Bà Lâm: Trung Quốc mở văn phòng an ninh là 'thời khắc lịch sử'
Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia sẽ cho phép các đặc vụ tình báo đại lục hoạt động công khai ở Hong Kong và giám sát luật an ninh.
Ngày 8-7 tại Hong Kong, Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia của chính phủ trung ương mở ở đặc khu này đã được khánh thành, theo tin từ đài Al Jazeera. Trụ sở văn phòng vốn là khách sạn Metropark nằm ở khu thương mại sầm uất Causeway Bay, gần công viên Victoria, gần một điểm nóng biểu tình.
“Thời khắc lịch sử”
Tham dự lễ khánh thành văn phòng có Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Tại buổi lễ, bà Lâm gọi việc mở Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Hong Kong là một “thời khắc lịch sử” của đặc khu.
Theo bà Lâm, cư dân Hong Kong “đang chứng kiến một bước ngoặt nữa trong quá trình thành lập một hệ thống tư pháp vững mạnh và cơ chế thực thi để duy trì an ninh quốc gia ở Hong Kong”.
Tại lễ khánh thành có Giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia Zheng Yanxiong, Giám đốc Văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hong Kong – ông Luo Huining.
Ông Luo nói văn phòng là một “đặc phái viên bảo vệ Hong Kong” và “người giữ cửa của an ninh quốc gia” tại đặc khu này. Trong khi đó theo lời ông Zheng thì văn phòng sẽ thực thi luật một cách nghiêm khắc nhưng “không xâm phạm các quyền lợi hợp pháp của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào”.
Đặc vụ Trung Quốc hoạt động tự do
Theo Al Jazeera, với việc có mặt văn phòng này, lần đầu tiên kể từ sau khi Anh trao trả đặc khu này về lại Trung Quốc, các đặc vụ tình báo đại lục có quyền hoạt động tự do ở Hong Kong và giám sát việc thực thi luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh ban hành tuần trước. Các đặc vụ đại lục có nhiều đặc quyền, trong đó có việc nhà chức trách Hong Kong không thể kiểm tra xe của họ.
Luật an ninh cấm các hành động mà Trung Quốc xem là ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với các thế lực nước ngoài chống phá an ninh quốc gia.
Luật cho phép Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia có quyền có hành động thực thi trong những trường hợp nghiêm trọng. Luật cũng cho phép các đặc vụ có quyền áp giải các nghi can từ Hong Kong sang đại lục để xét xử tại các tòa án ở đây.
Trước đó, ngày 6-7 chính quyền Hong Kong ra nhiều quy định mới với cảnh sát đặc khu khi thực thi luật an ninh. Theo đó, cảnh sát có quyền can thiệp việc trao đổi liên lạc của người dân, có thể khám nhà dân mà không cần lệnh tòa án trong những trường hợp khẩn hay đặc biệt, có quyền ngăn người tình nghi rời khỏi Hong Kong.
Lấy mẫu DNA người bị bắt
Trong tuần đầu tiên luật có hiệu lực cảnh sát đã bắt ít nhất 10 người thể theo luật an ninh, tuổi từ 15-67, gồm sáu nam giới và bốn phụ nữ. Luật sư Janet Pang Ho-yan đại diện những người bị bắt cho biết cảnh sát đã khám nhà cũng như thu thập mẫu DNA của những người này.
“Chúng tôi thấy sốc khi thấy cảnh sát xử lý các vụ việc như thế” – luật sư Pang nói với báo South China Morning Post ngày 4-7.
“Họ thu thập mẫu DNA làm gì? Họ muốn chứng minh điều gì?” – luật sư Pang đặt câu hỏi, đồng thời cho biết cảnh sát còn thu thập dữ liệu cá nhân một cách không phù hợp.
Báo Hong Kong Free Press dẫn thông tin từ lực lượng cảnh sát cho biết cảnh sát có quyền thu thập mẫu DNA nếu có lý do thích hợp để nghi ngờ cá nhân nào đó vi phạm một “tội nghiêm trọng”.
Hiện nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Microsoft, Goolge, Twitter, Zoom đã thông báo ngừng cung cấp dữ liệu của người dùng cho chính quyền Hong Kong, trong thời gian tìm hiểu luật an ninh.
Trong khi đó, ngày 6-7 nền tảng mạng xã hội TikTok – mạng xã hội duy nhất hoạt động bên ngoài Trung Quốc – cho biết sẽ rút khỏi thị trường Hong Kong trong vài ngày tới. Việc rút này đồng nghĩa với việc người dùng ở Hong Kong sẽ không còn sử dụng mạng này nữa.
Mỹ đã bắt đầu tiến trình rút quy chế đặc biệt với Hong Kong, vì đánh giá đặc khu này không còn quyền tự trị so với đặc khu Trung Quốc.