Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ hơn 43 tỷ đồng trong vụ AIC
Bộ Công an cho rằng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đưa hối lộ tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để Công ty AIC được trúng thầu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AIC, đang bị truy nã) cùng 35 bị can khác trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận điều tra, Công ty AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải, chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế.
Với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và Chủ tịch tỉnh này Đinh Quốc Thái. Mục đích để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Năm 2003, bà Nhàn đặt mối quan hệ với ông Thành (khi đó là Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). 4 năm sau đó, khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bệnh viện trên, bà Nhàn nhờ ông Thành mời lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở ngành đến ăn trưa.
Tại bữa ăn đó, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn dẫn theo cấp dưới là phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga đến làm quen. Sau lần đó, bà Nhàn và Nga nhiều lần gặp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu.
Khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh mục thiết bị y tế và các kế hoạch đấu thầu, bà Nhàn đã chỉ đạo thuộc cấp thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến. Sau khi chuẩn bị xong thủ tục, ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, là đại diện chủ đầu tư) ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được AIC thông đồng với đơn vị thẩm định nâng giá, sử dụng làm căn cứ phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Sau những động thái trên, Công ty AIC đã trúng toàn bộ 16 gói thầu trị giá gần 700 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng sau phi vụ này, phía AIC đã thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 150 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, quá trình tham gia rồi trúng thầu, bà Nhàn đã trực tiếp đưa tiền và chỉ đạo Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho ông Trần Đình Thành tổng số tiền 14,5 tỷ đồng, đưa cho ông Đinh Quốc Thái tổng số tiền 14,5 tỷ đồng.
Có lần, ông Thành đi công tác tại Hà Nội rồi đến trụ sở Công ty AIC gặp bà Nhàn. Hôm đó, bà Nhàn nói: "Em có 5 tỷ đồng gửi anh". Ông Thành từ chối song bà Nhàn nói: "Anh cứ yên tâm, đây là tiền riêng của cá nhân em biếu cho anh để chi tiêu, không phải sử dụng tiền của công ty vì sử dụng tiền của công ty phải báo cáo công khai với các cổ đông rất phiền phức và rách việc".
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định bà Nhàn đã đưa đưa cho ông Phan Huy Anh Vũ tổng số tiền 14,8 tỷ đồng vì ông này đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu. Thông qua những lần đưa tiền cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhà chức trách cho rằng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã đưa hối lộ hơn 43 tỷ đồng.
Trong vụ án, bà Nhàn bỏ trốn, nên Bộ Công an thấy cần xử lý nghiêm khắc. Ngày 11/11, Bộ Công an đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.