CNN: Sau ba năm xung đột ở Ukraine, châu Âu đối mặt vực thẳm

Cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ tư, kéo theo những biến động sâu rộng không chỉ đối với Kiev mà còn cho toàn bộ châu Âu, báo Mỹ CNN phân tích.

CNN nhận định ông Trump đang ngày càng xích lại gần hơn với ông Putin. Ảnh: Reuters.

Ba năm xung đột và trật tự an ninh đảo lộn

Theo CNN, những gì từng là quy luật bất di bất dịch của an ninh khu vực giờ đây đang bị đặt dấu hỏi. Nga, từ một siêu cường quân sự, đã chịu ảnh hưởng đáng kể do giao tranh kéo dài. Các loại vũ khí mới như máy bay không người lái (UAV) đã làm thay đổi các phương thức tác chiến trong chiến tranh, khiến các vũ khí vốn được sử dụng đại trà như xe tăng bị suy giảm vai trò.

Ở chiều ngược lại, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine cũng đã thay đổi đáng kể. Washington không còn đóng vai trò là một nhà bảo trợ mà thay vào đó là một đối tác tính toán lợi ích thực dụng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn còn nắm quyền, nhưng ông đang phải đối diện với một thực tế. Đó là Kiev không còn nhận được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Washington như trước, dẫn đến cục diện xung đột có thể thay đổi nhanh chóng.

Thế khó của châu Âu

Theo CNN, một trong những dấu hiệu đáng lo ngại nhất đối với châu Âu đến từ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth tại Brussels (Bỉ). Ông Hegseth nói Washington “không còn bảo đảm an ninh toàn diện cho châu Âu nữa”. Dù đây có thể chỉ là một cách gây áp lực để buộc châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng dường như các quốc gia châu Âu đang tỏ ra bối rối vì “không thể đánh cược an ninh quốc gia một khi Mỹ không còn cam kết chắc chắn”.

Theo CNN, Điện Kremlin đang theo dõi sát sao những sự thay đổi này và sẽ tìm cách tận dụng sự rạn nứt trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. “Chỉ với một câu nói, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã biến một cuộc chiến mà Moscow được cho là gặp khó khăn thành một trật tự an ninh hỗn loạn, nơi Nga có thể tìm cách vươn tầm ảnh hưởng về phía tây”, CNN nhận định.

Trước những biến động đó, Liên minh châu Âu (EU) đang buộc phải tự tái định hình vai trò của mình. Trưởng đại diện ngoại giao EU, bà Kaja Kallas, nói với CNN: “Việc vội vàng tiến tới một thỏa thuận hòa bình chỉ càng khuyến khích các quốc gia trên thế giới tìm cách làm điều tương tự”.

Binh sĩ Ukraine chiến đấu trong xung đột. Ảnh: Reuters.

Bà nhấn mạnh NATO là “sự bảo đảm an ninh mạnh mẽ và rẻ nhất” và khẳng định “viện trợ Ukraine không phải là hành động từ thiện, mà là khoản đầu tư vào an ninh của châu lục”.

Thực địa chiến sự: Ukraine bi quan

Dù các cuộc tranh luận ngoại giao diễn ra căng thẳng, thực tế trên chiến trường Ukraine vẫn khốc liệt. Một chỉ huy Ukraine đang chiến đấu ở khu vực Kursk (Nga) chia sẻ với CNN rằng đơn vị liên tục phải đào các vị trí phòng thủ mới trên nền đất đóng băng vì UAV Nga liên tục tập kích. “Tôi không tin vào một kết thúc nhanh chóng hay thậm chí là một nền hòa bình thực sự,” ông nói. “Tôi đã kiệt sức, tất cả mọi người ở đây đều vậy. Những tuyên bố chính trị không thay đổi được thực tế của chúng tôi”.

Tướng Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, nói với CNN rằng tinh thần chiến đấu vẫn cao, nhưng các binh sĩ ngoài tiền tuyến không hề lạc quan. Một sĩ quan tình báo đóng quân tại thị trấn gần chiến tuyến bày tỏ sự thất vọng trước những phát biểu của ông Trump về “kế hoạch hòa bình”. “Chúng tôi đều cảm thấy bị phản bội kể từ khi ông Trump bắt đầu nói về các kế hoạch đó”, sĩ quan Ukraine chia sẻ.

Chỉ huy Oleksandr Nastenko thuộc lữ đoàn số 475 của quân đội Ukraine cho biết, những cuộc thảo luận về hòa bình đã ảnh hưởng đến công tác tuyển quân. “Nhiều người giờ đây nghĩ rằng ‘có lẽ chiến tranh sẽ kết thúc trong một hoặc hai tháng nữa, tôi sẽ chờ xem sao’”. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng Ukraine sụp đổ trong vòng 6 tháng nếu không có viện trợ của Mỹ. “Chúng tôi sẽ tự xoay xở được, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, chỉ huy Nastenko nói.

Sự thay đổi lập trường gây lo ngại

Châu Âu muốn ủng hộ Ukraine nhưng Mỹ lại quay lưng. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất là sự thay đổi thái độ của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hegseth đã trao cho Moscow một lợi thế chiến lược lớn khi đề xuất Ukraine không thể gia nhập NATO và không có cách nào giành lại được các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

CNN nhận định, “cách Nhà Trắng phác họa câu chuyện về cuộc xung đột là một phần trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình với Nga bằng mọi giá”. Trước đây, Nga vốn bị xem là yếu thế trước sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây, nay đã lấy lại sự chủ động.

“Thật khó tin khi lập trường của ông Trump đang hoàn toàn trùng khớp với Nga”, CNN bình luận.

Châu Âu trong tình thế tiến thoái lưỡng nan

Một trong những nghịch lý lớn nhất của cuộc xung đột là sự chia rẽ ngày càng rõ giữa Mỹ và châu Âu. Trong ba năm qua, phương Tây gần như đồng thuận trong việc phản đối Nga, nhưng giờ đây, khi Washington ngày càng rời xa, châu Âu buộc phải suy tính lại chiến lược.

CNN cho rằng việc Mỹ tin Nga có thể là một đồng minh tiềm năng, trong khi lại coi các đồng minh châu Âu giống như “những kẻ ăn bám”, là một sai lầm.

CNN nhận định mối quan hệ đầy căng thẳng giữa ông Zelensky và ông Trump có thể trở thành trở ngại cho mọi nỗ lực ngoại giao. Trong bài phát biểu gần đây, Zelensky nói ông sẵn sàng từ chức nếu điều đó mang lại hòa bình cho Ukraine.

Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay đối với châu Âu là liệu châu lục có thể tự bảo vệ nếu Mỹ rút khỏi vai trò lãnh đạo? CNN cảnh báo rằng một thỏa thuận hòa bình yếu kém có thể dẫn đến một kịch bản tồi tệ. Đó là viễn cảnh Nga tái vũ trang và quay lại tấn công Ukraine.

“Châu Âu có lẽ cần phải sẵn sàng vì ông Trump đang ngày càng xích lại gần hơn với ông Putin”, CNN kết luận.

Đăng Nguyễn - CNN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cnn-sau-ba-nam-xung-dot-o-ukraine-chau-au-doi-mat-vuc-tham-204252402185102813.htm