'Bà lão AI' - ác mộng tồi tệ nhất với những kẻ lừa đảo qua điện thoại

Daisy Harris, bà lão người Anh do AI tạo ra, cản trở kẻ lừa đảo bằng những cuộc trò chuyện dài lê thê. Nhưng bà có thực sự ngăn chặn được làn sóng lừa đảo tinh vi hay không?

Daisy Harris thích chim và có một con chim bên ngoài cửa sổ nhà bà. Con mèo của Harris tên là Fluffy. Bà rất muốn kể cho bạn nghe về sở thích đan lát của mình. Bà cũng thích trà và bánh quy. Harris dường như không hiểu nhiều về Internet, vì vậy, "Bạn có thể giải thích thêm về vấn đề này không?".

Đó là cảm giác chung sau cuộc trò chuyện với Harris - bà lão do AI tạo ra được công ty điện thoại lớn của Anh O2 công bố trong tháng này - như một phần trong nỗ lực hạn chế những kẻ lừa đảo qua điện thoại, theo The New York Times.

Bà không có huy hiệu, lệnh, hoặc bất kỳ cách nào để thực sự ngăn chặn tội phạm. Nhưng khi một kẻ lừa đảo không may gọi đến số của Harris, bà có khả năng lãng phí vô số thời gian của chúng.

Lấy cảm hứng từ những người bà

Có rất nhiều "scambaiter" - người thích trêu chọc, dẫn dắt kẻ lừa đảo vào những cuộc trò chuyện quanh co, khiến chúng không thể gọi cho những nạn nhân tiềm năng khác.

Nhưng không giống như những người đó, Harris không bị vướng bận bởi các nhu cầu ăn ngủ.

Morten Legarth, người đã giúp phát triển Harris với VCCP - công ty quảng cáo ở London, cho biết: "Những người này không thể chỉ nói chuyện với hàng nghìn kẻ lừa đảo. Nhưng AI lại có thể làm được điều đó".

 Daisy Harris đưa những kẻ lừa đảo vào cuộc trò chuyện lòng vòng, mất thời gian. Ảnh được tạo bằng AI trên The New York Times.

Daisy Harris đưa những kẻ lừa đảo vào cuộc trò chuyện lòng vòng, mất thời gian. Ảnh được tạo bằng AI trên The New York Times.

Lừa đảo qua điện thoại đã đạt đến mức độ đáng kinh ngạc: Hàng chục triệu cuộc gọi lừa đảo đã tăng vọt trên toàn thế giới mỗi ngày vào năm ngoái, theo công ty bảo mật điện thoại Hiya. Một nhóm chống lừa đảo cho biết hơn 1.000 tỷ USD đã bị đánh cắp, thường là khi mục tiêu vô tình cung cấp thông tin chi tiết về ngân hàng, mật khẩu hoặc thông tin cá nhân khác.

Internet chỉ khiến những âm mưu này trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù những kẻ lừa đảo không phân biệt đối xử, người lớn tuổi vẫn bị coi là "con mồi dễ xơi nhất". Trong một nghiên cứu của Anh, 40% những người trên 75 tuổi cho biết họ nhận được các cuộc gọi lừa đảo ít nhất là hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng ngày.

Với sự mơ hồ về công nghệ và cảm giác háo hức muốn được tham gia, Harris có vẻ là mục tiêu hoàn hảo của những kẻ lừa đảo. Các nhà phát triển AI này cho biết họ dựa vào kỳ vọng, thường lấy cảm hứng từ chính bà của họ để tạo ra Harris.

"Tôi học được rất nhiều từ bà của mình. Bà luôn kể về những chú chim trong vườn của bà", Ben Hopkins, người cũng làm việc trong dự án VCCP, cho biết.

Thay vì sử dụng diễn viên lồng tiếng để đào tạo Harris, nhóm đã chọn một trong những người bà của đồng nghiệp - người đã đến uống trà và ghi lại nhiều giờ hội thoại.

Cách "câu giờ"

Một scambaiter chuyên nghiệp ở Bắc Ireland đăng bài trên YouTube dưới tên Jim Browning đã làm việc với O2 và VCCP để phát triển Harris, truyền cho bà rất nhiều kỹ thuật để giữ chân những kẻ lừa đảo trên điện thoại lâu nhất có thể. Trong số đó, nói lan man về nhiều chủ đề như sở thích và gia đình của bạn hoặc giả vờ không có hiểu biết về công nghệ là những cách tốt nhất để kéo dài thời gian.

Trong một trường hợp, ba kẻ lừa đảo qua điện thoại đã hợp tác thực hiện một cuộc gọi kéo dài gần một giờ, cố gắng khiến Harris nhập "www." vào trình duyệt web.

 Nghiên cứu của Anh cho thấy 40% những người trên 75 tuổi nhận được các cuộc gọi lừa đảo ít nhất là hàng tháng. Ảnh: The New York Times.

Nghiên cứu của Anh cho thấy 40% những người trên 75 tuổi nhận được các cuộc gọi lừa đảo ít nhất là hàng tháng. Ảnh: The New York Times.

Tuy nhiên, xét đến số lượng lớn các cuộc gọi lừa đảo, nỗ lực của Harris cũng chỉ là một rào cản nhỏ. Khách hàng của O2 không thể chuyển tiếp các cuộc gọi mờ ám đến Harris, thay vào đó, bà chỉ trả lời một vài số điện thoại trong số rất nhiều số mà kẻ lừa đảo có thể sử dụng.

Elisabeth Carter, phó giáo sư ngành tội phạm học và nhà ngôn ngữ học pháp y tại Đại học Kingston London, cho biết: "Mặc dù có thể làm gián đoạn hoạt động ở cấp độ thực tế, nó không ngăn chặn gian lận nói chung theo bất kỳ phương thức có ý nghĩa nào".

Tiến sĩ Carter khuyên không nên cố gắng làm theo Harris để chơi khăm những kẻ lừa đảo. Mặc dù có thể cảm thấy thỏa mãn, "điều tốt nhất nên làm nếu bạn nhận được cuộc gọi từ kẻ lừa đảo là không tham gia, cúp máy ngay và báo cáo", bà nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ba-lao-ai-ac-mong-toi-te-nhat-voi-nhung-ke-lua-dao-qua-dien-thoai-post1513776.html