Ba luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng

Sáng 29/6, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, với 404/469 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những nội dung này thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân cả nước bởi sự cần thiết và cấp thiết thực hiện. Đặc biệt là việc đẩy sớm thời điểm các luật này có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024. Đây cũng là kỳ họp ghi nhận kỷ lục về khối lượng luật được cho ý kiến và thông qua.

Tại hành lang Quốc hội, đại biểu kỳ vọng việc sớm thi hành các luật này sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư vốn dĩ đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội…

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định): Kỷ lục về khối lượng luật cho ý kiến và thông qua

Vấn đề xây dựng luật trong kỳ họp này, chiếm gần 2/3 thời gian của kỳ họp. Theo kế hoạch chúng ta họp 27,5 ngày làm việc tức là 55 buổi làm việc thì có 8 buổi thảo luận tổ, 23 thảo luận ở hội trường, tổng cộng 31 buổi thảo luận tất cả về các luật. Số lượng buổi làm việc thảo luận cũng là rất lớn so với các kỳ họp trước.

Các đại biểu khi phát biểu về các dự án luật đều nhận xét các dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có việc tham vấn các bên cũng như đánh giá tác động của các chính sách, lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án luật.

Từ người chủ trì cho đến các đại biểu Quốc hội phát biểu đều quán triệt được quan điểm xây dựng luật là những điều gì đã chín, đã rõ, được thực tế khẳng định là đúng thì mới đưa vào luật. Đây là quan điểm xây dựng luật rất đúng đắn và chính xác. Các đại biểu cũng kiên quyết khi đánh giá một vấn đề gì đó chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm thì đề xuất chưa đưa vào luật.

Trong nhiệm kỳ này, quan điểm xây dựng luật như vậy rất là tốt. Các dự thảo luật Chính phủ trình ra Quốc hội đều rất công phu, bài bản, kỹ lưỡng.
Khối lượng luật cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gần như là kỷ lục từ trước tới giờ. Đáng chú ý là thông qua sửa 4 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Điều này rất linh hoạt nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tế. Đứng trước những yêu cầu của cuộc sống, khó khăn, vướng mắc của pháp luật hiện hành trong kinh doanh bất động sản, các dự án đầu tư, sử dụng đất đai… Chính phủ đã phát hiện và cùng Quốc hội thông qua 4 luật đó và mong muốn luật sớm có hiệu lực để doanh nghiệp và người dân thụ hưởng được những lợi ích 4 luật này mang lại.

Với luật hiện nay, 1 dự án đầu tư mất 3-5 năm về thủ tục. Nên nếu các luật này đi vào cuộc sống ngay thì giảm được 1 năm, đó là điều rất tốt. Tiết kiệm thời gian 1 năm thì giảm được nhiều công sức, tiền bạc, thời gian của người dân và doanh nghiệp.

Tôi đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ, quan tâm của Chính phủ với đội ngũ doanh nghiệp và người dân. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay đổi chương trình kỳ họp, đưa luật này thông qua tại kỳ họp cũng thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ. Bởi đó là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống và Quốc hội mong muốn những chính sách đưa ra sớm được hiện thực hóa, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Công tác lập pháp đã được đặt lên vị trí quan trọng nhất

Ngay từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, chúng ta đã có cách làm phù hợp và thể hiện rõ tinh thần Quốc hội đồng hành cùng cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ nên đã tăng cường thêm nhiều buổi họp như kỳ họp này rất dài. Điều này cho thấy, công tác lập pháp đã được đặt lên vị trí quan trọng nhất.

Thế giới hiện nay biến động nhanh, bất định, rủi ro, nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bất thường. Những điều này đòi hỏi thể chế pháp luật của chúng ta phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương. Vì thế, lần này trong số 11 luật được Quốc hội bấm nút thông qua đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương.

Đáng chú ý, một số luật đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, lần này tiếp tục điều chỉnh theo hướng có lợi.

Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhìn thấy được những tồn tại trong hệ thống luật pháp. Khi luật ban hành xong, có khi phải chờ một thời gian mới đi vào cuộc sống. Cho nên quá trình xây dựng luật gần đây cho thấy, bên cạnh dự thảo luật, có thêm các dự thảo nghị định, thậm chí quyết định và thông tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc luật sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Ba bộ luật tạo động lực cho thị trường bất động sản

Tôi rất đồng tình Chính phủ trình thời hạn có hiệu lực thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024. Do yêu cầu thực tiễn của đất nước, địa phương và doanh nghiệp cũng như người dân nên các luật có hiệu lực áp dụng sớm 5 tháng, hay vì mốc hiệu lực từ ngày 1/1/2025 như trước.

Trong luật sửa đổi lần này, tôi quan tâm điểm mới là đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua bất động sản giống như người Việt Nam trong nước. Đây là một chính sách rất nhân văn.

Ngoài ra, việc cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho những người thu nhập thấp sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, tạo thuận lợi, điều kiện tốt cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tôi nghĩ rằng, việc đẩy sớm thời gian hiệu lực của các luật này sẽ nhận được đồng tình ủng hộ của xã hội, hy vọng hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ bớt khó khăn, thị trường sôi động hơn, thay vì trầm lắng như hiện nay.

Cả ba bộ luật Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đất đai có liên quan mật thiết với nhau mà trọng tâm là Luật Đất đai. Khi ba luật này song hành và có hiệu lực thi hành cùng một thời điểm sẽ tác động hỗ trợ qua lại nhau. Từ đó, tạo động lực cho nhà đầu tư, hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt là thuận lợi trong khâu thu hồi đất, đền bù thỏa đáng theo giá thị trường khi thực hiện các dự án và cần phải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, luật còn quy định cụ thể việc ổn định tái định cư, hỗ trợ đời sống người dân. Điều quan trọng cốt lõi của Luật Đất đai quy định kỳ này là đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Cụ thể, trước khi nhà nước thu hồi đất của người dân phải có khu tái định cư hoàn chỉnh, đặc biệt khu tái định cư đó phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ trong vấn đề cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân…

Đặc biệt, Luật Đất đai ban hành kỳ này có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn đơn vị sự nghiệp được thuê đất, thậm chí được thế chấp tài sản gắn liền với đất. Tôi cho rằng đây là một điểm mới cần phát huy.

Điều tôi quan tâm nhất là thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân theo giá thị trường. Đây là điểm rất tích cực và chắc chắn được người dân đồng tình, ủng hộ. Từ đó, hạn chế thấp nhất tình trạng dân khiếu kiện sau khi nhà nước thu hồi đất.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang): Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ

Dự án sửa đổi về Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng được đẩy sớm thời gian có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét về việc Chính phủ trình về việc đẩy sớm thời hiệu của dự án luật.

Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và ủng hộ Chính phủ. Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng với Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin và dữ liệu, những đánh giá rất cụ thể về những mặt được, những vấn đề có thể xảy ra rủi ro khi đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các dự án luật.

Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ và các bộ, ngành đã có giải trình rất kỹ lưỡng với đại biểu Quốc hội về những nội dung này trong phiên thảo luận tại hội trường. Với phần giải trình này, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào sự quyết liệt, điều hành, sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị các thông tư, nghị định hướng dẫn kèm theo các dự án luật, để khi Quốc hội bấm nút thông qua, luật có hiệu lực thi hành và không phải chờ văn bản hướng dẫn.

Công tác lập pháp trong Kỳ họp lần thứ 7 là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này. Khối lượng công việc lập pháp rất lớn, thông qua 10 dự án luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật. Chúng tôi cũng đánh giá và ghi nhận rất cao đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ, thời gian trình các hồ sơ dự án luật đã đảm bảo được theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp của Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các cơ quan thẩm tra đã có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để đáp ứng được đúng thời gian hoàn chỉnh về các dự án luật. Nội dung xây dựng pháp luật đã đạt được mục tiêu đề ra. Đó là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật và đáp ứng được đúng theo yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi.

Thu Hằng – Văn Giáp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ba-luat-lien-quan-den-bat-dong-san-co-hieu-luc-som-hon-5-thang-20240629101833874.htm