Các nước phối hợp trấn áp tội phạm công nghệ cao
Chiến dịch trấn áp quy mô lớn của một số quốc gia đã giải cứu hàng nghìn người khỏi các ổ lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, ít nhất 120.000 nạn nhân trên khắp Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể bị giam giữ tại các trung tâm trá hình.
Các nước phối hợp trấn áp tội phạm lừa đảo trực tuyến
Chính quyền Thái Lan đã phát động một đợt trấn áp tội phạm lừa đảo trực tuyến vào tháng 1/2025, sau vụ bắt cóc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh ngày 3/1. Nam diễn viên bị lừa đến Thái Lan với lời hứa về một công việc hấp dẫn, nhưng sau đó được phát hiện ở gần thị trấn Myawaddy của Myanmar. Sau đó, Vương Tinh được giải cứu và đã trở về nhà.
Vụ việc khiến tâm điểm chú ý đổ dồn vào các mạng lưới tội phạm bắt cóc, buôn người, lừa đảo qua mạng viễn thông ở biên giới Thái Lan - Myanmar. Nhiều năm qua, khu vực này đã trở thành nơi trú ẩn cho các tổ chức tội phạm, sử dụng ước tính hàng trăm nghìn người từ Đông Nam Á và những nơi khác bị buôn bán, ép buộc thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng. Các nhà phân tích ước tính ngành công nghiệp này có giá trị lên đến hàng tỉ USD.
Ngày 5/2, chính phủ Thái Lan đã cắt điện và mạng Internet, ngừng cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ khác như thẻ SIM, anten vệ tinh và cáp tại 5 khu vực biên giới Myanmar, những nơi được cho là tập trung nhiều trung tâm buôn người và lừa đảo trực tuyến.
“Chúng tôi đã cắt điện ở khu vực biên giới Myanmar. Họ có thể phải đối mặt với thách thức về nguồn cung điện thấp hơn, nhưng vào thời điểm này, không ai có thể đổ lỗi cho Thái Lan vì chúng tôi không muốn góp phần hỗ trợ các hành vi bất hợp pháp”.
Ông Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan.
Thái Lan lần đầu tiên phê duyệt xuất khẩu điện sang Myanmar vào năm 1992 và 1994, với nguồn điện do Cơ quan Điện lực tỉnh cung cấp. Theo thỏa thuận, Thái Lan có quyền đơn phương chấm dứt cung cấp điện nếu bên tiếp nhận vi phạm quy định mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Chính phủ Thái Lan cũng đang cân nhắc đầu tư ngân sách hơn 11 triệu USD để xây hàng rào dài 55 km, dọc theo khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia, nhằm ngăn chặn các băng nhóm lừa đảo có xu hướng chuyển từ các khu vực biên giới Myanmar sang Campuchia.
Ngày 21/2, Cảnh sát hoàng gia Thái lan cũng đã có cuộc thảo luận với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Campuchia trong việc cùng nhau hợp tác. Mục tiêu hợp tác là tìm kiếm và bắt giữ tại nhiều địa điểm có băng đảng lừa đảo hoạt động. Đồng thời, thành lập trung tâm điều phối chung giữa Thái Lan và Campuchia trong việc truy quét các băng nhóm tổng đài, giúp đỡ đưa công dân Thái Lan là nạn nhân của nạn buôn người nhanh chóng trở về với gia đình.
Myanmar cũng đã triển khai lực lượng để đột kích các ổ lừa đảo viễn thông, bắt giữ hơn 1.300 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt trong các hoạt động lừa đảo, hầu hết đều liên quan đến các hoạt động tội phạm này trong thời gian từ ngày 30/1-17/2.
Thái Lan, Myanmar cũng đã phối hợp với Lào, thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm triệt phá các băng nhóm và tội phạm có tổ chức tại khu vực Tam giác vàng, nằm ở biên giới ba nước. Đây là nơi có vị trí địa lý và tình hình chính trị phức tạp, trở thành trung tâm của nhiều hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến viễn thông hay buôn người.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm 19/2 cho biết, trong chiến dịch trấn áp quy mô lớn ở biên giới nước này, khoảng 7.000 nạn nhân đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo như Shwe Kokko và KK Park ở thành phố Myawaddy của Myanmar, nơi tiếp giáp huyện Mae Sot, tỉnh Tak của Thái Lan.
Cuối tháng 1/2025, Trung Quốc đã cử các nhóm công tác tới Thái Lan và Myanmar để tăng cường hợp tác chống tội phạm. Một trung tâm điều phối Thái Lan - Trung Quốc đã được thành lập tại Bangkok, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2025. Trung Quốc dự kiến thành lập một trung tâm khác ở Mae Sot, Thái Lan.
Ngày 17/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết, nước này sẽ thúc đẩy nỗ lực triệt phá các hoạt động tội phạm xuyên biên giới, cờ bạc trực tuyến và lừa đảo qua mạng viễn thông.
“Chuỗi cờ bạc trực tuyến, gian lận viễn thông và các vụ án nghiêm trọng khác dọc biên giới Thái Lan - Myanmar gần đây đã đe dọa sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân từ các quốc gia liên quan, bao gồm cả Trung Quốc và Thái Lan, đồng thời làm gián đoạn trao đổi và hợp tác bình thường giữa các quốc gia trong khu vực. Việc trấn áp tội phạm cờ bạc trực tuyến và lừa đảo qua mạng viễn thông là một minh chứng rõ ràng về cách chúng tôi thực hiện triết lý 'lấy con người làm trung tâm', một lựa chọn bắt buộc để bảo vệ lợi ích chung của các nước trong khu vực và là điều mà mọi người trên toàn thế giới mong muốn”.
Ông Quách Gia Côn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngày 20/2, ông Quách Gia Côn tiếp tục khẳng định, Trung Quốc đang tích cực tham gia hợp tác song phương và đa phương với Thái Lan, Myanmar và các nước khác để ngăn chặn các hoạt động tội phạm. Trung Quốc và Thái Lan cũng đã đồng ý thành lập một trung tâm điều phối để cùng trấn áp các băng nhóm gian lận chuyển tuyến.
“Trung Quốc đang hợp tác với Thái Lan, Myanmar và các nước khác để tích cực tiến hành hợp tác song phương và đa phương, áp dụng toàn diện một loạt chính sách, giải quyết cả triệu chứng và nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, đồng thời ngăn chặn những kẻ vi phạm pháp luật vượt biên giới để phạm tội, trong nỗ lực chấm dứt tai họa cờ bạc trực tuyến và gian lận viễn thông nhằm bảo vệ sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cũng như duy trì trật tự trong trao đổi và hợp tác giữa các nước trong khu vực”.
Ông Quách Gia Côn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bình luận này được đưa ra sau khi một nhóm gồm 50 công dân Trung Quốc được đưa khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến và viễn thông ở Myanmar, đã rời Sân bay Quốc tế Mae Sot ở Thái Lan để đáp chuyến bay về nước.
Chiến dịch trấn áp tội phạm bước đầu đạt kết quả
Hợp tác đa phương giữa Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc trong trấn áp tội phạm lừa đảo qua mạng và buôn người đã đem lại những kết quả ban đầu. Nhiều nhóm người làm việc cho các tổ chức tội phạm này đã được giải cứu và hồi hương. Thống kê của lực lượng cảnh sát công nghệ Thái Lan cho thấy, số lượng các vụ án liên quan đến hình thức lừa đảo này đã giảm rõ rệt trong hai tháng vừa qua.
Ngày 20/2, một nhóm gồm 200 công dân Trung Quốc bị nghi ngờ liên quan đến lừa đảo đã được đưa trở về Trung Quốc. Những người này được tiếp nhận từ Myanmar, sau đó được đưa đến thị trấn Mae Sot của Thái Lan dưới sự hộ tống của cảnh sát Trung Quốc vào hôm 20/2. Sau khi làm các thủ tục xuất nhập cảnh, họ được chia thành từng nhóm 50 người để về nước trên một số chuyến bay tới sân bay ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh miền đông Giang Tô.
Điều tra sơ bộ cho thấy, hầu hết những công dân Trung Quốc này là nạn nhân của nạn buôn người và bị ép tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo viễn thông và đánh bạc trực tuyến.
Phía Trung Quốc cho biết đã sắp xếp 16 chuyến bay trong những ngày tới để đưa 600 công dân của nước này hồi hương từ huyện Mae Sot. Như vậy, sẽ có tổng cộng 800 người Trung Quốc được hồi hương.
Theo tuyên bố của Bộ Công an Trung Quốc, việc hồi hương này đánh dấu một thành tựu quan trọng trong hợp tác thực thi pháp luật giữa Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan.
Tuần trước, Myanmar cũng đã bàn giao 260 nạn nhân từ hàng chục quốc gia như Philippines, Ethiopia, Brazil và Nepal cho phía Thái Lan để hỗ trợ các nạn nhân hồi hương.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm thứ Tư (19/2) cho biết, khoảng 7.000 người được giải cứu khỏi các tổ hợp lừa đảo ở Myanmar và sẽ được đưa tới Thái Lan.
Ký ức kinh hoàng của những nạn nhân lừa đảo trực tuyến
Theo Liên Hợp Quốc, trong nhiều năm qua, các băng nhóm tội phạm đã buôn bán hàng trăm nghìn người để lừa đảo trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả dọc biên giới Thái Lan và Myanmar, nơi nạn nhân bị buộc phải làm việc trong các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, ít nhất 120.000 nạn nhân trên khắp Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể bị giam giữ tại các trung tâm trá hình. Nhiều nạn nhân bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn sai sự thật về công việc hấp dẫn, rồi sau đó bị ép buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến và bị đối xử như nô lệ.
Bên trong một doanh trại quân đội Thái Lan, bốn người đàn ông Ethiopia, với những vết bầm tím và vết sẹo trên cơ thể, kể lại rằng họ đã phải chịu hành hạ trong thời gian ở Myawaddy, bang Kayin, một trong những tổ hợp lừa đảo khét tiếng nhất Myanmar. Họ là nạn nhân của nạn buôn người, được đưa từ Myanmar đến Thái Lan vào tuần trước, khi một cuộc trấn áp đa quốc gia nhằm vào các trung tâm lừa đảo dọc biên giới giữa hai nước được đẩy mạnh. Trong nhóm này có các công dân đến từ khoảng 20 quốc gia, trong đó bao gồm 138 người Ethiopia
Anh Yotor, 19 tuổi, người được giải cứu khỏi khu vực Myawaddy và hiện đang trú ẩn tại đây cho biết, anh bị dụ dỗ sang Thái Lan để làm việc ở Thủ đô Bangkok nhưng sau đó bị đưa sang Myanmar. Anh không thể quên những kí ức kinh hoàng trong những ngày qua, khi bị nhốt trong phòng kín và bị đánh đập.
“Tôi bị phạt rất nhiều, bị đánh, bị chích điện hàng ngày. Chúng tôi phải làm việc suốt 18 giờ mà không có lương. Họ cũng không cho phép chúng tôi liên lạc với gia đình”.
Anh Yotor - Nạn nhân của tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Giống như Yotor, anh Faysal đến từ Bangladesh cũng là một trong số các nạn nhân.
“Khi tôi được đưa tới trại, tôi đã hiểu đây không phải là nơi thích hợp. Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều vệ sĩ đến vậy? Và tôi đã hỏi một trong những đồng nghiệp ở đây là có chuyện gì xảy ra. Anh ấy kể cho tôi nghe về những cú đấm, những lần bị điện giật. Tôi không muốn làm việc, tôi muốn về nước”.
Anh Faysal - Nạn nhân người Bangladesh.
Những nhân chứng này là minh chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là vấn nạn buôn người thông qua các chiêu trò trên mạng như lừa đảo tình cảm, dụ dỗ sang nước ngoài làm việc. Nạn nhân của các vụ lừa đảo hầu hết đều có trình độ học vấn cao, đôi khi thuộc các ngành nghề tự do hoặc có trình độ máy tính và biết nhiều ngôn ngữ. Do nhẹ dạ và muốn tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”, họ mắc bẫy những kẻ lừa đảo.
Khi bị đưa tới Myanmar, các đối tượng này thường bị ép buộc sử dụng các hình thức lừa đảo phổ biến như hẹn hò trực tuyến, tạo hồ sơ giả trên mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để làm quen, sau đó dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài và bắt cóc. Một hình thức khác là thông báo trúng thưởng hoặc du lịch giá rẻ bằng gửi tin nhắn, email hoặc dùng mạng xã hội.
Các hoạt động lừa đảo liên quan đến đầu tư giả mạo, cờ bạc, lừa đảo trực tuyến và buôn người đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho người dân và nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Các nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn gặp phải những tổn thất nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, tài chính và cuộc sống. Các chiến dịch giải cứu, trấn áp tội phạm đã cho thấy một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để cùng giải quyết vấn đề.