Ba giải pháp phát triển ngành quỹ đầu tư ở Việt Nam
Bộ Tài chính cho biết đến nay tổng tài sản được quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm 6,5% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực...

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Bộ Tài chính)
Sáng ngày 28/3/2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8%, tạo đà để tăng trưởng ở mức hai chữ số trong giai đoạn 2026 – 2030 thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến khoảng 174 tỷ USD, trong đó đầu tư tư nhân chiếm 96 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD của năm 2024.
Để đạt mục tiêu này, cấp thiết phải huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả trong và ngoài nước, để hỗ trợ tăng trưởng nhanh và bền vững.
"Đến nay, tổng giá trị tài sản được quản lý bởi các quỹ đầu tư chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm lực khi chỉ chiếm 6,5% GDP, trong khi Thái Lan ở mức 21% GDP và Malaysia là 52% GDP".
Báo cáo của Bộ Tài chính
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết vốn hóa thị trường chứng khoán hiện đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Trong đó, tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường.
Hiện, cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014. Trong 10 năm qua, ngành quỹ tại Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm.
“Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch”, bà Vũ Thị Chân Phương nói.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phát biểu.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm khoảng 6,5% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
Số lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ lớn. Đa số trong nhóm này tham gia thị trường theo hướng tự mua bán, lướt sóng ngắn hạn thay vì đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Thực trạng này khiến thị trường thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông và không đảm bảo định hướng đầu tư dài hạn.
Bà Vũ Thị Chân Phương cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Đề án Đào tạo nhà đầu tư nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường, giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định.
Bộ Tài chính cho biết sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua (i) đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; (ii) đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường; (iii) nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.
“Cần cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về hoạt động, hiệu quả của các quỹ cũng như lợi ích mà nhà đầu tư có thể nhận được. Ngoài ra, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, như quỹ đầu tư vào hạ tầng hoặc doanh nghiệp tư nhân. Điều này không chỉ giúp thu hút thêm nhà đầu tư mà còn góp phần huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế”, ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital chia sẻ bên lề hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết việc đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư đang được nước cơ quan này triển khai thực hiện.
“Hiện nay, pháp luật chứng khoán đã quy định các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán gồm: quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…”, bà Vũ Thị Chân Phương thông tin.

Nhiều ý kiến được trao đổi tại phiên thảo luận.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu thay đổi Quy chế chỉ số hiện hành nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phát triển các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ chế mới cho phép các thành viên thị trường có thể thiết kế và đề xuất các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Ngoài ra, để phát triển ngành quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất với các cơ quan liên quan về việc phân phối chứng chỉ quỹ để đa dạng hóa các kênh phân phối chứng chỉ quỹ, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ba-giai-phap-phat-trien-nganh-quy-dau-tu-o-viet-nam.htm