Ba nguyên nhân chính dẫn tới mất an toàn thực phẩm

Theo cơ quan chức năng, nhiều nguyên nhân dẫn tới mất an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó có 3 nguyên nhân chính.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một vụ thực phẩm bẩn tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một vụ thực phẩm bẩn tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam.

Nguyên nhân thứ nhất đến từ nhà sản xuất - kinh doanh, vì lợi nhuận mà quên mất đạo đức kinh doanh. Họ cố tình tạo ra sản phẩm không an toàn: ví dụ sử dụng hóa chất phẩm màu ngoài danh mục quy định của bộ y tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm như melamine, Rhodamine B, Formon, hàn the... Hoặc do điều kiện chủ quan của người sản xuất trong việc lạm dụng hóa chất trừ sâu diệt cỏ trong sản xuất, bảo quản, lưu thông hàng hóa. Những sản phẩm này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, trước mắt là ngộ độc cấp và lâu dài gây ra nhiều bệnh mãn tính.

Nguyên nhân thứ hai là từ phía nhà quản lý, khi buông lỏng, làm ngơ và cả sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ khiến cho việc sản xuất kinh doanh thực phẩm khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh và việc khả năng phát hiện tình trạng mất ATTP yếu kém. Hầu hết các vụ việc chỉ được phát hiện, xử lý khi đã xảy ra.

Nguyên nhân thứ ba là từ chính người tiêu dùng, khi đã quá dễ dãi trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống cho mình. Gọi là tự chuốc họa vào thân. Tâm lý mê rẻ, thói quen nhìn bề ngoài bắt mắt làm cho người người bỏ qua chất lượng của sản phẩm.

Trong số 3 nguyên nhân kể trên, nhiều ý kiến cho rằng đặc biệt quan trọng là cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý; xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Khoa học kĩ thuật phát triển, cần phải được áp dụng để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khỏe con người. Điều đó cũng phải được đưa vào quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở để phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất ATTP.

Hàng năm, đều có Tháng hành động vì ATTP. Tuy nhiên, không thể chỉ tăng cường trong thời gian đó theo kiểu phong trào, mà các cơ quan chức năng phải tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP thường xuyên, tất cả các thời điểm trong năm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, kiểm nghiệm là một trong ba yếu tố nền tảng của hệ thống quản lý ATTP, cung cấp bằng chứng về các mối nguy an toàn thực phẩm. Đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm có ý nghĩa quan trọng và cần được thực hiện tốt ở tất cả các bước của quá trình kiểm nghiệm. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm có thể xuất hiện tại mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm

ATTP là mối lo của mọi người, mọi nhà. Cần ngăn chặn các hành động tiếp tay cho thực phẩm bẩn.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định khác về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm.

Nghị định số 115/2018 ngày 14/5/2018 của Chính phủ và Nghị định số 117/2020 ngày 28/9/2020 của Chính phủ đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định khác về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm từ 1 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia hoặc có chỉ tiêu an toàn không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền. Cũng có thể bị phạt tiền tối đa ở mức 100 triệu đồng cùng đó là các hình thức xử phạt bổ sung, trong đó có việc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm vi phạm.

Đáng chú ý, tội vi phạm quy định về ATTP theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), quy định tới 4 khung hình phạt (từng bước vi phạm tăng nặng). Khung 1, bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khung 2, bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (làm chết người). Khung 3, bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (làm chết 2 người). Khung 4, bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm (làm chết 3 người trở lên).

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ba-nguyen-nhan-chinh-dan-toi-mat-an-toan-thuc-pham-10268015.html