Ba Lan và Mỹ 'bắt tay' mở chương mới về năng lượng hạt nhân; Áo và Na Uy ký thỏa thuận khí đốt quan trọng

Ngày 27/9, Ba Lan đã ký thỏa thuận ban đầu với tập đoàn hạt nhân Westinghouse (Mỹ) để thiết kế nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước này.

Năng lượng hạt nhân là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. (Nguồn: Energyporta)

Năng lượng hạt nhân là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. (Nguồn: Energyporta)

Đây là một biện pháp của Ba Lan nhằm tăng cường an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh: “Hôm nay, Ba Lan mở ra một chương mới về năng lượng hạt nhân. Giống như thế kỷ XX thuộc về than và dầu, thế kỷ XXI thuộc về nguyên tử.

Chúng ta không thể mạo hiểm sự ổn định của hệ thống năng lượng và toàn bộ nền kinh tế bằng cách dựa vào các nguồn năng lượng không ổn định".

Nhà máy ở miền Bắc Ba Lan có chi phí xây dựng ước tính khoảng 23 tỷ USD, với lò phản ứng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2033.

Ba Lan lên kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó mỗi nhà máy có ba lò phản ứng, đáp ứng khoảng 30% sản lượng năng lượng của quốc gia này.

* Cùng ngày, công ty năng lượng OMV của Áo thông báo đã ký hợp đồng với tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy để đối tác này cung cấp khí đốt trong thời hạn 5 năm - một phần trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của OMV.

Theo hợp đồng vừa ký, Equinor sẽ cung cấp 12 Terawatt giờ (TWh) khí đốt tự nhiên, bắt đầu từ 1/10, cũng là thời điểm bắt đầu mùa khí đốt mùa Đông ở châu Âu, qua đó sẽ bổ sung vào lượng giao dịch theo các hợp đồng hiện có giữa hai bên.

Khí đốt sẽ được giao tại trung tâm giao dịch ảo THE của Đức cho danh mục đầu tư ở châu Âu của OMV và được định giá "theo các điều kiện thị trường".

OMV hiện đang mua khí đốt từ chính các nguồn của công ty này tại Na Uy và Áo thông qua các hoạt động cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng tại nhà ga Dutch Gate và theo cơ chế mua chung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). Công ty này hiện vẫn còn các hợp đồng dài hạn đã ký với Gazprom của Nga có hiệu lực đến năm 2040.

Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, trên cả Nga, quốc gia có lượng giao hàng sang châu Âu giảm dần kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine và vụ hệ thống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị phá hoại.

(theo AFP, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-lan-va-my-bat-tay-mo-chuong-moi-ve-nang-luong-hat-nhan-ao-va-na-uy-ky-thoa-thuan-khi-dot-quan-trong-243932.html