Ba giá trị lao động trẻ đề cao

Thị trường lao động, việc làm đang thay đổi, nhiều công việc mới ra đời khiến không ít lao động trẻ thay đổi quan điểm về sự nghiệp

Trung ương Hội Sinh viên (SV) Việt Nam vừa công bố kết quả nghiên cứu "Lối sống và định hướng giá trị của SV hiện nay" dựa trên khảo sát hơn 26.300 SV trên cả nước. Kết quả cho thấy 3 giá trị SV đề cao ở nghề nghiệp trong tương lai là "lãnh đạo có tầm nhìn", "thu nhập cao" và "môi trường làm việc năng động sáng tạo".

Muốn là chính mình

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy sự khác biệt của SV thế hệ gen Z (sinh từ năm 1995-2002) với các thế hệ trước, họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc và định hướng phát triển của tổ chức qua vai trò của người lãnh đạo.

Nguyễn Hoàng Hải (21 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM), SV năm cuối ngành công nghệ thông tin là một điển hình. Dù chưa tốt nghiệp nhưng do nhân sự ngành Hải theo học đang thiếu trên thị trường lao động, nên Hải được nhiều doanh nghiệp (DN) mời làm việc nhưng Hải quyết tâm theo đuổi công việc kinh doanh theo mô hình tiếp thị liên kết đang bùng nổ trong thời gian qua.

"Ba mẹ tôi đều là công chức nên không ủng hộ việc tôi kinh doanh khi còn đi học. Tôi đã thuyết phục ba mẹ bằng chính thành quả kinh doanh của mình và dần họ cũng đã hiểu đó là công việc mới lạ nhưng rất tiềm năng. Hiện tôi kinh doanh hàng trăm mặt hàng công nghệ trên nhiều nền tảng trong, ngoài nước và thu nhập đem về ở con số hàng chục triệu đồng mỗi tháng" - Hải nói. Anh cho hay đang tính toán mở rộng quy mô và "tăng tốc khởi nghiệp".

Sinh viên ngành Logistics của Trường ĐH Công nghệ TP HCM trong chuyến đi tham quan thực tế

Sinh viên ngành Logistics của Trường ĐH Công nghệ TP HCM trong chuyến đi tham quan thực tế

Còn Lê Ngọc Yên Vy (22 tuổi, quê Đồng Nai) quyết tâm theo đuổi công việc nhiếp ảnh dù sắp tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng. Vy cho biết bố mẹ đều công tác trong ngành tài chính nên ngay từ đầu đã định hướng cho cô theo nghề. Ban đầu cũng yêu thích nhưng khi làm quen với chiếc máy ảnh được tặng, Vy đã rong ruổi khắp nơi để có được những tấm ảnh đẹp.

Cô chia sẻ lên mạng xã hội những tác phẩm của mình và bất ngờ nhận được sự quan tâm của nhiều người có tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh. "Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ chuyên tâm làm điều mình yêu thích. Chúng tôi hình thành một nhóm chuyên chụp ảnh phong cảnh từ trên cao để bạn bè quốc tế biết đến nhiều danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Nguồn thu từ bán ảnh được trích một phần gây quỹ bảo vệ môi trường. Đó cũng là mục tiêu của nhóm chúng tôi" - Vy bày tỏ.

Tự tin với mục tiêu

Trước đây, SV mới ra trường thường được khuyên đừng đặt mục tiêu quá cao hoặc kén chọn công việc nhưng hiện tại mọi thứ đã thay đổi.

Bà Hồ Thị Thùy Vân, Trưởng Phòng Quản lý tuyển dụng cấp cao của Navigos Search, đặt câu hỏi "Làm thế nào để SV vừa ra trường đã có 2 năm kinh nghiệm?". Theo bà Vân, hiện SV ra trường không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với những người đang thất nghiệp khác. "Vậy SV muốn tìm việc thành công thì cần có kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Hay nói cách khác, trải nghiệm việc làm sớm, SV sẽ tự tin, có nhiều cơ hội hơn khi bước vào thị trường lao động" - bà Vân nói.

Trải nghiệm việc làm sớm, lao động trẻ sẽ có nhiều hơn cơ hội việc làm. Thậm chí họ có thể làm tốt những công việc trái ngành nếu tìm được niềm hứng khởi trong công việc. Bà Vân cho rằng lao động trẻ gen Z hiện cũng góp phần phá vỡ những "bức tường truyền thống" trong thị trường lao động việc làm. Họ giỏi công nghệ, mê khám phá, thích những điều mới lạ chứ không thích gò bó và muốn tự chủ trong công việc.

Ở góc độ nhà trường, bà Dương Thị Kim Xoa, Phó trưởng Phòng Quan hệ DN và Việc làm SV - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá việc gia tăng ký kết hợp tác với các DN hàng đầu trong và ngoài nước, thuộc nhiều lĩnh vực sẽ giúp SV tiếp cận việc làm chủ động. Thông qua các hội thảo, tham quan DN, thực tập, ngày hội tuyển dụng... giúp SV định hình được bản thân, tìm kiếm công việc phù hợp với nhu cầu và thế mạnh, ngành học của bản thân.

"Các hoạt động thiết thực này để SV trải nghiệm, tìm ra hướng đi cho riêng mình trong hành trình xây dựng sự nghiệp. Khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng, lắng nghe chia sẻ về những yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ năng phù hợp cùng các quyền lợi với từng vị trí việc làm cũng là cách để SV tự tin hơn với mục tiêu của mình" - bà Xoa nhấn mạnh.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ba-gia-tri-lao-dong-tre-de-cao-20231017204802967.htm