Ba kịch bản phát triển hạm đội tàu chiến của hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ mới đây công bố kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến trong vòng 30 năm tới. Đáng chú ý là trong những kịch bản mà hải quân Mỹ đưa ra, chỉ có một kịch bản hướng đến hạm đội tàu chiến gồm 355 chiếc vốn là mục tiêu của lực lượng này từ năm 2016.
Trang mạng USNI News cho biết, không giống như những báo cáo trước đây, trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội, hải quân Mỹ đưa ra tới 3 kịch bản phát triển hạm đội tàu chiến trong tương lai. Theo đó, so với con số hơn 290 chiếc như hiện nay, đến tài khóa 2052, hải quân Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 316 tàu theo kịch bản thứ nhất, 327 tàu theo kịch bản thứ hai và 367 tàu theo kịch bản thứ ba.
Báo cáo nhận định rằng hai kịch bản đầu tiên là dành cho trường hợp “ngân sách không thực sự tăng” và kịch bản thứ ba xảy ra khi “ngân sách thực sự tăng thêm 75 tỷ USD”. Trang mạng Defense News dẫn lời Phó đô đốc Scott Conn, Phó tham mưu trưởng hải quân Mỹ cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa hai kịch bản đầu tiên nằm ở số lượng các tàu không người lái.
Trong trường hợp “ngân sách không thực sự tăng”, đến tài khóa 2045, hải quân Mỹ có kế hoạch sở hữu 89 đến 149 tàu không người lái. Trang mạng Defense News lưu ý rằng trong giai đoạn từ tài khóa 2028 đến tài khóa 2052, hải quân Mỹ sẽ sắm thêm 5 tàu sân bay mới theo hai kịch bản đầu tiên và thêm 7 tàu sân bay mới theo kịch bản thứ ba.
Báo cáo của hải quân Mỹ cũng nêu rõ khả năng hỗ trợ của ngành công nghiệp đóng tàu đối với kịch bản thứ ba để có được hạm đội tàu chiến với quy mô lớn nhất “hiện chưa được đánh giá độc lập”.
Theo trang mạng USNI News, trong báo cáo gửi Đồi Capitol, hải quân Mỹ cho biết có kế hoạch loại biên 13 tàu trong tài khóa 2024, 13 tàu trong tài khóa 2025, 14 tàu trong tài khóa 2026 và 13 tàu trong tài khóa 2027. Đặc biệt, các tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) và USS Dwight D.Eisenhower (CVN-69) sẽ được hải quân Mỹ cho "về vườn” lần lượt trong tài khóa 2025 và 2027-một động thái được USNI News đánh giá là “phù hợp với tuổi thọ phục vụ 50 năm đối với các tàu sân bay lớp Nimitz”.
Trang mạng Defense News dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng hải quân Mỹ Jay Stefany nhấn mạnh 3 kịch bản nói trên “tạo cơ sở” để giới lập pháp và ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ hiểu hơn về phương hướng phát triển tương lai mà lực lượng này mong muốn nếu có sẵn thêm nguồn lực.
“Kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới đòi hỏi một lực lượng hải quân lớn hơn, được hiện đại hóa, đủ năng lực, được triển khai trên toàn cầu và có sức sát thương. Cần phải đưa ra những lựa chọn khó khăn nhằm bảo đảm rằng hải quân Mỹ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu tác chiến liên quân. Các lựa chọn này bao gồm loại biên những tàu ít có khả năng đáp ứng các yêu cầu tác chiến trước các mối đe dọa gia tăng cũng như ưu tiên áp dụng những công nghệ đầy hứa hẹn một cách nhanh chóng với quy mô phù hợp trong những năm tới”, báo cáo nêu rõ.
Trang mạng USNI News nhấn mạnh, mặc dù bản báo cáo dài 28 trang vạch ra tầm nhìn của hải quân Mỹ trong 30 năm tới, song quyết định cuối cùng đối với việc loại tàu nào sẽ được mua thêm hay cho "nghỉ hưu” vẫn phụ thuộc vào Quốc hội nước này.
Điều đáng nói là lâu nay, giới lập pháp vẫn luôn chỉ trích hải quân Mỹ về việc “loại biên tàu chiến với tốc độ nhanh hơn sắm tàu mới”. Thượng nghị sĩ Roger Wicker đã ví bản báo cáo của hải quân Mỹ như là “một kế hoạch tổng thể cho sự suy yếu của Mỹ”.
“Trong nhiều năm qua, hải quân Mỹ đã phải chịu cảnh ít được đầu tư và thiếu kế hoạch nhằm đạt mục tiêu sở hữu 355 tàu. Kế hoạch mới sẽ chỉ làm trầm trọng thêm thực trạng này. Chúng ta không được để ưu thế hải quân rơi vào tay các đối thủ của mình”, Defense News dẫn tuyên bố của Thượng nghị sĩ Wicker.
Cùng chung quan điểm, các Hạ nghị sĩ Rob Wittman và Mike Rogers cho rằng Quốc hội Mỹ cần “bác bỏ kế hoạch này” bởi việc cố gắng “tiết kiệm một vài đồng dollar” sẽ đe dọa tới an nguy của binh lính Mỹ trong bối cảnh các đối thủ gia tăng sự hiện diện hải quân.
Trang mạng Defense One dẫn lời Hạ nghị sĩ Mike Gallagher thậm chí còn đánh giá kế hoạch của hải quân Mỹ “về cơ bản không nghiêm túc”, “không phải là một kế hoạch” và việc đưa ra 3 kịch bản cho thấy hải quân Mỹ “không có tầm nhìn rõ ràng”. Về phần mình, Phó đô đốc Conn cũng thừa nhận hải quân Mỹ gặp khó khăn trong việc đưa ra dự báo về ngân sách, những tiến bộ công nghệ cũng như động thái của các đối thủ.