Ba giải pháp cần đặc biệt quan tâm!
Theo TS. Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế, các mục tiêu của năm 2023 rất 'nặng', để đạt được phải đặc biệt quan tâm 3 nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Mục tiêu năm 2023 rất “nặng”!
-Việc Chính phủ ban hànhNghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Năm 2023, địa chính trị thế giới có nhiều thách thức, trong nước thì cơ hội, thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, nhưng phải xác định khó khăn sẽ nhiều hơn. Trong bối cảnh như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 có nhiều ý nghĩa với nền kinh tế nói chung, với doanh nghiệp nói riêng khi nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng. Đặc biệt, năm nay việc gộp Nghị quyết số 02 vào Nghị quyết số 01 là cách tiếp cận hoàn toàn mới, khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
- Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của những mục tiêu năm 2023?
- Nhìn chung những mục tiêu của năm 2023 rất “nặng”! Muốn đạt được, phải có sự đồng lòng từ trên xuống, tiếp đó là các giải pháp cụ thể của từng địa phương.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, Chính phủ bằng nội lực cần có định hướng phát triển mới giải quyết được. Mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD kỳ vọng sẽ thực hiện được.
Về tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4 - 25,8%, do chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ các nước Đông Âu, châu Âu nên muốn đạt được con số này cần đưa ra kế hoạch phù hợp.
Riêng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5% phải đạt được. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1 - 1,5% cần có hoạch định rõ ràng. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm đạt trên 90%, toàn dân phải 95% có khả thi, các bộ, ngành địa phương phải bám sát kỹ…
Hạ tầng tốt, kinh tế mới phát triển
- Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm về các nhóm nhiệm vụ, giải phápChính phủ đưa ra trong Nghị quyết số 01. Theo ông, những nhiệm vụ và giải pháp đưa ra đã đúng mong muốn của doanh nghiệp?
- Những giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01 đã đúng với thực tế và “trúng” với mong muốn của đa số doanh nghiệp, bây giờ chúng ta chỉ đợi khâu thực thi mà thôi.
Doanh nghiệp của chúng ta hiện không đồng đều, muốn hỗ trợ đúng, trúng nhất cần có sự đồng bộ, phân nhóm theo từng tiêu chí ngành khác nhau. Đơn cử, cần tập hợp doanh nghiệp nông nghiệp vào một nhóm, sau đó chia nhỏ các nhiệm vụ sẽ thực hiện tốt và hiệu quả hơn. Nếu bao gồm tất cả các doanh nghiệp, tất cả ngành nghề sẽ khó quản lý. Bên cạnh đó, ưu tiên một số ngành nghề được hưởng lãi suất ưu đãi và có gói hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để tạo động lực phát triển.
-Trong 11 giải pháp đề ra, theo ông cần chú trọng những giải pháp nào?
- Có 3 giải pháp cần đặc biệt quan tâm. Chúng ta đang gặp phải một vấn đề là phía Bắc có nhiều cao tốc, nhưng phía Nam và miền Tây Nam bộ lại rất ít. Trong khi đó, thủ phủ miền Tây là nơi xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản rất mạnh như lúa gạo, cá tra, nhưng nếu đi từ Cà Mau lên TP. Hồ Chí Minh mất từ 8 - 10 tiếng, quá nhiều thời gian sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nơi nào hạ tầng tốt thì mới phát triển kinh tế mạnh mẽ, do đó với giải pháp về hạ tầng cần được đẩy nhanh hơn bao giờ hết, phải đồng bộ.
Tiếp đến, chúng ta đang trong quá trình hội nhập, tuy nhiên nguồn nhân lực đang rất yếu, thiếu. Công nhân viên tay nghề cao đúng theo yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất ít. Do đó, phải tập trung nâng cao, đào tạo tay nghề thợ, hợp tác với các trường đại học, tập đoàn để nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng số.
Cuối cùng là chú trọng thông tin truyền thông. Ví dụ trong ngành bất động sản, vì thông tin chưa được cập nhật đồng bộ khiến thị trường bấp bênh, năm 2022 ngành phải nhận nhiều “đau đớn”. Vì vậy, cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp cụ thể, hiện thực hóa các nhiệm vụ.
- Cá nhân ông kỳ vọng gì ở Nghị quyết này?
- Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 rất khẩn trương và quyết liệt, kỳ vọng chúng ta có thể đạt ít nhất 90% những gì đã đề ra. Những việc đã làm được cần nghiên cứu đẩy mạnh, việc chưa làm được cần phải xem xét, hoạch định giải pháp cụ thể và đồng bộ. Từ đó tạo ra nền tảng tốt, hướng tới nền kinh tế phát triển tốt hơn trong năm nay và những năm sau.
Doanh nghiệp cũng cần đổi mới hướng điều hành, quyết liệt từ đầu năm sẽ đạt được kết quả tốt.
- Xin cảm ơn ông!