Bà Giàng và Tứ pháp
Ở miền Trung, có một vị thần được thờ rất phổ biến dọc ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Vị thần có cái tên khá dân gian: Bà Giàng.
Bà Giàng là ai mà lại được thờ phổ biến như vậy? Để nhận diện vị thần này, hãy điểm qua các di tích thờ Bà Giàng ở vùng ven biển Trung Bộ.
Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân
Một ngôi miếu cổ nổi tiếng ở cửa biển Thuận An (Huế) là miếu Bà Giàng. Sự tích ngôi miếu này đã được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và vị thần Thai Dương phu nhân thờ ở miếu đã được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần sắc phong. Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân được kể như sau:
"Có một ngư phủ ra làm nghề biển, nằm gối đầu lên khối đá mà ngủ. Ông nằm mộng thấy người đàn bà mang thai lay đầu mình dậy bảo rằng: "Chớ chạm vào thai ta". Ngư phủ tỉnh dậy không thấy ai khấn rằng: "Thần có thiêng xin đêm nay phù hộ cho ta bắt được nhiều cá". Quả nhiên, hôm đó ông đạt được ý nguyện như lời cầu xin. Dân chài trong địa phương cùng nhau lập đền thờ. Mỗi lần họ cầu xin điều gì đều được như ý".
Tục thờ Thai Dương phu nhân gắn liền với tục thờ đá cổ. Miếu Bà Giàng nay nằm ở làng Thai Dương, Thuận An. Dễ nhận thấy âm Giàng đã được ghi trong sách vở bằng chữ "Dương". Còn chữ "Bà" được dịch ra thành "phu nhân".
Câu đối ở miếu Thai Dương phu nhân:
Bạt thác hóa sinh, thiếp hải trừng ba chương thánh trạch
Thai dương hiển hiện, đằng vân giá vũ diệu thần cơ.
Dịch:
Dấu mạnh hóa sinh, biển lặng sóng yên ngời đức thánh
Thai trời hiển hiện, đi mây về gió khéo cơ thần.
Ở thôn Thanh Phước xã Hương Phong, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có một viên đá được vua Nguyễn phong là "phu nhân". Đó là "Kỳ Thạch phu nhân", một tấm đá có khắc chạm tượng. Đây là tấm phù điêu của một tháp Chăm cổ được người dân tìm thấy trên bãi cồn. Tấm đá chạm hình quỷ vương Ravanda mười đầu, mười tám tay, bốn chân đang lay chuyển ngọn núi của thần Shiva trong Hindu giáo. Làng Thanh Phước gọi tấm chạm này là "Bà Đá", cho dù hình khắc không thể hiện nhân vật nữ nào. Sắc phong cho Kỳ Thạch phu nhân ở làng Thanh Phước có từ thời Minh Mạng.
"Bà" chỉ vị thần trong Hindu giáo
Từ 2 vị "phu nhân" Bà Giàng và Bà Đá trên, ta thấy chữ "Bà" ở đây không phải chỉ nữ giới, mà liên quan đến các vị thần Hindu giáo của của người Chăm xưa để lại qua các phiến tượng đá cổ. Bản thân tên gọi Chămpa được ghi là Chiêm Bà. Chữ "Bà" chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ cổ. Chiêm Bà nghĩa là Vua Chiêm, nước của vua Chiêm.
Bà Giàng - Thai Dương phu nhân ở miếu Bà Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) còn gọi là Bô Bô. Như thế Bà là biến âm của Bô, hay Bố, vốn là từ chỉ Vua ngày trước, tương tự như trong danh xưng Bố Cái Đại Vương ở miền Bắc. Và tượng thờ trong miếu Bà Chiêm Sơn không phải là nữ thần, mà là tượng Đức Phật bằng đá đang ngồi thiền định trên con rắn thần 7 đầu, phong cách tượng tông phái Phật giáo Nam truyền.
Ở thôn Lương Hậu (Thủy Lương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) có ngôi miếu Bà Giàng hay Lùm Giàng. Trên miếu có hoành phi ghi chữ Nho "Bố Y Na miếu". Căn cứ vào chữ này mà người ta cho rằng đó là nữ thần Thiên Y A Na, phiên âm từ tên Poh Nagar ra. Tuy nhiên, đúng với tên gọi vị thần ở đây là Bà Giàng thì phải phiên âm như sau: Bố = Bà Y; Na = Yang = Giàng.
Bố Y Na là cách ghi âm Hán Việt khác của từ Bà Giàng. Miếu ở Lương Hậu còn có bức tượng thần Shiva nhiều tay trong điệu múa vũ trụ, cho thấy liên hệ trực tiếp giữa cái tên Bà Giàng với tín ngưỡng của Hindu giáo (người Chăm).
Từ Giàng (Yang) trong tiếng dân tộc miền Trung nghĩa là Trời. Từ phát hiện trên có thể thấy Bà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ Chăm. Như thế, Bà Giàng nghĩa là Vua Trời. Ghi bằng âm Hán Việt ở miền Bắc là Thiên Đế (Đế Thích). Vua Trời trong văn hóa Chăm là thần Shiva.
Ở chùa Đông Lâm tại thôn Cù Hoan (Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị) có miếu Bà Giàng bên trong thờ một mukhalinga là hình một chiếc Linga tròn được gắn với đầu của thần Shiva. Hình thần Shiva còn thấy cả râu mép, rất rõ ràng không phải là nữ thần.
Rất nhiều những điểm thờ cúng khác liên quan đến chữ "Bà" đều có tượng đá Chăm thể hiện các vị thần của Hindu giáo. Tại chùa Ưu Điềm (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) có miếu Bà Lồi, trong đó lưu giữ một bức phù điêu có khắc hình thần Shiva và vợ đang cưỡi trên con bò thần Nandin. Trong miếu còn các hiện vật khác của một ngôi đền Chăm cổ, có cả một Linga tròn và mảnh vỡ của tượng Yoni. Chữ "Bà" như vậy chỉ các vị thần trong Hindu giáo, nay được gọi theo tiếng miền Bắc là các Chư Thiên.
Các "Bà" hay Chư Thiên Hindu giáo thường gắn với truyền thuyết về "thai sinh", sinh ra từ thân cây hay trong một tảng đá. Ví dụ như trường hợp Thai Dương phu nhân ở Thuận An đã nói ở trên. Có thể cái "Thai" này là tượng trưng của Linga, biểu tượng của thần Shiva.
Bốn vị thần Tứ pháp
Từ nhận định "Bà" là chỉ các vị thần của Hindu giáo ở miền Trung còn đi đến một phát hiện bất ngờ khác. Bốn vị thần Tứ Pháp - Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tên dân gian là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn. Những chữ "Bà" này làm cho người ta nghĩ rằng đây là 4 vị nữ thần...
Thực ra chữ "Bà" trong Tứ Pháp không phải là từ chỉ phụ nữ. Đây là từ có nguồn gốc trong tiếng Chăm, ví dụ như các nơi Bà Đanh, Bà Đá,... thường được cho là du nhập văn hóa Chăm. Như đã dẫn chứng ở trên, Bà tương đương với vua hay vương. 4 vị "Bà" làm Mây Mưa Sấm Chớp ở vùng Luy Lâu do đó là 4 vị vương thần, hay gọi chính xác là Tứ đại Thiên vương. Đây là 4 vị thần của Hindu giáo mà đã được tiểu thuyết lịch sử Phong Thần diễn nghĩa gọi là Phong Điều Vũ Thuận, là các vị thần liên quan đến việc làm mưa làm gió.
Cốt lõi của cây Dung thụ nơi sinh Tứ pháp là Thạch Quang Phật, tức là cái "Thai" đá, hay Linga, biểu tượng của thần Shiva. Tứ đại Thiên vương cũng là những vị thần theo hộ giúp thần Shiva trong Hindu giáo.
Tục thờ Tứ pháp do đó thực chất là thờ các vị thần Hindu giáo, đã du nhập vào miền Bắc từ rất sớm ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Khi đó, dưới sự cai quản của Sĩ Nhiếp miền Bắc và miền Trung Việt đang cùng trong 1 châu. Giao Châu thời này bao gồm cả các quận Nhật Nam, Cửu Chân, mà Nhật Nam chính là nơi phụ thân của Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ làm Thái thú. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi tín ngưỡng của miền Bắc và miền Trung Việt lúc này cùng là một, thờ các vị Thiên Đế và Chư Thiên của đạo Bà La Môn (Hindu giáo).
Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//ba-giang-va-tu-phap-179221004143625807.htm