Ba mũi giáp công - đẩy lùi tệ nạn
Ma túy đang là nỗi lo của toàn xã hội. Hệ lụy của 'nàng tiên nâu' đã khiến bao gia đình tan nát, con bất hiếu với cha mẹ, anh em tương tàn. Nhiều giải pháp, không ít mô hình được triển khai nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn. Nhưng, có một nơi sự phối hợp giữa 3 mô hình đã và đang đẩy lùi ma túy, tệ nạn.
Ba mũi giáp công - đẩy lùi tệ nạ
Qua cơn mê
Hàm Liêm, những ngày này nắng như đổ lửa. Tôi và anh Khoa, Phó Trưởng Công an xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc ghé quán nước ven đường. “Đây là quán của Phong mới mở từ nguồn vốn vay của Quỹ nhân dân với an ninh trật tự”, anh Khoa nói. Quán nước của Phong không quá rộng, chỉ khoảng 20 m2. Ở đó, Phong vừa bán tạp hóa, vừa bán cà phê. “Một mai qua cơn mê, sông cạn lại thành dòng, suối về ngọt quê hương…”, bản nhạc bolero réo rắt vang lên như lời tâm sự của chủ quán. Một thanh niên bước nhanh từ bên ngoài vào. Nhìn Phong hiện nay, không ai nghĩ anh đã từng có một thời gian “sống chung” với cái chết trắng. Ngày đó, năm 2012, khi 23 tuổi, chưa vợ, chiều nào Phong cũng tụ tập với những người bạn cùng trang lứa nhậu nhẹt. Trong cơn say túy lúy, Phong thường cùng bạn đi bar. Rồi trong những lần “vui quên trời đất”, Phong được bạn rủ chơi ma túy đá. 1 lần, 2 lần, Phong nghiện hồi nào không hay. Tiền công từ những ngày làm cắt cỏ, vuốt tai thanh long không đủ để thỏa mãn cơn ghiền, Phong kết nối với bạn bè đi buôn cái chết trắng. “Lúc đó tuổi trẻ đâu có suy nghĩ nhiều, thấy tiền lời từ việc bán ma túy quá lớn, lại không mệt như làm thuê thanh long nên ham. Lúc đầu một vài túi, sau đó nhiều lên, đến năm 2013 thì em bị bắt. Tòa kêu án 7 năm”, Phong chia sẻ. Những ngày tháng trong tù, Phong mới nhận ra những lỗi lầm của mình. Phong hạ quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhờ cải tạo tốt nên năm 2017, Phong được ra tù trước thời hạn. Những ngày đầu mới ra tù, những người bạn cũ lại đến rủ rê, lôi kéo Phong quay lại con đường cũ. Có lúc, quyết tâm của Phong bị lung lay. Nhưng lúc đó, Phong đã tìm được “điểm tựa mới”, đó là những người trong tổ nòng cốt của mô hình “Thôn tự quản, chống lây lan ma túy” và những anh em trong lực lượng Công an xã Hàm Liêm. Ngay khi Phong mới trở về địa phương, Công an xã đã cử người tới gặp Phong để nói chuyện, sẻ chia những khó khăn Phong gặp phải. Gặp nhiều thành thân thiết, mỗi khi gặp chuyện buồn Phong đều nhận được sự san sẻ của anh em Công an xã. “Tâm lý chung của những người mới chấp hành án tù xong là sự tự ti về bản thân, cùng với đó là sự kỳ thị của xã hội. Vì vậy, Công an xã và các hội, đoàn thể luôn đồng hành, chia sẻ với anh em. Nhờ đó, Phong và nhiều trường hợp khác đã hòa nhập cộng đồng tốt hơn”, anh Khoa chia sẻ.
Không chỉ anh Phong mà nhiều người nghiện ma túy ở xã Hàm Liêm đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, giúp họ vượt qua cám dỗ. 4 năm về trước, tệ nạn ma túy ở Hàm Liêm diễn biến vô cùng phức tạp. Hàm Liêm được xác định là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Lúc đó trên toàn xã có 8 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại địa phương. Còn những người nghiện chưa có hồ sơ quản lý thì chưa thể xác định được. Trước tình hình đó, tháng 1/2015, mô hình “Thôn tự quản chống lây lan ma túy” được thành lập tại thôn 1, xã Hàm Liêm. 1 tổ nòng cốt gồm 13 thành viên đã được xây dựng. Tổ có nhiệm vụ theo dõi, vận động những người nghiện ma túy đi cai nghiện. Nói thì dễ nhưng khi làm mới có nhiều khó khăn. Không ít trường hợp khi Công an xã mời lên đặt vấn đề đưa con họ đi cai nghiện thì gặp phải sự phản ứng mạnh. “Đặc điểm của việc nghiện ma túy đá là rất khó phát hiện. Nhiều phụ huynh khi chúng tôi mời lên để trao đổi họ khẳng định con mình không nghiện, Công an xã nói oan. Nhưng qua những chứng cứ công an đưa ra cùng với sự thuyết phục của những người có uy tín tại thôn, họ đã hiểu ra và cùng với địa phương đưa con em mình đi cai nghiện. Đến nay, số người nghiện trên địa bàn xã đã được khống chế. Có một số người đã cai nghiện thành công”, anh Khoa cho biết.
Cai nghiện thành công đã khó, nhưng giữ được họ không tái nghiện lại càng khó hơn. Điều này cần sự chung tay của cả cộng đồng. Và ở xã Hàm Liêm, một giải pháp mới đang phát huy hiệu quả.
Kiềng 3 chân
Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân Hàm Liêm đã có bước phát triển không ngừng, tốc độ đô thị hóa nông thôn ngày càng tăng. Kinh tế phát triển, những đối tượng trộm cắp, cướp giật cũng chọn Hàm Liêm làm địa bàn gây án. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm xã Hàm Liêm đã phối hợp xây dựng mô hình “Camera an ninh phòng chống tội phạm”, vận động quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài xã đóng góp kinh phí, lắp đặt camera tại 5 địa điểm là các tuyến đường trọng điểm gồm ngã ba QL28 vào UBND xã, ngã tư UBND xã, ngã tư Thành Đạt, ngã tư Tân Nông và ngã ba Chín Ánh. Từ khi có camera, việc giám sát hoạt động của các đối tượng vi phạm an ninh trật tự thuận lợi và dễ dàng hơn trước. Chỉ cần một đồng chí trực ban ngồi tại chỗ giám sát qua màn hình ti vi đặt tại trụ sở Công an xã đã có thể quan sát cùng một lúc 5 địa điểm. Việc theo dõi thanh thiếu niên tụ tập băng, nhóm ở các ngã ba, ngã tư có biểu hiện uống rượu, bia, chạy xe nẹt pô, lạng lách, đánh võng cũng dễ dàng hơn. “Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình đã giúp Công an xã triệt phá nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, thu hồi tài sản trả lại cho nhân dân, đặc biệt đã kịp thời ngăn chặn tệ nạn ma túy do các đối tượng ở địa phương khác đến. Ngoài việc giúp theo dõi, kiểm soát được các hoạt động diễn ra tại các địa bàn thì việc lắp đặt camera phần nào tác động đến tâm lý tội phạm, vì việc lưu trữ hình ảnh về các đối tượng có hoạt động xâm nhập bất hợp pháp là cơ sở nhận dạng các đối tượng, phục vụ cho công tác truy xét, bắt giữ đối tượng gây án trong các vụ việc”, anh Trần Anh Khoa, Phó Trưởng Công an xã Hàm Liêm cho biết.
Có một thực tế chung ở nhiều địa phương là sau cai nghiện, chấp hành án tù xong nhiều người không tìm được việc làm, không có vốn làm ăn dẫn đến tâm lý chán nản rồi lại quay về đường cũ. Trước tình hình đó, mô hình “Quỹ nhân dân với an ninh trật tự” được thành lập từ tháng 7/2018, với mục tiêu huy động sự đóng góp của cộng đồng giúp người lầm lỡ có công ăn việc làm ổn định, làm lại cuộc đời. Sau 1 năm thực hiện các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa bàn xã Hàm Liêm đã đóng góp được 73 triệu đồng. Nguồn vốn vận động được sẽ gửi vào ngân hàng và có một tổ theo dõi. Đến nay, “Quỹ nhân dân với an ninh trật tự” xã Hàm Liêm đã cho 3 trường hợp người nghiện, người chấp hành án tù xong được vay vốn. Mỗi trường hợp được vay 10 triệu đồng. “Từ nguồn vốn vay của “Quỹ nhân dân với an ninh trật tự”, tôi đã đầu tư mở quán tạp hóa để cho vợ bán. Nguồn thu từ việc bán hàng cộng với tiền công làm sắt của tôi đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn. Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng mà tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”, anh Phong chia sẻ.
Việc đưa vào hoạt động 3 mô hình cùng lúc đã phát huy hiệu quả lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại xã Hàm Liêm. 3 mô hình này tuy riêng lẻ nhưng lại tác động tích cực qua lại. 1 mô hình giúp người nghiện vượt qua cám dỗ, 1 mô hình quản lý, ngăn người lầm lỡ tiếp xúc với đối tượng xấu giảm thiểu khả năng tái phạm và 1 mô hình cung cấp “cái cần câu” giúp người lầm lỡ có công ăn việc làm ổn định. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, từng bước đẩy lùi tệ nạn.
Sau 4 năm thực hiện mô hình “Thôn tự quản chống lây lan ma túy” số người nghiện ở xã Hàm Liêm đã giảm xuống. Từ 8 người lúc đầu, đến nay số người nghiện trên địa bàn xã còn 5. Trong số đó có 2 người đang có chuyển biến tốt sẽ hoàn thành cai nghiện trong năm 2019.
Ghi chép: Nguyễn Luân
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/ba-mui-giap-cong-day-lui-te-nan-121443.html