Ba lầm tưởng về hiệu quả của vaccine Covid-19
Vaccine Covid-19 không có hiệu quả 100%. Do đó, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Vaccine Covid-19 đến nay vẫn là chìa khóa giúp chúng ta sống chung với đại dịch. Các vaccine hiện có đều chứng minh được khả năng bảo vệ, giảm lây nhiễm nCoV, trở nặng khi mắc Covid-19.
Mỗi loại vaccine Covid-19 cũng có hiệu lực bảo vệ khác nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta dựa vào những con số tỷ lệ này để so sánh và lựa chọn vaccine.
Vaccine có hiệu lực 80% có nghĩa 20% người được tiêm sẽ mắc Covid-19?
Sai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiệu lực của vaccine được đo lường trong thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát và dựa trên số người đã tiêm phát triển “kết quả quan tâm” (thường là tỷ lệ mắc bệnh) so với nhóm dùng giả dược. Sau khi nghiên cứu hoàn tất, số tình nguyện viên mắc bệnh trong mỗi nhóm sẽ được so sánh, tính toán nguy cơ khi họ tiêm hoặc không tiêm vaccine.
Kết quả này được gọi là hiệu lực của vaccine - thước đo mức độ giảm nguy cơ mắc bệnh. Vaccine có hiệu lực càng cao, số lượng người trong nhóm được tiêm bị bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với nhóm dùng giả dược.
Ví dụ, vaccine Covid-19 được chứng minh hiệu lực 80% đồng nghĩa những người được tiêm ở thử nghiệm lâm sàng có nguy cơ phát triển/mắc bệnh thấp hơn 80% so với nhóm dùng giả dược. Con số 20% không có nghĩa 20% nhóm được tiêm vaccine sẽ mắc Covid-19.
Yêu cầu về số lượng người đánh giá hiệu lực cũng cần đủ lớn. Như trong quy định của WHO, đánh giá bước này ở pha 3 giai đoạn 2, số mẫu lên tới vài nghìn đến vài chục nghìn người.
Tất cả vaccine Covid-19 được WHO phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp đều phải được thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Đây là khâu để chuyên gia WHO kiểm tra chất lượng, độ an toàn, hiệu lực vaccine.
Để được phê duyệt, vaccine bắt buộc phải có tỷ lệ hiệu lực cao, tối thiểu 50% trở lên. Sau khi được phê duyệt, chúng vẫn tiếp tục được theo dõi để đảm bảo tính an toàn, hiệu lực liên tục.
Trong khi đó, hiệu quả của vaccine là thuật ngữ dùng để đo ở thế giới thực. Các thử nghiệm lâm sàng có nhiều nhóm người, độ tuổi rộng, giới tính, dân tộc khác nhau và tình trạng sức khỏe đều được theo dõi. Nhưng nó không thể đại diện cho toàn bộ dân số.
WHO nhấn mạnh hiệu quả trong thế giới thực có thể khác với những gì được đo lường tại các cuộc thử nghiệm. Bởi không ai có thể dự đoán chính xác mức độ sinh kháng thể với một nhóm dân số lớn, thay đổi ra sao trước tình hình dịch bệnh.
Người tiêm vaccine Covid-19 không bao giờ mắc bệnh?
Sai.
Theo WHO, không có vaccine nào hiệu quả 100%. Vaccine Covid-19 cũng vậy. Tỷ lệ nhỏ người không được bảo vệ sau khi tiêm vaccine, kháng thể mất dần theo thời gian cũng là điều chúng ta không thể lường trước. Chưa kể, hiệu quả của vaccine còn phụ thuộc khả năng miễn dịch của từng người.
Những người đã tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn mắc bệnh được gọi là hiện tượng nCoV xuyên qua hàng rào miễn dịch (breakthrough infection). CDC cũng khuyến cáo: "Vaccine được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 do virus xuyên qua hàng rào miễn dịch, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".
Các nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 trong ở nhóm người có hệ miễn dịch bị suy giảm, cụ thể là trường hợp ghép tạng, mắc bệnh ung thư, khiếm khuyết về sự phát triển của tế bào miễn dịch..., không cao như trường hợp có sức khỏe bình thường ngay từ những mũi đầu. Những trường hợp này thường có mức độ bảo vệ từ vaccine thấp hơn hoặc suy yếu nhanh hơn.
Thông thường, một người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra kháng thể, khi đo nồng độ, họ sẽ biết được mức độ đáp ứng vaccine. Song, một số người bị suy giảm miễn dịch sau khi tiêm chủng, cơ thể không tạo ra đủ kháng thể trong các xét nghiệm. ABC News dẫn một nghiên cứu cho thấy chỉ hơn 50% bệnh nhân ung thư máu, tủy xương, hạch bạch huyết có kháng thể chống nCoV sau khi tiêm vaccine.
Tiêm muộn mũi 2 sẽ làm mất hiệu quả của vaccine?
Sai.
Theo WHO, hầu hết vaccine Covid-19 hiện nay đều cần tiêm đủ hai liều. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.
Dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất. Tuy nhiên, liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó, giúp bảo vệ bạn mạnh hơn, kéo dài hơn.
Hiện tại, AstraZeneca khuyến cáo các liều tiêm cách nhau 8-12 tuần, với Pfizer, Moderna là 4 tuần, Vero Cell là 3-4 tuần. Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất mà nhà sản xuất đưa ra trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine.
Tuy nhiên, với tình trạng khan hiếm, nhiều người dân đến hạn tiêm mũi 2 nhưng chưa có đủ nguồn vaccine. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi.
Điều quan trọng nhất đó là chúng ta được tiêm đủ hai liều. Nếu vaccine mũi 1 không có sẵn để tiêm liều 2, người dân có thể tiêm trộn các loại. Hiện nay, Bộ Y tế cho phép tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer; mũi 1 Pfizer, mũi 2 Moderna hoặc ngược lại.
Ngoài ra, dù đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine, tất cả người dân đều phải tiếp tục tuân thủ thông điệp 5K và biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-lam-tuong-ve-hieu-qua-cua-vaccine-covid-19-post1267930.html