Ba Lan đồng ý để tập đoàn Mỹ xây nhà máy hạt nhân đầu tiên

Ba Lan đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này.

Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Theo đài RT, thông tin trên do Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo ngày 28/10.

Theo đó, tập đoàn Westinghouse Electric sẽ nhận hợp đồng xây dựng các lò phản ứng và lò phản ứng đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2033.

Ông Morawiecki đã đăng lên Twitter: “Một liên minh Ba Lan Mỹ mạnh mẽ đảm bảo thành công của các sáng kiến chung”. Ông cho biết quyết định sử dụng công nghệ an toàn, đáng tin cậy của Westinghouse được đưa ra sau cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.

Ông Morawiecki cũng cảm ơn đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mark Brzezinski, người đã trình đề xuất của Westinghouse vào tháng trước.

Một công ty nhà nước Hàn Quốc cũng đã nộp hồ sơ đấu thầu cho dự án này vào tháng 4. Ba Lan cũng đã thảo luận về dự án với các công ty Pháp.

Một quan chức Mỹ cấp cao khẳng định việc Ba Lan lựa chọn Mỹ và Westinghouse đang gửi một thông điệp tới Nga về sức mạnh và gắn kết của liên minh Mỹ - Ba Lan”.

Theo tầm nhìn của Ba Lan, dự án năng lượng nói trên sẽ có tổng cộng sáu lò phản ứng được xây dựng vào năm 2040 và sẽ sản xuất 6 đến 9 gigawatt điện. Westinghouse sẽ cung cấp công nghệ, hỗ trợ quản lý và cấp vốn cho các nhà máy, đổi lấy 49% cổ phần trong liên doanh.

Theo ông Granholm và tập đoàn Westinghouse, dự án xây nhà máy điện hạt nhân là cách để Ba Lan giảm lượng phát thải carbon và loại bỏ dần than đá. Ba Lan đã ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào tháng 4 với lý do xung đột ở Ukraine.

Trước đó, ngày 21/10, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Andrzej Duda cho rằng binh sĩ và vũ khí hạt nhân Mỹ cần hiện diện lâu dài trên lãnh thổ Ba Lan.

Ngày 29/9, Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan thông báo nước này sẽ nhận được 288,6 triệu USD trong chương trình "Viện trợ quân sự nước ngoài" của Mỹ.

Viện trợ quân sự nước ngoài là một cơ chế viện trợ của Mỹ dành cho các đồng minh. Khoản viện trợ này có thể được cung cấp dưới hình thức cho vay không hoàn trả để mua các trang thiết bị của Mỹ, cũng như chi trả cho việc huấn luyện do các chuyên gia quân sự Mỹ thực hiện.

Đại sứ quán Mỹ thông báo số tiền này sẽ giúp Ba Lan đẩy nhanh quá trình bù đắp số trang thiết bị Ba Lan đã lấy từ các kho dự trữ để giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ, trong đó có các xe tăng. Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định: "Mỹ không ngừng khuyến khích các nước hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine, cũng như bắt đầu đàm phán hợp đồng với các công ty chế tạo vũ khí để sản xuất trang thiết bị quân sự cho Ukraine càng sớm càng tốt".

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, tính đến đầu tháng 6, Ba Lan đã trở thành quốc gia cung cấp vũ khí nhiều thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ. Cụ thể, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine khoảng 240 xe tăng T-72, cùng các xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành. Ngoài ra, Ba Lan còn cung cấp cho Ukraine những thiết bị hiện đại nhất do Ba Lan tự chế tạo như tên lửa Piorun, loại vũ khí mà ngay cả Mỹ cũng đã bắt đầu mua của Ba Lan.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-lan-dong-y-de-tap-doan-my-xay-nha-may-hat-nhan-dau-tien-20221029093700499.htm