Ba Lan triển khai đơn vị đặc biệt tới Vilnius trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO
Cục An ninh Quốc gia Ba Lan cho biết Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký lệnh triển khai một đơn vị lực lượng đặc biệt tới Litva để tăng cường an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào ngày 11 - 12/7 tại Vilnius.
“Tổng thống Andrzej Duda đã ký lệnh sử dụng các lực lượng quân sự Ba Lan trong một chiến dịch liên minh để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Litva”, đài Sputnik (Nga) dẫn tuyên bố của Cục An ninh Quốc gia Ba Lan cho biết.
Theo cơ quan này, đơn vị lực lượng đặc biệt bao gồm 75 binh sĩ và các nhân viên quân sự khác, 2 chiếc trực thăng S-70i Black Hawk, một máy bay trực thăng Mi-17 cũng như một hệ thống chống máy bay không người lái.
“Các lực lượng quân sự sẽ được triển khai ở Litva từ ngày 4 đến 17/7,” cơ quan chính phủ cho biết.
Đơn vị lực lượng đặc biệt sẽ được sử dụng để “tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh NATO và tăng cường khả năng phòng thủ của Litva”. Cơ quan chính phủ cho biết thêm rằng Quân đội Ba Lan sẽ đảm bảo an toàn cho không phận Litva cũng như bảo vệ người dân và các cơ sở quan trọng của đất nước.
Ba Lan, quốc gia láng giềng với Nga và Belarus, trong thời gian qua đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2 năm ngoái.
Mới đây, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng bày tỏ nước ông muốn tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO. Động thái của Ba Lan được xem nhằm đáp trả việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới đồng minh Belarus trước đó.
“Quyết định cuối cùng về việc đưa vũ khí hạt nhân tới Ba Lan sẽ phụ thuộc vào các đối tác Mỹ và NATO. Chúng tôi tuyên bố sẽ hành động nhanh chóng trong vấn đề này”, ông Morawiecki nói.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể sẽ bùng phát nếu Mỹ đáp ứng đề nghị của Ba Lan về việc đặt vũ khí hạt nhân tại quốc gia Đông Âu này. Theo ông Medvedev, với những người nắm quyền như Thủ tướng Morawiecki ở Warsaw, thì sự hiện diện của vũ khí hạt nhân ở nước này đồng nghĩa là chúng “sẽ được sử dụng”.