Ba năm thần tốc đưa chủ trương thành 'đường lớn'

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, ba năm qua chúng ta đã phát triển thần tốc hệ thống đường bộ cao tốc.

Cụ thể hóa chủ trương đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra, ba năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành GTVT đã phát huy thế mạnh, biến trí tuệ, sức mạnh tập thể thành những kết quả, sản phẩm cụ thể.

Rõ nét nhất là đưa vào khai thác gần 1.000km đường cao tốc, mở ra các định hướng lớn khơi thông vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy... Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

Đầu tư cho giao thông đồng bộ 5 lĩnh vực, 6 vùng kinh tế

Nhìn lại hành trình từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2025 đến nay, Thứ trưởng có thể điểm lại những kết quả nổi bật ngành GTVT đạt được trong thực hiện mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra?

Bám sát các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xác định tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics.

3 năm qua chúng ta đã phát triển thần tốc hệ thống đường bộ cao tốc.

Quán triệt tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, sản phẩm phải lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân, đong, đo, đếm được" của Thủ tướng Chính phủ, ngành GTVT đã vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không thể, hoàn thành, đưa vào khai thác 858km, bằng 73% chiều dài đường cao tốc triển khai trong gần 20 năm trước đây (khoảng 1.163km). Đến nay, mạng đường bộ cao tốc trong cả nước đã lên tới 2.021km.

Đường sắt tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo. Trong đó, 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đã hoàn thành, đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn còn lại đặc biệt là đầu tư mở rộng các kho hàng, bãi hàng để khai thác có hiệu quả năng lực vận tải hàng hóa của đường sắt, hoàn thành năm 2025. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầu tư ngay các dự án đường sắt trên các hành lang vận tải quan trọng để đầu tư trong trung hạn tới như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ngọc Hồi - Thạch Lỗi, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành... để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

Bức tranh hạ tầng đô thị đã hiện đại hơn với những mảnh ghép quan trọng của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một phần tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; các dự án đường sắt đô thị tại TP HCM như Bến Thành - Suối Tiên… đang tốc để đưa vào khai thác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định về công tác GPMB dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định về công tác GPMB dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Về hàng không, CHK quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng/nâng cấp mở rộng cảng hàng không đã được thực hiện như: Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án cải tạo, mở rộng một số cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi, Phú Bài…

Đối với hàng hải, 286 bến cảng (thuộc 36 cảng biển) đã được khai thác mà không cần dùng vốn ngân sách. Từ đó "mở cửa" thông thương hội nhập quốc tế. Các tuyến luồng kết nối đồng bộ với cảng biển đang được triển khai như: Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép, luồng Quy Nhơn (Bình Định)…

Điểm nghẽn hạ tầng đường thủy nội địa từng bước được tháo gỡ. Bên cạnh công tác nạo vét duy tu luồng, dự án nâng cao tĩnh không cầu Đuống khu vực phía Bắc và các cầu trên các tuyến đường thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và sẽ được triển khai là tiền đề quan trọng để phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa của đường thủy.

Rõ ràng, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trên cơ sở nền tảng quy hoạch được phê duyệt, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và của địa phương, 3 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trên cả 5 lĩnh vực và 6 vùng kinh tế bao gồm trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long…

Chính điều này đã tạo ra một bước chuyển rõ nét của ngành so với giai đoạn trước, thị phần vận tải đã từng bước được tái cơ cấu thị phần hợp lý hơn. Để đột phá hạ tầng cần tư duy quản lý mới, khoa học hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn. Và đột phá hạ tầng thời gian qua đã tạo động lực mới cho ngành phát triển đồng thời giúp vận tải khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm chi phí logistics…

Tạo động lực, truyền cảm hứng, thi đua hoàn thành 3.000km cao tốc

Thứ trưởng vừa nói tới việc "tạo động lực". Tuần qua, Thủ tướng vừa phát động cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc. Đây là mục tiêu rất áp lực và rất cần tiếp tục tạo động lực, không chỉ với ngành giao thông và còn với rất nhiều bộ ngành, địa phương. Tới đây các dự án nào sẽ phải tăng tốc để đạt được con số này, thưa Thứ trưởng?

Để hoàn thành mục tiêu 3.000km, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn cho đầu tư, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài 2.021km đã đưa vào khai thác, hiện có khoảng 1.700km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công. Trong đó, khoảng gần 1.200km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh Tạ Hải.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh Tạ Hải.

Trong số các dự án có kế hoạch về đích năm 2025, gần 700km (thuộc 13 dự án/dự án thành phần) cơ bản đáp ứng tiến độ. Hơn 300km cần quyết liệt chỉ đạo và tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc mới có thể hoàn thành trong năm 2025.

Chúng ta đang cùng với các bộ ngành địa phương nỗ lực cùng lúc triển khai nhiều giải pháp. Đối với 111km thuộc 2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, cần tổ chức thi công khoa học, kiểm soát chặt chẽ tiến độ khai thác cát.

53km thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua TP.HCM, Long An cần sớm tháo gỡ nguồn cát đắp; 48km dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk cần chủ động, giải quyết các tồn tại về mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; 27km cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua Hà Giang), tỉnh Hà Giang cần chủ động tháo gỡ khó khăn về vật liệu đá; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án; 77km cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua Tuyên Quang), tỉnh Tuyên Quang cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bổ sung bãi đổ thải, di dời đường điện cao thế; bố trí vốn ngân sách địa phương cho dự án; 29km cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ, chủ đầu tư chủ động làm việc với các tỉnh để giải quyết nguồn vật liệu cát đắp; cuối cùng là 12km cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật chậm nhất tháng 8/2024 mới bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Nhiều báo đài gọi kết quả đạt được trong xây dựng cao tốc thời gian qua là kỳ tích, thưa thứ trưởng, điều gì đã làm nên kỳ tích đó?

Từ thực tiễn triển khai các dự án giao thông cao tốc trong thời gian qua, 6 bài học kinh nghiệm đã được Bộ GTVT đúc kết.

Một là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực hợp pháp; cùng với tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân trong GPMB.

Hai là, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng không chỉ có mặt trên hầu hết các công trường giao thông trọng điểm để gỡ khó mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng để ngành giao thông nỗ lực "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa là phải làm", "đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn nữa".

Ba là, các bộ, ngành địa phương đều có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bốn là, trong xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

Năm là, trong tổ chức, thực hiện phải mạnh dạn phân cấp từ trung ương đến địa phương, áp dụng mô hình địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

Người xưa nói "Lộ thông thì tài thông", là người theo sát các dự án cao tốc và thường xuyên làm việc với lãnh đạo các địa phương, ông cảm nhận được sự thay đổi mà hệ thống đường cao tốc mang lại cho người dân như thế nào?

Các tuyến đường bộ cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả rõ rệt, vừa góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng cơ hội phát triển cho các địa phương. Có rất nhiều dẫn chứng cho việc này, tôi chỉ xin dẫn vài điển hình. Như tỉnh Bình Thuận, khi các tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây khánh thành, tính trong năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,1% so với năm 2022. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Bình Thuận tăng vọt, lên đến hơn 8,3 triệu lượt khách, tăng gần 50%.

Hay tại Thanh Hóa, năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng đến 7,01% so với năm 2022 sau khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn lần lượt đưa vào khai thác.

Có cao tốc "chia lửa", ùn tắc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Thanh Hóa giảm rõ rệt, đặc biệt là đoạn từ TP Tam Điệp (Ninh Bình) đến TP Bỉm Sơn (Thanh Hóa)...

Khởi công đường sắt tốc độ cao trước 2030

Nói đến sự đột phá kết cấu hạ tầng giao thông không thể không nhắc đến dự án đường sắt tốc độ cao. Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu, dự án đã đang được Bộ GTVT hoàn thiện, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư. Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về định hướng đầu tư dự án này?

Hơn 18 năm qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước.

Mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với những công trình trọng điểm đang được triển khai mạnh mẽ. Đồ họa: Mạnh Tường.

Mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với những công trình trọng điểm đang được triển khai mạnh mẽ. Đồ họa: Mạnh Tường.

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổng kết bài học kinh nghiệm trên thế giới, đánh giá các điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Trải qua quá trình phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về công năng vận tải, lựa chọn tốc độ, tải trọng trục, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ, lộ trình đầu tư, khả năng huy động nguồn lực, hiệu quả đầu tư... Bộ GTVT đề xuất phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách (có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết). Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tổng mức đầu tư khoảng 65-70 tỷ USD.

Dự kiến, dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền thông qua và phấn đấu khởi công đầu tư dự án trước năm 2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2040.

Tôi cho rằng, ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao đã chín muồi. Có đường sắt tốc độ cao là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới; hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế.

Như Thứ trưởng chia sẻ, đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần nguồn vốn rất lớn. Việc cân đối nguồn lực đang được tính toán ra sao?

Với dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 65-70 tỷ USD, việc bố trí vốn dự kiến thực hiện trong khoảng 12 năm. Nếu thực sự quyết tâm để có một công trình mang tính động lực, chiến lược, tạo ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả nguồn lực và là tiền đề cho một nước đang phát triển có thu nhập cao, với tiềm lực và quy mô nền kinh tế chúng ta hiện nay thì nguồn lực không còn là thách thức lớn.

Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá. Kết quả sơ bộ cho thấy chỉ tiêu nợ công nằm trong mức cho phép, một số chỉ tiêu khác có tăng nhưng không cao hơn nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án. Song, nếu tính đóng góp của dự án vào tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng (khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm - theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD, khai thác thương mại (dự kiến khoảng 22 tỷ USD) thì các chỉ tiêu này sẽ được cải thiện.

3 năm qua, ngành giao thông đã tạo ra những sản phẩm rất đáng tự hào nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn không ít. Mục tiêu phía trước có thể nói là "thử thách còn cao như núi" đòi hỏi bản lĩnh của tập thể lãnh đạo Bộ. Ông muốn chia sẻ điều gì với cán bộ, kỹ sư, công nhân – những người đã cùng ban lãnh đạo Bộ GTVT "vượt nắng, thắng mưa", "biến không thể thành có thể" thời gian qua?

Đồng chí Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng luôn quan tâm, trăn trở và ghi nhận những hy sinh, cống hiến, đóng góp của cán bộ, kỹ sư, người lao động đang ngày đêm dầm mưa dãi nắng trên công trường đóng góp cho những kết quả của ngành. Trong phòng họp, trên công trường, những tháng ngày qua là những tháng ngày không thể quên, khi tất cả chung một tinh thần "chỉ bàn làm không bàn lùi". Khối lượng công việc mà chúng ta đã làm được rất đáng tự hào. Có được thành quả ấy là nhờ sự góp công góp sức của rất nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động ngành GTVT.

Với truyền thống vẻ vang của ngành, tập thể lãnh đạo Bộ tin tưởng năm 2025, chính là năm kỷ niệm 80 năm thành lập ngành, chúng ta sẽ chạm tay vào các cột mốc mới.

Trên con đường vinh quang ấy đòi hỏi sự hy sinh quyền lợi cá nhân, đòi hỏi sự tận hiến của nhiều người. Chúng tôi có thể không tri ân được hết những đóng góp của bà con nhường đất cho dự án, buộc phải chuyển đến nơi mới lập nghiệp, không tri ân được hết những cán bộ, kỹ sư, công nhân nhiều năm nhiều tháng trời gác tình riêng "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" bám công trường... Nhưng lịch sử sẽ không quên những người mở đường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-nam-than-toc-dua-chu-truong-thanh-duong-lon-192240828084318848.htm