Bà lão 'bao đồng' nơi xóm núi
Những việc bà Nguyễn Thị Xuyến làm không lớn lao nhưng gắn bó thiết thực với cộng đồng dân cư và chính cuộc sống lại không thể thiếu những điều tưởng như nhỏ bé đó
Xóm nhỏ thuộc ấp II, xã Phú Hòa của huyện miền núi Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Cư dân nơi này vốn là dân kinh tế mới, toàn dân tứ xứ nhưng người trong xóm vẫn tự hào về nếp sống vui vẻ, hiền hòa và đầm ấm, còn người ngoài xóm nhìn vào nơi này vẫn phải ước ao.
Sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn
Có được điều đó phải nói đến công của một cụ bà nay đã 87 tuổi, người vẫn được gọi theo tên của con trai với một tình cảm trìu mến: Bà Sáng. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Xuyến, SN 1936, ngụ tại ấp II, xã Phú Hòa.
Chẳng một danh hiệu, không từng kinh qua chức vụ nào, cũng chưa từng nhận một bằng khen, giấy khen về những đóng góp cho cộng đồng bởi những việc bà làm chỉ là những việc nhỏ bé, gắn bó thiết thực với cộng đồng dân cư nhưng cuộc sống lại không thể thiếu những điều nhỏ bé đó.
Bà Sáng sinh 5 người con, ai cũng có công việc ổn định, riêng con trai út làm nông. Do có đất đai và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, lại được hưởng nhiều chính sách khuyến nông ưu đãi của Nhà nước nên đời sống gia đình bà Sáng cũng thuộc diện khá. Từ đó, bà có thêm điều kiện chăm chút cho xóm nhỏ của mình. Hộ nhà bà thường đi đầu trong làm kinh tế, là hộ được chọn để trình diễn những giống lúa, giống điều mới hay kỹ thuật nuôi bò, làm biogas.
Chắt chiu số tiền các con biếu tặng, bà Sáng như một… ngân hàng chính sách xã hội, có thể giúp các chị, các cô tiền chợ trong lúc chờ mùa lên; giúp vài nhà có tiền mua giống cấy, phân bón khi mùa vụ tới; giúp các cháu sinh viên có tiền đóng học phí hay ai đó có tiền viện phí. Không có nhiều, chỉ là đỡ đần ai đó lúc khó khăn nhưng đó là "một miếng khi đói"…
Bà Sáng cũng có nhiều việc làm "dài hơi" hơn, đó là bán thiếu giống vật nuôi. Các gia đình ở ấp II, nhiều nhà nhận giống bò từ nhà bà về để phát triển đàn; khi nào bán bò con mới trả tiền bò mẹ. Không chỉ bán chịu, bà và con trai còn đến tận nhà người mua hướng dẫn làm chuồng, chăm sóc.
Có lần bà bán thiếu cho gia đình anh Tuynh, người cùng ấp, một con bò giống có tên Không Sừng. Con bò lai Shin to lớn, sinh sản rất đều và là con giống cưng của gia đình nhưng anh Tuynh… mê quá nên bà sẵn sàng nhượng lại. Về chủ mới thì bò không ăn cỏ, mắt lúc nào cũng ngấn nước. Bà biết nó là con vật tình cảm, biết vui, biết buồn và biết giận. Vậy nên, hai mẹ con bà lại cắt cử hằng ngày đến thăm, vỗ về, dặn dò Không Sừng. Khoảng 2 tuần thì con vật cũng nguôi ngoai và Không Sừng chính là khởi đầu vực dậy kinh tế gia đình anh Tuynh tiến lên khá giả.
Thủ lĩnh phong trào bảo vệ an ninh
Đặc biệt nhất khi nói về bà Sáng có lẽ là vai trò thủ lĩnh trong phong trào bảo vệ an ninh. Đêm hôm khuya khoắt, nhà nào trong xóm có chuyện gì đều thấy bóng dáng bà, được nghe những lời tư vấn xử lý của bà.
Chuyện có tên trộm vào xóm đánh bả chó, bà phát hiện và huy động lực lượng rình bắt nhưng hắn lên xe máy tháo chạy. Thoát rồi, hắn yên tâm nhẩn nha, nào ngờ "kẻ cắp gặp bà già". Bà nhắc cháu điện thoại báo công an xã đón lõng và bắt gọn tên trộm với tang chứng rành rành. Tối ấy, thanh niên trong xóm rủ nhau đi… xem mặt kẻ trộm chó. Biết mọi người có thể bức xúc, bà dặn cấm động chân động tay và cánh trẻ răm rắp làm theo lời dặn của bà.
Việc bảo vệ an ninh của bà cũng có những chuyện vui. Nghe xong, người ta chắc chắn một điều, trộm cắp ở đâu, chớ có dại mà mò đến xóm nhà bà Sáng. Những câu chuyện loại này nhiều lắm, cũng đủ để người trong xóm gọi bà là… "bà Sáng an ninh".
Bà mối mát tay và chuyên gia tư vấn
Bà Sáng cũng là người mát tay xe tròn duyên những đôi nam nữ. Hồi còn đi xa được, bà vẫn lặn lội ra miền Trung, lên Tây Nguyên hay xuống miền Tây "nói chuyện" cho thanh niên trong xóm nên vợ nên chồng. Mát tay cũng là bởi khi đôi trẻ thành vợ chồng, bà vẫn thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở, kiểu như "tụi bây ăn ở làm sao đừng để mất mặt tao". Những đôi lứa được bà "đi nói chuyện" nhiều người đã thành sui gia nhưng chưa thấy cặp nào kéo nhau ra tòa.
Chuyện lớn bé già trẻ có những ẩn ức gì đến giãi bày và khóc cho nguôi với bà Sáng là chuyện đương nhiên. Xong rồi thì ai cũng thấy nhẹ nhõm. Người ta đùa, bà Sáng không phải chuyên gia tư vấn, mới học hết lớp hai trường làng nhưng khả năng gỡ rối tơ lòng không thua kém các chuyên gia tâm lý!
Sở dĩ bà Sáng có nhiều thông tin, lý lẽ bởi bà cũng là người hay xem thời sự trên truyền hình và ham đọc sách, báo. Bà lão ngoài 80 vẫn đọc tiểu thuyết hay những cuốn sách mới mà con cháu giới thiệu, mang về. Bà đọc, hiểu và bình luận cũng sâu sắc, hóm hỉnh và đầy hơi thở cuộc sống. Bà nói, bà đọc sách để thể dục trí não và còn để làm gương cho mọi người, nhất là trẻ con.
Lại còn chuyện bà Sáng dành dụm tiền sắm dàn karaoke phục vụ bà con lối xóm hát cho nhau nghe vào mỗi thứ bảy. Những tối ấy, nhà bà Sáng vui như trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng chỉ trong thời gian giới hạn. Bà quan niệm cái lợi lớn nhất là bà con vui, mình cũng vui; các cháu thanh thiếu niên có dịp ngồi lại hát cho nhau nghe, không tụ tập rủ rê nhau đi làm việc xấu.
Không chỉ nói, bà Sáng còn là người làm và làm giỏi. Ngoài 80 tuổi, đôi chân vẫn đau nhức mỗi lúc trở trời nhưng bà vẫn có mặt ngoài rẫy: Nhổ cỏ, bắt sâu, lượm điều và cả canh chừng đàn bò.
Không làm giỏi như ngày còn trẻ nhưng lúc nào cũng thấy bà làm và làm như người quanh năm cả đời mê đất. Đất nhà, những khoảnh xấu, bà cho trồng rừng bởi nhìn lại mấy chục năm thấy đất xói lở, bạc màu là bà xót. Từ đó, phong trào trồng rừng cũng đã nhen nhóm chiều hướng phát triển trong xóm nhỏ của địa phương.
Ấn tượng mạnh trong tôi mỗi khi về nhà bà Sáng là các cháu nhỏ đủ lứa tuổi lúc nào cũng đông đúc. Những đôi vợ chồng trẻ trong xóm ban ngày đi làm vẫn đưa con đến trước cổng nhà bà. Đám trẻ tự đi vào, ráp bầy chơi với nhau. Đến trưa, nhiều đứa được đón về nhưng cũng có những đứa ba mẹ bận quá thì bà Sáng lại cho ăn, cho ngủ. Các bé sinh hoạt rất ngoan, nề nếp.
Hồi mới có điện, bà Sáng cho nhiều hộ kéo điện nhờ, cuối năm mới trả tiền. Bà còn vận động bà con làm đèn đường để bảo đảm an ninh và an toàn giao thông. Khi hệ thống đèn chiếu sáng chưa được nhà nước đầu tư, đi dọc con đường Phú Lợi, Phú Hòa thấy đoạn nào sáng choang, đó là xóm bà Sáng.
Chuyện giảng hòa khi có bất đồng trong xóm cũng là việc bà Sáng làm. Không giáo huấn cao siêu, cũng chẳng dùng quyền người cao tuổi, bà tháo gỡ những hiểu lầm, xoa dịu những giận hờn để gắn kết người với người. Vì vậy mà người ta thường trích dẫn những lời "bà Sáng nói" để hiểu nhau hơn.
Linh hồn xóm núi
Là người cao tuổi nhất xóm nhưng giữa bà Sáng với mọi người hầu như không có khoảng cách. Có chăng là sự kính trọng, là cách xưng hô, là cái cách người ta thường lo một ngày xóm phải mất bà nên vẫn thường dặn nhắc: "Bà sống mãi nhé bà!". Bởi lẽ, ở xóm núi nhỏ trong lòng xã nhỏ thuộc huyện miền núi Định Quán này, bà đã trở thành linh hồn.
Mà, linh hồn thì không thể thiếu.