Ba Lan đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng EU:Tăng cường kết nối liên minh

Ba Lan chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng, từ ngày 1-1-2025.

Các ưu tiên của Ba Lan được định hình bởi các sự kiện toàn cầu, gồm sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc thực hiện các chính sách di cư mới cũng như các mối quan ngại về an ninh của EU… Đây là cơ hội để Ba Lan củng cố vai trò của mình với quyết tâm tăng cường kết nối liên minh, bất chấp hàng loạt thách thức đang tiếp diễn.

Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk phát biểu tại buổi lễ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ba Lan.

Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk phát biểu tại buổi lễ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ba Lan.

Nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Ba Lan được xây dựng xung quanh 7 trụ cột: Quan hệ đối ngoại, năng lượng, kinh tế, lương thực, khí hậu, y tế và thông tin, với an ninh là chủ đề bao trùm. Do đó, Ba Lan đã chọn khẩu hiệu là “An ninh, châu Âu!”. Thủ tướng Donald Tusk lưu ý, Ba Lan đảm nhiệm vai trò vào “thời điểm đầy thách thức... và nhiệm vụ của chúng tôi là thuyết phục 27 quốc gia thành viên EU rằng, châu Âu tiếp tục là nơi an toàn, ổn định nhất trên trái đất”. Tiếp quản chức Chủ tịch từ Hungary - quốc gia đã nhiều lần chặn viện trợ của EU cho Ukraine, Warsaw hứa hẹn ủng hộ các ưu tiên của khối.

Mới đây, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nêu ra các ưu tiên của nước mình cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trong chính sách đối ngoại và an ninh, tập trung chủ yếu vào việc tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ và sự hoài nghi với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu ngày càng tăng. Sắp tới, việc ông Donal Trump tập trung vào chi tiêu quốc phòng tạo ra cơ hội cho Ba Lan - nước đã cam kết giành 35% ngân sách quốc phòng để mua thiết bị quân sự của Washington và có kế hoạch chi 4,7% GDP cho quốc phòng vào năm 2025.

Tự định vị mình là một nhà “môi giới” tiềm năng giữa Mỹ và châu Âu, Ba Lan có khả năng ủng hộ "sự hòa hợp chiến lược" giữa NATO và EU, bảo đảm sự tham gia của Mỹ vào an ninh châu Âu, đồng thời tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ bên nào. Bất chấp sự hoài nghi của chính quyền Nhà Trắng mới, Ba Lan đã tuyên bố sẽ tìm cách củng cố quan hệ EU - Mỹ, tập trung vào an ninh và hợp tác kinh tế; ủng hộ tái thiết Kiev sau chiến tranh và an ninh năng lượng.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU, Ba Lan sẽ quan tâm đến việc tăng cường phòng thủ phía Đông của NATO, đặc biệt là thông qua chương trình "Lá chắn phía Đông", một sáng kiến trị giá 2,5 tỷ USD nhằm tăng cường an ninh biên giới và ngăn chặn các hành động từ Nga và Belarus. Sự hội nhập sâu hơn của các ngành công nghiệp quân sự EU, với bộ máy tinh gọn và tăng cường tài chính là rất quan trọng đối với quyền tự chủ chiến lược quân sự của Lục địa già. EU có thể tài trợ cho quá trình này bằng cách tăng cường hợp tác giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Cơ quan Quốc phòng châu Âu và sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga để viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Ba Lan định nghĩa lại vấn đề an ninh như một thách thức đa chiều, vượt ra ngoài phạm vi quân sự. Đó là an ninh năng lượng, trong đó có vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc và sự khó lường của Mỹ. An ninh lương thực liên quan đến việc giải quyết những điểm yếu do lệnh phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine càng trở nên căng thẳng hơn do biến đổi khí hậu. Việc xử lý các cuộc biểu tình của nông dân ở Ba Lan và Pháp đòi hỏi Warsaw phải có ngoại giao chiến lược. An ninh thông tin liên quan đến việc chống lại sự can thiệp của nước ngoài và thông tin sai lệch... Cách tiếp cận toàn diện của Ba Lan sẽ củng cố vị thế lãnh đạo của nước này trong việc giải quyết các thách thức của châu Âu.

Khi Ba Lan đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng EU, quốc gia này kỳ vọng mang đến một liên minh xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, một góc nhìn tuyến đầu về Đông Âu và quyết tâm tăng cường khả năng phục hồi của liên minh. 6 tháng nhiệm kỳ có mang lại sự thay đổi lâu dài hay không phụ thuộc vào khả năng của Warsaw trong việc vượt qua những thách thức, tận dụng lợi thế chiến lược và đoàn kết các quốc gia thành viên xung quanh các mục tiêu chung.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ba-lan-dam-nhan-cuong-vi-chu-tich-hoi-dong-eu-tang-cuong-ket-noi-lien-minh-689582.html