Ba năm xung đột Nga - Ukraine: Giằng co chiến trường, kịch tính ngoại giao
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã tròn 3 năm, liệu với những diễn biến hiện tại trên chiến trường và trên bàn đàm phán, cuộc chiến này có kết thúc được trong nay mai?
Ngày 24-2 đánh dấu tròn ba năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Cuộc xung đột này hiện được coi là cuộc chiến tranh tiêu hao với việc cả hai bên đều không đạt được đột phá đáng kể trên chiến trường.
Dù vậy, trên mặt trận ngoại giao gần đây đã xuất hiện những yếu tố bất ngờ sau sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu có hy vọng nào để cuộc chiến này kết thúc trong thời gian tới?
Cuộc chiến kéo dài và tốn kém
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, nhiều người dự đoán Moscow sẽ nhanh chóng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã chặn đứng bước tiến của Nga trước thủ đô Kiev, đẩy lùi quân Nga khỏi miền bắc, và sau đó mở các cuộc phản công thành công ở miền đông và miền nam.
Ukraine tiếp tục phản công vào năm 2023, nhưng những hạn chế về trang thiết bị cùng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga đã cản trở các chiến dịch này. Đến đầu năm 2024, cuộc chiến đã chuyển thành giai đoạn tiêu hao lực lượng.
Trong năm 2024, Nga bắt đầu chiếm ưu thế tại nhiều chiến trường quan trọng, bao gồm loạt TP chiến lược ở tỉnh Donetsk như Avdiivka, Marinka và quyết tâm tiến vào TP Pokrovsk. Đầu năm 2025, quân Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, tức tăng thêm gần 3.990 km2 trong năm 2024.
Song song đó, tình hình ở tỉnh Kursk (Nga) - nơi Ukraine phát động chiến dịch tấn công vào tháng 8-2024 - vẫn không có nhiều chuyển biến quan trọng. Kiev vẫn giữ được một phần lãnh thổ song phải ứng phó với các đòn phản công gần như mỗi ngày từ phía Nga.

Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo trên tiền tuyến gần TP Pokrovsk (Donetsk) đầu tháng 2. Ảnh: GETTY IMAGES
Thương vong hai bên cũng vấn đề đáng chú ý trên chiến trường. Theo ước tính từ Viện chính sách Brookings (Mỹ), khoảng 172.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và 611.000 binh sĩ bị thương trong ba năm xung đột. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho rằng thương vong của binh sĩ Nga trên chiến trường là hơn 850.000. Điện Kremlin chưa bình luận về con số này và lần cuối cùng Moscow công khai số liệu về liệu binh sĩ Nga thiệt mạng là vào tháng 9-2022, rằng 5.937 binh sĩ tử trận thời điểm đó.
Về phía Ukraine, Kiev đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16-2 nói rằng hơn 46.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trên chiến trường. Trong khi đó, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất của Lực lượng vũ trang Nga ngày 20-2 nói rằng Ukraine tổn thất hơn 1 triệu quân trong ba năm giao tranh với Nga, bao gồm 590.000 binh sĩ trong năm 2024.
Hai bên chưa có tiếng nói chung
Từ đầu xung đột, Nga đã tuyên bố mục tiêu của nước này trong cuộc chiến là “phi quân sự, phi phát xít” Ukraine. Trong ba năm qua, Moscow nhiều lần lập lại điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Nga và Ukraine là Kiev phải rút quân khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập, gồm các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia và bán đảo Crimea.
Phía Nga cũng yêu cầu Ukraine cam kết không gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, các yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Zelensky gồm việc Nga rút quân hoàn toàn, khôi phục biên giới Ukraine năm 1991, bồi thường thiệt hại cho Ukraine và truy tố tội phạm chiến tranh của Nga. Thời gian gần đây, ông Zelensky được cho là có lập trường cởi mở hơn về đàm phán hòa bình khi tuyên bố Kiev sẵn sàng đàm phán với Moscow nếu Mỹ và châu Âu cũng tham gia.
Bên cạnh vấn đề lãnh thổ, Ukraine khẳng định rằng tương lai an ninh của nước này cũng quan trọng không kém. Kiev mô tả tư cách thành viên NATO là chìa khóa cho sự bảo vệ này, theo tờ The Washington Post. Theo Tổng thống Zelensky, trường hợp không thể gia nhập NATO, Kiev sẽ cần một gói vũ khí tên lửa mạnh mẽ, một đội quân lớn cũng như các nguồn lực và đầu tư để duy trì khả năng phòng thủ tại biên giới với Nga.
“Nếu chúng tôi không ở trong NATO, thì như tôi đã nói, quân đội Ukraine phải ngang hàng với quân đội Nga” - ông Zelensky nói với đài NBC vào ngày 16-2.
Ông Zelensky cũng đưa ra đề xuất triển khai 200.000 quân nước ngoài đến Ukraine để bảo vệ bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Về vấn đề này, ngày 10-2, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vassily Nebenzia cảnh báo rằng Moscow sẽ coi bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào triển khai tới Ukraine mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ là mục tiêu hợp pháp của các cuộc tấn công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine giai đoạn hai sẽ diễn ra vào ngày 25-2 tại Saudi Arabia, một tuần sau vòng đàm phán đầu tiên.
Ông Trump sẽ là nhân tố thay đổi cục diện?
Sự trở lại của Tổng thống Trump cùng lời hứa sẽ sớm chấm dứt “cuộc chiến đổ máu” đã mang lại hy vọng kết thúc xung đột Nga-Ukraine.

(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABC
Chính quyền ông Trump nhanh chóng hành động bằng cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Mỹ-Nga, diễn ra vào ngày 18-2 tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, chiến lược đàm phán của ông Trump vấp phải phản ứng gay gắt từ Ukraine và châu Âu khi hai bên này không là một phần của cuộc đàm phán.
Chưa rõ liệu nỗ lực của ông Trump có giúp cuộc chiến kết thúc hay không, nhưng đã có những cởi mở trong lập trường của Nga và Ukraine trong thời gian gần đây.
Ngày 18-2, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Nga vẫn cam kết giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine và sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky.
Một tín hiệu tích cực khác là vào ngày 21-2, hãng Reuters dẫn nguồn tin rằng Nga có thể sẵn sàng sử dụng một phần trong số 300 tỉ USD tài sản bị đóng băng để giúp tái thiết Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh rằng một số tiền sẽ được phân bổ cho các vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố sáp nhập.
Về phía Ukraine, sau đàm phán Mỹ-Nga tại Saudi Arabia. Tổng thống Zelensky đã có màn khẩu chiến với Tổng thống Trump liên quan việc Kiev bị gạt sang một bên trong cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, Ukraine sau đó đã cho thấy sự thỏa hiệp hơn khi thông báo sẽ hoàn thiện thỏa thuận về khoáng sản với Mỹ vào ngày 24-2. Trước đó, khi ông Trump đề xuất đổi viện trợ của Mỹ cho Ukraine để lấy 50% khoáng sản đất hiếm của Kiev, ông Zelensky nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng ký tài liệu này vì nó không bao gồm bất kỳ đảm bảo an ninh nào.
Các chuyên gia cho rằng Kiev giờ đây có ít lựa chọn hơn, và có nguy cơ bị Mỹ đặt vào tình thế “đã rồi”. “Ukraine thấy rằng Mỹ có thể sẽ quyết định số phận của Kiev, và số phận đó dường như chỉ có hai lựa chọn: khó khăn hoặc khó khăn hơn” - theo ông Steve Ganyard, đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã về hưu.
Theo ông Ganyard, phương án “khó khăn” là một thỏa thuận trong đó Ukraine nhượng quyền khai thác tài nguyên cho Mỹ để đổi lấy các đảm bảo an ninh. Phương án “khó khăn hơn” chính là Kiev buộc phải chấp nhận các nhượng bộ trong thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine do sức ép từ Washington.
Viễn cảnh trên càng dễ xảy ra khi châu Âu - bên mà Ukraine tìm kiếm sự hỗ trợ để có thêm sức mạnh trên bàn đàm phán - bị bỏ quên khỏi các thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
Mỹ gây sức ép lên Ukraine liên quan dự thảo nghị quyết lên án Nga tại LHQ
Mỹ đã yêu cầu Ukraine rút lại dự thảo nghị quyết thường niên lên án cuộc chiến của Nga và thay thế bằng một tuyên bố nhẹ nhàng hơn do Mỹ soạn thảo, tờ The Washington Post đưa tin ngày 22-2.
Theo nguồn tin của The Washington Post, động thái của Mỹ khiến Ukraine sửng sốt. Kiev sau đó từ chối rút lại dự thảo nghị quyết của mình, vốn dự kiến được công bố tại LHQ vào ngày 24-2.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 22-2 cho biết Washington “đã đề xuất một nghị quyết đơn giản, mang tính lịch sử tại LHQ, kêu gọi tất cả quốc gia thành viên ủng hộ để định hướng một lộ trình hòa bình.
“Thông qua nghị quyết này, chúng ta khẳng định rằng cuộc xung đột này là khủng khiếp, rằng LHQ có thể giúp chấm dứt nó, và rằng hòa bình là điều có thể đạt được. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đây là thời điểm để cam kết chấm dứt chiến tranh” - theo ông Rubio.
Tuy nhiên, phía Ukraine coi nghị quyết do Mỹ đề xuất là một nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm của Nga trong cuộc chiến.
Nguồn tin nói rằng đầu tiên Washington đã xem xét dự thảo nghị quyết của Ukraine và “yêu cầu chỉnh sửa”. Sau đó, Mỹ đưa ra một nghị quyết hoàn toàn mới và yêu cầu Kiev rút lại phiên bản của mình, vốn đã được thống nhất với các quốc gia đối tác khác có kế hoạch ký kết.