Bà Harris nêu ưu tiên chính sách kinh tế

Ngày 16-8 (giờ Mỹ), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chính thức công bố các chính sách kinh tế bà sẽ theo đuổi nếu chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Đề xuất chính sách kinh tế của bà Harris chú trọng tầng lớp trung lưu và người lao động. "Nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ tập trung cao độ vào việc tạo ra các cơ hội cho tầng lớp trung lưu, thúc đẩy an ninh kinh tế, sự ổn định và giá trị của họ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng cái mà tôi gọi là nền kinh tế cơ hội", bà Harris nói thêm. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cho biết bà sẽ tập hợp lực lượng lao động với các doanh nghiệp nhỏ và các công ty lớn để đầu tư vào Mỹ, tạo ra việc làm tốt và đạt được tăng trưởng trên diện rộng. Bà Harris nhấn mạnh việc xây dựng tầng lớp trung lưu sẽ là "mục tiêu quyết định" trong nhiệm kỳ tổng thống của bà. "Bởi vì tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi tầng lớp trung lưu mạnh, nước Mỹ sẽ mạnh", phó tổng thống Mỹ tuyên bố.

Một trong những chính sách tiêu biểu mà bà Harris đưa ra là chương trình hỗ trợ 25.000 USD cho người mua nhà lần đầu và lệnh cấm tăng giá thực phẩm. Kế hoạch của bà Harris nhằm mục đích kiềm chế tình trạng tăng giá sinh hoạt, từ hàng tạp hóa, thuốc theo toa cho đến nhà ở. Bà Harris chỉ ra sức mạnh thị trường của các tập đoàn lớn là nguyên nhân chính khiến giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh, cho rằng các công ty đã lợi dụng vai trò quá lớn của mình trên một thị trường nhất định để tăng giá mà không sợ đối thủ cạnh tranh cung cấp sản phẩm tương đương với mức giá phải chăng hơn. Để kiểm soát tình trạng tăng giá, bà Harris đã đề xuất lệnh cấm liên bang đối với việc tăng giá thực phẩm và hàng tạp hóa.

Ngoài ra, bà Harris còn đề xuất giảm 6.000 USD tiền thuế cho những người có con dưới một tuổi, cũng như giới hạn giá trị tối đa của các đơn thuốc yêu cầu bệnh nhân chi trả trực tiếp ở mức 2.000 USD cho toàn bộ công dân Mỹ. Thậm chí, theo một số cố vấn kinh tế của bà Harris, phó tổng thống Mỹ còn muốn giảm 40 tỷ USD tiền thuế cho các doanh nghiệp bất động sản xây nhà ở giá rẻ.

Đề xuất của bà Harris đã vấp phải hai luồng ý kiến trái ngược. Trong khi một số chuyên gia ca ngợi nỗ lực làm chậm tốc độ tăng chi phí sinh hoạt và kiềm chế quyền lực của một vài công ty trong các lĩnh vực quan trọng, một số lại chỉ trích những gì họ coi là nỗ lực nhằm lấn át các lực lượng thị trường có nguy cơ làm trầm trọng thêm nợ công của Mỹ.

B.N

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ba-harris-neu-uu-tien-chinh-sach-kinh-te-post299975.html