Bà Nguyễn Thị Thành Thực, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri: Gieo 'hạt giống' chuyển đổi số cho nông nghiệp

Hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thành Thực tự nhận mình là 'thương lái', nhưng nếu nhìn vào những gì bà đã làm được, hai chữ này quả là một danh xưng quá khiêm tốn.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri

U60 vẫn quyết tâm khởi nghiệp công nghệ

Sau nhiều lần lỡ hẹn, phóng viên Báo Đầu tư mới có cơ hội trò chuyện cùng doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri. Lúc thì bà đang rong ruổi trên những trang trại cà phê ở Tây Nguyên, lúc lại bận rộn trong vai trò ban giám khảo của một cuộc thi về khởi nghiệp dành cho phụ nữ trên sóng truyền hình.

“Tôi rất lo đến một ngày những gì tôi tích lũy được sẽ theo tôi ra đi, không để lại trên cuộc đời. Vậy nên, tôi luôn sẵn lòng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm tôi có cho mọi người”, vị doanh nhân sinh năm 1967 bày tỏ.

Với tinh thần chia sẻ ấy, năm 2021, bà Thực đứng ra thành lập công ty phần mềm AutoAgri, tập trung vào hoạt động truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Tự nhận mình là “trang giấy trắng” về công nghệ, bà chủ trương xây dựng phần mềm AutoAgri thật đơn giản, dễ sử dụng. Theo đó, nông dân không biết chữ cũng cập nhật được nhật ký điện tử về ngày gieo hạt, ngày bón phân…; người quản lý vùng trồng dù ở xa vẫn theo dõi được nhật ký điện tử một cách minh bạch.

Bà Thực cho biết, bà xây dựng AutoAgri vì lòng tự tôn dân tộc, chứ không nặng về đầu tư hay kinh doanh. Sau nhiều năm buôn bán nông sản với phía Trung Quốc, đến một ngày, họ yêu cầu bà đưa phần mềm truy xuất nguồn gốc vào các sản phẩm nông sản Việt Nam. “Nếu Việt Nam không có phần mềm nào làm được, chắc chắn phải dùng phần mềm Trung Quốc”, bà nói.

Thời điểm đó trùng với đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói với bà: “Dịch bệnh thế này thì vùng vải thiều Bắc Giang phải làm thế nào? Hãy làm gì đó để giúp bà con bán hàng đi!”.

Vậy là chỉ trong vòng 3 tháng, bằng cách kết hợp với nhóm kỹ sư công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Thực xây dựng thành công phần mềm thuần Việt với tên gọi AutoAgri, đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc. Bà giữ vai trò then chốt, định hình ý tưởng và nêu ra các yêu cầu với phần mềm, còn đội ngũ kỹ sư giúp bà “xây” ý tưởng ấy thành hiện thực.

Trong một tuần, nhóm đã thành công đưa toàn bộ mã số vùng trồng vải thiều của nông dân Bắc Giang lên phần mềm AutoAgri. Họ liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh và sự tích cực bảo vệ vùng trồng vải thiều của chính quyền, nhân dân Bắc Giang lên các trang thông tin của Trung Quốc và Việt Nam.

Mùa vải năm 2021, chỉ có 4 thương lái Trung Quốc sang thu mua, thay vì 400 người như những vụ trước, nhưng Bắc Giang vẫn có một vụ vải thành công ngoài sự mong đợi. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng, tương đương doanh thu năm 2020. Giá vải thiều vẫn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.

Từ thành công của tỉnh Bắc Giang, phần mềm AutoAgri dần được mở rộng ra các khu vực khác trong cả nước và nâng cấp thêm nhiều tính năng, tích hợp trí tuệ nhân tạo (Al) và nhóm chat. Đến nay, phần mềm này đã được triển khai trên 25 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 tài khoản và hơn 80.000 nhật ký điện tử.

Bà Thực cũng đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng một phiên bản phần mềm tương tự AutoAgri cho nước bạn Lào. Đây là cách để hỗ trợ ngành nông nghiệp Lào chuẩn hóa hoạt động truy xuất, giải quyết vấn đề xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nông nghiệp tại Lào.

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp AutoAgri, bà Thực nhận ra rằng, một phần mềm nông nghiệp thành công là một phần mềm đi vào cuộc sống. Thực tế, trước khi tự làm AutoAgri, nữ doanh nhân đã hợp tác với một vài công ty công nghệ, để đặt hàng họ thiết kế phần mềm. Nhưng sau 3-4 lần hợp tác, tốn một “mớ tiền”, nhưng thứ bà nhận về chỉ các sản phẩm không phù hợp, hoặc quá phức tạp, hoặc không sát với yêu cầu của ngành nông nghiệp.

“Đừng phức tạp hóa vấn đề, phần mềm chỉ cần đơn giản, đảm bảo yêu cầu truy suất nguồn gốc để nông sản xuất được sang Trung Quốc là ổn”, bà Thực chia sẻ.

“Lời nguyền” trả nợ ngành nông nghiệp

Sinh ra tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trưởng thành trong giai đoạn đất nước còn nhiều khốn khó, nhưng bà Thực luôn tự thấy đó là sự may mắn. Ngay từ lúc nhỏ, bà đã được mẹ mình - một người nông dân và cha mình - một nhà giáo ưu tú, truyền dạy tất cả những kỹ năng làm nông cơ bản.

Việc tận dụng và phát triển giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Việt Nam sẽ giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Mong muốn lớn nhất của tôi là quốc tế hóa ẩm thực Việt Nam, vì ẩm thực là cầu nối để thế giới biết đến nông nghiệp Việt Nam.

- Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực

Bà từng học trung cấp và làm cán bộ tín dụng ngân hàng, trước khi quyết định bứt ra để tự kinh doanh trong ngành nông nghiệp. “Lúc đó, tôi nghĩ, cơ hội ngoài kia nhiều, nhưng mình yên ổn ngồi ở đây để gia đình mình vẫn nghèo đói. Điều đó khiến tôi đau đáu chuyện phải bứt phá, phải đi lên phát triển từ nông nghiệp. Chính những kiến thức từ ngành ngân hàng đã giúp tôi áp dụng thành công vào kinh doanh”, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ con đường khởi nghiệp từ nông sản Việt của mình.

Những năm 1995-1997, khi Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh giao lưu thương mại, bà Thực thuộc lớp người tiên phong đưa nông sản hai nước tiếp cận lẫn nhau. Bà từng bán 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên, từng mua cả một nông trường cam của Trung Quốc những năm 2000, tham gia đầu tư vào ngành trồng trọt trong sâu nội địa Trung Quốc, từ Nội Mông đến Sơn Đông...

Nhờ hoạt động buôn bán nông sản, gia đình bà Thực đã thoát nghèo. Và cũng từ đó, bà tự đặt ra một “lời nguyền” cho bản thân rằng, “trong phần đời còn lại, nếu có thể làm được gì đó cho nông nghiệp Việt Nam thì vẫn làm - đấy là một cách trả món nợ ân tình với ngành nông nghiệp”.

Sau thời gian đi nhiều, thấy nhiều, bà nhận ra, Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp. Thế giới đang đề cao xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, trong khi vài chục năm trước, người Việt đã quen thuộc với hình thức này. Vấn đề đặt ra là làm sao khơi dậy lại truyền thống canh tác thuận tự nhiên, không lạm dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực sở hữu tiềm năng lớn để Việt Nam có thể quốc tế hóa và xây dựng thương hiệu. Thay vì nhắc đến nông nghiệp Việt Nam như một ngành sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm thô là chủ yếu, bà luôn đau đau với vấn đề “quốc tế hóa” ẩm thực, dùng ẩm thực làm cầu nối để thế giới biết đến nông nghiệp Việt Nam.

Giai đoạn vừa qua, vị doanh nhân say mê nghiên cứu một hành trình mới. Bằng cách sử dụng công nghệ sấy thăng hoa, bà thử nghiệm sấy một số nông sản tiêu biểu của Việt Nam như xoài cát, sầu riêng, bơ..., giúp nông sản lưu giữ gần như trọn vẹn màu sắc, hương vị mà không cần bảo quản phức tạp hay dùng đến hóa chất.

Cốt phở từ “xương thật, thịt thật” đã ra đời từ đó. Dựa trên kỹ thuật nấu cao cổ truyền của người Việt Nam, cùng với nguồn nguyên liệu đầu vào là xương heo, bò, gà và các thảo dược bản địa, nữ doanh nhân đã tạo ra viên cốt dinh dưỡng với thời gian bảo quản đến 2 năm, dễ dàng hòa tan dù nước nóng hay lạnh.

“Australia là một trong những nước chúng tôi đã lựa chọn để sản xuất viên cốt phở Việt Nam, sẵn sàng đưa hương vị phở chuẩn Việt đến các quốc gia giàu có trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nhấn mạnh.

Ở độ tuổi gần 60, vị doanh nhân vẫn tràn đầy nhiệt huyết với ngành nông nghiệp. Bà thành lập thương hiệu Mimosa Coffee và đích thân đi đến tận các vườn cà phê khu vực Tây Nguyên để lựa chọn nguồn cà phê chuẩn đặc sản. Tại quê nhà Bắc Giang, bà cũng khai trương Mimosa Palace, mô hình “2 trong 1” vừa là trung tâm tổ chức sự kiện, nhà hàng, tiệc cưới, vừa đào tào nghề theo hướng song bằng cho học sinh trung học phổ thông.

Cùng với ẩm thực, du lịch được bà Thực xem là đường dẫn để thế giới biết đến nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Bằng cách thành lập trung tâm đào tạo nghề, bà mong muốn trang bị cho những người trẻ tại vùng quê kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tham gia lĩnh vực ẩm thực, du lịch.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ba-nguyen-thi-thanh-thuc-ceo-cong-ty-co-phan-cong-nghe-phan-mem-autoagri-gieo-hat-giong-chuyen-doi-so-cho-nong-nghiep-d242660.html