Ba loại tên lửa 'sát thủ' của quân đội Nga
Ngoài tên lửa đạn đạo Iskander-M, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, Nga còn sử dụng thêm một số loại tên lửa dẫn đường chính xác cao trong chiến dịch tấn công Ukraine.
Tên lửa hành trình 3M14 Kalibr
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 Kalibr là loại vũ khí đã được sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Syria và hiện là một trong những vũ khí quan trọng nhất trong kho vũ khí của quân đội Nga.
Mẫu 3M14 nội địa của tên lửa này có tầm bắn 2.500 km và mang được đầu đạn nặng hơn 400 kg, được trang bị hệ thống định vị bằng vệ tinh GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn.
Tên lửa sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép bay bám sát mặt đất để giảm thiểu khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Loại tên lửa này có thể triển khai từ ống phóng thẳng đứng trên tàu mặt nước hoặc khai hỏa qua ống ngư lôi của tàu ngầm.
Hiện tại, các tàu hộ vệ Project 11356M, tàu tên lửa Project 21630, tàu tuần tra Project 22160 cùng các tàu ngầm Project 636.3 (lớp Kilo cải tiến) đều có thể mang bệ phóng tên lửa Kalibr dạng container.
Tên lửa Hermes
Đây là loại tên lửa dẫn đường chính xác với động cơ phóng (Ejecting booster) và đầu đạn văng mảnh nổ phá nặng 28kg, tốc độ bay tối đa 1.000 m/s.
Để bắn những mục tiêu ở tầm mở rộng, kể cả hỏa lực bắn loạt, tổ hợp Hermes được trang bị hệ thống dẫn đường vô tuyến đa kênh bao gồm một radar và một máy phát tín hiệu chỉ huy. Hệ thống điều khiển tên lửa bằng vô tuyến định vị và hiệu chỉnh đường đạn bằng tín hiệu được truyền qua các kết nối vô tuyến.
Phương tiện điều khiển hỏa lực của tổ hợp được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát, phát hiện, định dạng, phân loại và chỉ thị mục tiêu (chiếu sáng mục tiêu bằng laser). Để mở rộng phổ của các nhiệm vụ và tăng cường khả năng chiến đấu cho tổ hợp, các phương tiện trinh sát và chỉ thị mục tiêu được hỗ trợ bởi tổ hợp điều khiển hỏa lực tự động cơ động được điều khiển từ xa lắp trên xe chiến đấu.
Phiên bản Hermes đặt trên bộ - kể cả trên xe chiến đấu cơ động cao có khả năng tiến công các mục tiêu trong khu vực chiến thuật với tầm xa tới 100km (hiện đang nghiên cứu để tăng tầm lên trên 100km). Tổ hợp có khả năng bắn loạt và bắn phát một (kể cả hỏa lực bắn thẳng) vào các mục tiêu theo nhóm, mục tiêu đơn lẻ từ các vị trí đã được triển khai.
Phiên bản phóng từ các tàu nổi được dẫn bởi hệ thống dẫn đường vô tuyến bao gồm một radar và một máy phát tín hiệu chỉ huy tương tự như phiên bản đặt trên bộ. Cũng với tầm bắn khoảng 100km, tên lửa có thể gây ra những thiệt hại “không thể khắc phục” cho các tàu nổi có lượng giãn nước dưới 100 tấn và vô hiệu hóa các mục tiêu lớn hơn khi bắn trúng những bộ phận quan trọng nhất (đài chỉ huy, các hệ thống giám sát, kho đạn...). Tên lửa Hermes phóng từ trên biển cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu bay thấp trên không (trực thăng) mà không có sự can dự của các phương tiện phòng không khác.
Phiên bản lắp trên máy bay trực thăng có tầm bắn 12 đến 15 km. Hệ thống quán tính dẫn tên lửa đến khu vực mục tiêu mà ở đó đầu điều khiển của nó tiếp quản chức năng dẫn đường. Khả năng tác chiến ngày/ban đêm được đảm bảo bởi hệ thống quang điện có chứa thiết bị laser 2 kênh và đầu bám mục tiêu tự động. Tầm hoạt động của các kênh quang học (vô tuyến truyền hình, hồng ngoại và chỉ thị bằng laser) từ 15 đến 25 km.
Tên lửa hành trình Kh-101
Đây là loại tên lửa đã được quân đội Nga ngày 13/3/2022 sử dụng công kích căn cứ quân sự Yavorov ở miền tây Ukraine, tiêu diệt 180 lính nước ngoài và phá hủy một lượng lớn vũ khí cất giấu ở đây.
Tên lửa hành trình Kh-101 được Phòng thiết kế Raduga phát triển nhằm thay thế phiên bản cũ hơn Kh-55. Ban đầu, Kh-101 chỉ được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160, nhưng từ năm 2016 bắt đầu triển khai cả trên máy bay Tu-95MS. Máy bay Tu-95MS có thể mang theo 8 tên lửa Kh-101, trong khi Tu-160 có thể mang tới 16 quả nhờ được gắn 8 giá treo bên ngoài.
Tên lửa Kh-101 dài 7,45 m, đường kính 0,51 m, sải cánh 3,1 m, khối lượng phóng 2,4 tấn và mang 1 đầu đạn nặng 400kg (gồm các loại nổ mạnh, xuyên phá hoặc nổ chùm). Trước khi phóng, động cơ TRDD-50A được thu gọn trong thân tên lửa, giúp giảm kích thước và sức cản; chỉ khi rời khỏi máy bay, động cơ tên lửa mới bung ra và kích hoạt, đẩy quả đạn di chuyển ở độ cao 30-70m so với mặt đất, tốc độ hành trình 700 km/h, tốc độ lao tới mục tiêu 970 km/h, tầm bắn khoảng 4.500 km. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101/102 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Tên lửa được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay. Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ chính xác 6-10 m. Nếu được lắp đầu dò quang-điện tử và ảnh nhiệt, nó có thể tấn công cả những mục tiêu cơ động. Ngoài ra, có tin cho rằng tên lửa Kh-101 có khả năng tái lập trình mục tiêu trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi tên lửa đã phóng đi.
Tên lửa Kh-101 còn có phiên bản Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá 450 kT.