'Ba người vượt ngục Guyane': Cuốn sách có nhiều giá trị

Là một bạn đọc, tôi nhận thấy Ba người vượt ngục Guyane của tác giả Đỗ Thái Bình thực sự là một cuốn sách có nhiều giá trị, rất nên được phổ biến rộng rãi.

Ba người vượt ngục Guyane của tác giả Đỗ Thái Bình dày 505 trang khổ 17x25, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2025.

GS.TS Nguyễn Chí Bền (bên phải) chúc mừng tác giả Đỗ Thái Bình tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách. (Ảnh: TGCC)

GS.TS Nguyễn Chí Bền (bên phải) chúc mừng tác giả Đỗ Thái Bình tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách. (Ảnh: TGCC)

Đọc từng trang của cuốn sách này, tôi thực sự kính trọng tác giả khi viết về một trong ba người vượt ngục là ông nội mình - ông Đỗ Văn Phong. Các con, các cháu viết về những người thân của mình, theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam rất đáng trân trọng.

Khiêm tốn đặt chữ tư liệu dưới tên tác phẩm, tôi nghĩ rằng Ba người vượt ngục Guyane đã vượt lên giới hạn nội hàm của hai chữ tư liệu.

Tôi thực sự khâm phục nguồn tư liệu lớn và rộng, bao quát được tác giả tạo ra từ hai nguồn: điền dã và tiếp cận thư tịch.

Là một người ít nhiều quen với công việc điền dã tại địa bàn Tây Nam Bộ, tôi kính nể sự cẩn thận khi đi điền dã của tác giả tại Guyane cùng cháu Dương Đỗ Quyên được ghi lại trong chương 3 - Địa ngục xanh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhận xét về công việc điền dã của tác giả trong Lời giới thiệu sách: “dày công tốn sức, tốn tiền của và thời gian để lặn lội tới tận Guyane xa tít mù tắp tận bên kia Nam bán cầu, cũng như những cuộc du thám trên vùng đất xa lạ, gặp gỡ những nhân chứng lần đầu được gặp…”.

Cùng với công việc điền dã được thực hiện khoa học, việc tiếp cận thư tịch của tác giả cũng được tiến hành một cách cẩn trọng, chi tiết. Có những tư liệu mà tôi lần đầu được biết đến, chẳng hạn như câu chuyện người tù Lê Đình Ái chép truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1820-1888) và Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du (1766-1820).

Vì thế, có thể khẳng định cuốn sách là một kho tư liệu đa dạng, phong phú và giàu có về một giai đoạn của lịch sử Việt Nam. Với nguồn tư liệu ấy, tác giả Đỗ Thanh Bình đã cấu trúc tác phẩm của mình thành 7 chương với 5 phụ lục. Các hình ảnh minh họa trong cuốn sách được lựa chọn cẩn thận và bố trí khoa học theo chính văn.

Đặc biệt, cuốn sách còn có phụ lục IV (Chú giải) và Chỉ mục ( Index) - hai mục ít tác giả hiện nay chú ý đến khi làm sách; các mục Lời giới thiệu, Lời nói đầu, Lời cảm tạ Tóm tắt đều được in kèm bản tiếng Anh.

Tôi rất đồng tình với những nhận định của tác giả người Pháp Oliver Delesalle được in tại bìa 4 cuốn sách, trong đó có đoạn: “Trước khi viết bài nghiên cứu này, anh đã thăm tỉnh Guyane, đọc nhiều sách về lịch sử tỉnh này và nhiều sử liệu trong các trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam và Pháp.

Cuốn sách Ba người vượt ngục Guyane không chỉ là một bài nghiên cứu đầy đủ về các nhà tù thuộc địa Guyane mà còn là một nguồn xuất sắc để biết rõ hơn về các người Đông Dương (hầu hết là người Việt Nam) bị thực dân Pháp đày sang Guyane thế kỷ XIX và XX.

Tôi học thêm rất nhiều thông tin mới về các phạm nhân ở Guyane nói chung, về người Việt Nam nói riêng… Tôi chắc chắn nhiều người Việt Nam hiện nay sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam sau khi đọc cuốn sách này”

Ba người vượt ngục Guyane kể lại câu chuyện của 3 chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu và Đỗ Văn Phong từ khi bị tòa án thực dân Pháp kết án khổ sai, lưu đày sang nhà lao ở Guyane (vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ), nhưng vẫn giữ trong mình ý chí sống để rồi bắt đầu hành trình vượt ngục trở về quê hương.

Cuốn sách còn đặc biệt khi đưa ra danh sách chi tiết những tù nhân Việt Nam từng bị lưu đày ở Guyane, được chú giải đầy đủ họ tên, số tù, năm tuyên án, tên con tàu áp giải và các trại giam mà họ từng bị giam giữ. Đây là nguồn tư liệu vô giá đối với người làm sử và độc giả quan tâm đến lịch sử đầu thế kỷ XX.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình là một nhà nghiên cứu về hàng hải, từng viết và chuyển ngữ nhiều sách, công trình về hàng hải, tàu thuyền. Ông là cháu nội của nhà nho Đỗ Văn Phong, một trong 3 chí sĩ hoạt động yêu nước nêu trên và cũng là người sáng lập thương hiệu Nhà xuất bản Mai Lĩnh nổi tiếng.

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (này là Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam)

GS.TS Nguyễn Chí Bền*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-nguoi-vuot-nguc-guyane-cuon-sach-co-nhieu-gia-tri-321248.html