Ba mối quan tâm hàng đầu trong mục tiêu nghề nghiệp của người lao động

Trong mỗi giai đoạn, các mục tiêu nghề nghiệp được người đi làm ưu tiên có sự thay đổi nhất định, tuy nhiên thu nhập, cân bằng và ổn định luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thông tin được đề cập trong Báo cáo Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại công bố mới đây của Anphabe – đơn vị tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc.

Báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn đang tồn tại những điều “bất biến”, đã và đang làm thay đổi cơ bản cách thức hoạt động kinh doanh, và góp phần hình thành nhiều xu hướng nhân tài mới.

Một trong những bất biến thể hiện ở khía cạnh thu nhập, cân bằng và ổn định luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi làm.

Theo khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam của Anphabe trong 10 năm qua (từ năm 2014 – 2023), cho thấy bất chấp những biến động của thị trường, Top 3 mục tiêu nghề nghiệp của người đi làm vẫn luôn là cân bằng; thu nhập và ổn định. Trong đó, thu nhập đã trở thành ưu tiên số 1 kể từ năm 2018 đến nay.

Tổng quan thị trường lao động từ năm 2014 đến 2023, có thể được chia thành 4 giai đoạn: Giai đoạn bình ổn với mức cạnh tranh nhân tài vừa phải; giai đoạn cạnh tranh nhân tài khốc liệt; giai đoạn Covid-19 và giai đoạn hậu Covid-19.

Trong mỗi giai đoạn, các mục tiêu nghề nghiệp được người đi làm quan tâm có sự thay đổi nhất định, phản ánh nhu cầu theo từng hoàn cảnh, tuy nhiên thu nhập luôn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, vẫn luôn tồn tại sự chênh lệch giữa mức thu nhập thực tế và kỳ vọng thu nhập của người lao động. Trong năm 2021, dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, vẫn có khoảng 34% nguồn nhân lực được tăng lương, con số này đến nay đã tăng lên đạt khoảng 50% (năm 2023).

Khảo sát của Anphabe với những người được tăng lương trong 3 năm này, cho thấy mức tăng lương thực tế của họ dao động từ 8 – 9%, thấp hơn so với trung bình mức tăng mà họ kỳ vọng (9,7 -12.4%).

Vào giai đoạn khó khăn khi mà “layoff” trở thành từ khóa quen thuộc, xu hướng tương tự cũng diễn ra khi xét đến sự sẵn lòng giảm lương để giữ việc làm. Mặc dù người lao động mong muốn tăng lương ở mức 10 -12%, nhưng khi đối mặt với nguy cơ mất việc, họ chỉ sẵn lòng chấp nhận giảm lương từ 5-6%.

Điều này không chỉ phản ánh thực trạng khó khăn trong việc cân bằng giữa thu nhập và việc làm, mà còn cho thấy thu nhập vẫn luôn là nhu cầu cơ bản của con người, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khách quan của thị trường.

Cũng theo báo cáo, bất chấp những biến động của thị trường, cạnh tranh nhân tài chưa bao giờ ngừng lại, thậm chí còn ngày càng mạnh mẽ hơn.

Không chỉ bản thân ứng viên trở nên cởi mở hơn và có nhiều phương thức hơn để tiếp cận các môi trường làm việc, mà các công ty trên thị trường cũng đang đẩy mạnh thương hiệu nhà tuyển dụng hơn, để thu hút ứng viên từ các ngành khác.

Trung bình một doanh nghiệp ở Việt Nam có thể mất đi tới 96% nhân tài tại giai đoạn khát khao, trong khi con số này đối với 10 thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất chỉ là 85%.

Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn trong từng ngành, với công nghệ thông tin, ngành hàng tiêu dùng nhanh và dịch vụ được xem là những ngành có mức quan tâm và ứng tuyển cao hơn.

Đáng chú ý, tình trạng "nghỉ việc nhanh" hay "bị sa thải" giờ đây không còn là điểm trừ lớn trong hồ sơ xin việc của nhân tài. Đây là một diễn biến cho thấy thị trường lao động đang trở nên linh hoạt và cởi mở hơn.

Khảo sát của Anphabe vào nửa đầu năm 2023 cho thấy, cứ mỗi 10 người bị cắt giảm đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.

Điều này cho thấy rằng việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ba-moi-quan-tam-hang-dau-trong-muc-tieu-nghe-nghiep-cua-nguoi-lao-dong.htm