Bà Lê Diệp Kiều Trang thôi việc và áp lực của ghế CEO Go-Viet
'Go-Viet được rót vốn với kỳ vọng cao vì Go-Jek đã có những thành công nhất định. Áp lực dồn lên vai người lãnh đạo Go-Viet lại càng lớn', ông Trần Bằng Việt nhận định.
Một ngày cuối tháng 4, khi những tin đồn về việc cựu CEO Nguyễn Vũ Đức thôi chức và yêu cầu bồi thường 800.000 USD vẫn chưa lắng xuống, Go-Viet giới thiệu tổng giám đốc mới là bà Lê Diệp Kiều Trang, một cái tên không xa lạ với giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Khi đó, đại diện công ty mẹ Go-Jek hào hứng chia sẻ bà Trang là "lựa chọn lý tưởng cho vị trí người đứng đầu Go-Viet với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực công nghệ và hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam".
Chưa đầy 5 tháng sau lời giới thiệu trên, bà Trang nối gót ông Đức rời Go-Viet. Hãng gọi xe nói "rất lấy làm tiếc về việc này" và chỉ đưa ra lý do "bà Trang đã chọn một hướng đi khác và công ty đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên nhưng đã không có kết quả như mong đợi".
Vậy lý do gì khiến Go-Viet chia tay hai lãnh đạo trẻ với bảng thành tích "khủng", từng tốt nghiệp các trường đại học quốc tế danh giá như Harvard và MIT, làm quản lý ở những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước chỉ trong 6 tháng?
Một nhiệm kỳ CEO lý tưởng dài 2-5 năm
"Thông thường, nếu không có gì quá đặc biệt, thì cả hai bên, doanh nghiệp và CEO đều mong muốn cùng làm việc với nhau trong một thời gian đủ dài, khoảng 2-5 năm, tùy văn hóa hay đặc thù của doanh nghiệp. Thời gian 2-5 năm đủ dài cho CEO thực hiện được hết chiến lược, kế hoạch hành động đã đệ trình và doanh nghiệp đã duyệt", ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Trường đào tạo QTKN BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp chia sẻ với Zing.vn.
Tuy vậy, ông Chánh thừa nhận không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ và hai bên buộc phải chia tay sớm. Ông dẫn 4 lý do của sự chia tay là CEO không hài lòng với doanh nghiệp; doanh nghiệp không hài lòng với CEO; hai bên không hài lòng về nhau; có những việc xảy ra ngoài ý muốn làm hai bên không thể hợp tác.
Ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn cao cấp, tổng giám đốc Đông A Solutions, cũng cho rằng một nhiệm kỳ thông thường của CEO sẽ kéo dài 3-5 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để đánh giá kết quả công việc của một CEO. Còn sau đó, tùy sự phù hợp, gắn bó, kết quả đánh giá, 2 bên sẽ quyết định có đi cùng nhau nữa hay không.
"Để tiếp cận, nắm tình hình, chuẩn bị triển khai, thúc đẩy công việc đã khoảng 1 năm. Nếu người CEO có nhiều thay đổi về tổ chức hay chiến lược thì phải thêm 6 tháng đến 1 năm sau mới phát huy kết quả thật sự", ông Việt nhận định.
Ông Chánh cho rằng Go-Viet có lẽ không muốn thay thế 2 CEO trong vòng 6 tháng. "Ít hay nhiều, việc thay đổi chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của Go-Viet. Nhiều thì gây ra xáo động, ít thì làm chậm bước tiến của Go Viet", ông nói.
Áp lực từ công ty mẹ tỷ USD
Ông Việt nhận định hai cựu CEO của Go-Viet đều là những lãnh đạo trẻ, thông minh, có kiến thức, được đào tạo tốt trong môi trường chuẩn mực, có những thành công nhất định với doanh nghiệp từng gắn bó trước đây.
"Tôi không có đủ thông tin từ phía bên trong nên không thể đánh giá cụ thể nhưng vấn đề quan trọng ở đây là sự phù hợp, và e rằng mức độ phù hợp của họ chưa thật sự cao", ông Việt phân tích.
Theo ông, ông Đức và bà Trang có thể chưa có nhiều trải nghiệm trong môi trường khá đặc thù về vận hành chứ không phải về chiến lược. Ông Việt cho biết từng có trải nghiệm tương tự khi chuyển từ ngành công nghệ thông tin sang làm tổng giám đốc Mai Linh Taxi.
"Lúc đó, tôi phải ra tận nơi với từng tài xế, từng bãi xe, quan sát từng điểm đậu vì nếu không thật sự hiểu sẽ khó làm. Trong ngành này, e rằng những lãnh đạo càng theo trường phái chuyên nghiệp lại càng không hợp mà cần một độ quái với sự đeo bám để quản lý các tài xế phù hợp với đặc thù Việt Nam", ông Việt chia sẻ.
Tổng giám đốc Đông A Solutions khẳng định việc điều hành một công ty gọi xe như Go-Viet ở Việt Nam là công việc rất thách thức khi vừa phải làm những việc vĩ mô như quan hệ đối ngoại, chính sách, pháp lý vừa phải làm tốt những công việc vi mô như quan hệ với lái xe, khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Chánh cho rằng: "Ngành của Go-Viet, Grab tuy là hãng công nghệ nhưng lại liên quan đến việc quản lý, hỗ trợ đối tác là hàng chục nghìn tài xế xe hai bánh. Việc ấy không dễ chút nào. Grab, Go-Viet vừa phải làm hài lòng hàng triệu khách hàng, vừa phải làm hài lòng và lãnh đạo hàng trăm, chục nghìn đối tác. Rất khó khăn".
Một khó khăn khác với vai trò lãnh đạo Go-Viet theo chuyên gia đến từ chính công ty mẹ tỷ USD Go-Jek phía sau.
"Vị thế chiến lược của công ty mẹ Go-Jek và Go-Viet tại thị trường Việt Nam là khá căng. Họ là người đến sau, rồi những vấn đề đan xen giữa kinh doanh, quản lý, xã hội và chính sách. Rất có thể có sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, kỳ vọng, áp lực của ban lãnh đạo Indonesia với thực trạng, vai trò, vị thế của Go-Viet ở Việt Nam", ông Việt nhận định.
Theo ông, khi không thông hiểu nhau, tồn tại sự khác biệt về văn hóa quản trị, mức độ am hiểu thị trường sẽ dẫn tới những kỳ vọng cụ thể hóa bằng chiến lược, quyết sách trong quan điểm của người CEO và công ty mẹ khác nhau. Nếu xung đột với ban lãnh đạo về chiến lược, văn hóa tổ chức hay văn hóa quản trị, người CEO nên ra đi vì kéo dài thêm cũng không có kết quả.
Đặc biệt, tổng giám đốc Đông A Solutions nhấn mạnh CEO Go-Viet là công việc khó khăn hơn so với điều hành một startup độc lập. Ông phân tích khi hoạt động độc lập, người lãnh đạo có thể thay đổi tất cả để phù hợp văn hóa khách hàng, lái xe, nhà quản lý ở Việt Nam miễn là mang lại hiệu quả.
"Nhưng khi là nhánh của một startup ở Indonesia vốn đã được xem là rất thành công, có hệ thống, phần mềm chuẩn chỉnh, nếu muốn thay đổi sẽ khó đạt được đồng thuận trong nội bộ. Go-Viet được rót vốn với kỳ vọng cao vì Go-Jek đã có những thành công nhất định. Áp lực dồn lên vai người lãnh đạo Go-Viet lại càng lớn", ông Việt chia sẻ.