Bà Merkel ra đi, cơ hội vàng cho tổng thống Pháp?

Ngày 26-9 (giờ địa phương) sẽ diễn ra cuộc bầu cử liên bang tại Đức, qua đó đánh dấu thời điểm Thủ tướng Angela Merkel rời chính trường sau 16 năm cầm quyền.

Theo kênh CNBC, đây cũng là lúc Pháp có thể vươn lên giành lấy vị thế "siêu cường châu Âu" mà Đức nắm giữ lâu nay.

Giới chuyên gia nhận định Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sớm định vị bản thân vào vị trí thủ lĩnh châu Âu, nhất là khi nước này sẽ nắm giữ vai trò chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới.

Ông Carsten Brzeski, chuyên gia của công ty nghiên cứu ING (Mỹ), phân tích với kênh CNBC trong tuần rồi: "Tổng thống Macron đã can thiệp vào các cuộc tranh luận về quy định tài chính của châu Âu".

Pháp chủ trương nới lỏng các quy định liên quan đến thâm hụt ngân sách và hệ số nợ/GDP của các nước thành viên EU, đặc biệt là giữa cuộc chiến với Covid-19. Trong khi đó, Đức kiên trì phản đối điều này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Điện Elysee ngày 16-9 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Điện Elysee ngày 16-9 Ảnh: REUTERS

Cũng như phần còn lại của châu Âu, Pháp theo dõi sát sao các chiến dịch tranh cử ở Đức, với 2 cái tên nổi trội là Olaf Scholz (ứng viên cho ghế thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội – SDP) và Armin Laschet (ứng viên của liên minh cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo – Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo, tức CDU-CSU).

Hai chuyên gia Mujtaba Rahman and Anna-Carina Hamker của tổ chức Eurasia Group (Mỹ) cho biết: "Các nguồn tin tiết lộ Tổng thống Macron có thể hợp tác với cả 2 người nhưng hơi nghiêng về ông Scholz".

Ông Olaf Scholz hiện là bộ trưởng tài chính kiêm phó thủ tướng Đức và đã làm việc chặt chẽ với phía Pháp để cho ra đời quỹ hồi phục hậu Covid-19 của EU, còn ông Olaf Scholz được xem là người kế nhiệm bà Merkel. Đảng SPD trung tả đang dẫn ưu thế so với CDU-CSU.

Ông Macron đã mời cả 2 ứng viên trên đến Điện Elysee vào đầu tháng 9 này song không mời ứng viên đảng Xanh là bà Annalena Baerbock.

Tuy nhiên, chính Pháp cũng tổ chức bầu cử vào tháng 4 năm sau nên tham vọng nắm quyền lãnh đạo châu Âu còn phải chờ xem ông Macron có tái đắc cử hay không. "Điều này đồng nghĩa với việc thủ tướng kế tiếp của Đức sẽ có khoảng một năm để kế thừa vị trí mà bà Merkel để lại" – ông Brzeski nói.

Ngoài ra, có thể ông Macron cạnh tranh được với tân thủ tướng Đức về mặt chính sách EU song có một lĩnh vực mà Pháp khó lòng bằng được Đức – đó là ảnh hưởng kinh tế. Năm 2019, tức trước đại dịch Covid-19, Đức chiếm gần 1/4 GDP của EU (24,7%), theo sau là Pháp (17,4%), Ý (12,8%) và Tây Ban Nha (8,9%)… - theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).

"Đức vẫn là Đức. (…) Tôi không nghĩ là vai trò của Đức sẽ bị suy giảm" – bà Naz Masraff, giám đốc về châu Âu của Eurasia Group, nhấn mạnh.

Ông Macron có vẻ chưa bắt kịp bà Merkel về mức độ tín nhiệm. Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) hồi tuần trước công bố một cuộc khảo sát tại 12 nước EU, với câu hỏi "nếu có cuộc đua giả định vào ghế chủ tịch EU, bạn sẽ bỏ phiếu cho bà Merkel hay ông Macron?". Kết quả, 41% người được hỏi chọn "bà đầm thép" nước Đức, so với chỉ 14% chọn tổng thống Pháp.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ba-merkel-ra-di-co-hoi-vang-cho-tong-thong-phap-20210926094626326.htm