá như vậy là không có lãi.
Nguyên nhân khiến giá vận chuyển giảm xuống là hàng tồn kho bán lẻ dư thừa ở các nền kinh tế phương Tây. Châu Á thường vận chuyển hàng hóa thành phẩm, chẳng hạn như đồ nội thất, quần áo và đồ chơi đến các điểm đến phương Tây. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy các nhà bán lẻ phải đảm bảo có thêm hàng tồn kho, nhưng lạm phát kéo theo đã làm cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Hàng tồn kho quá mức đã khiến lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh kể từ nửa cuối năm 2022. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng trong tháng 4 cho thấy sức tiêu thụ ổn định, nhưng nhu cầu nhập khẩu mới không mạnh.
Công ty nghiên cứu vận tải biển Sea-Intelligence cho biết, sự bùng nổ nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 2020-2021 ở một mức độ nào đó là do người tiêu dùng chuyển chi tiêu từ dịch vụ sang hàng hóa. Và việc bình thường hóa thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ "sẽ có tác động tiêu cực đến khối lượng container trong một thời gian nữa".
Ngoài ra, giá cước vận tải hàng rời cũng giảm. Chỉ số Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic đạt 1.172 điểm vào thứ Sáu (26/5), giảm khoảng 30% so với mức cao nhất từ đầu năm đến nay được ghi nhận vào ngày 10/5. Nhập khẩu quặng sắt và than của Trung Quốc cũng đã suy yếu.