Bà nội 70 tuổi thay bố mẹ chăm cháu như con
Ở tuổi 70, bà Mai Thị Xuân (quê Nam Định) thay con chăm cháu ở bệnh viện. Đôi lúc cũng thấy buồn tủi nhưng bà vẫn không ngừng hy vọng bé Mai Thư, cháu của bà, sẽ sớm có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Mai Thư sinh năm 2017, khi sinh ra em khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng càng về sau, tiếng khóc của bé bị ngạt dần, có lần gia đình phải cho đi cấp cứu. Sau khi về nhà, bé vẫn ăn ngủ bình thường, 7 tháng biết lẫy. Điều không ai nghĩ tới đó là càng lớn, chân của bé càng cứng lại, không vận động được. Gia đình mang con đi khám thì nhận được tin: Bé bị bệnh về não.
Bà Xuân kể lại, Mai Thư là cháu nội đầu tiên của bà. Bà có hai cháu ngoại nữa, đứa nào cũng đến tay bà chăm bẵm nhưng Mai Thư là trường hợp đặc biệt, khiến bà phải dành trọn tâm huyết cho cháu mình. "Mẹ cháu ở Nam Định nhưng bố cháu thì làm trong Quảng Ngãi. Nhà neo người, tôi phải giúp bố mẹ cháu chăm cháu. Dù tuổi già sức yếu, cũng chẳng thiếu gì bệnh trong người nhưng thấy cháu như vậy tôi cầm lòng không được. Cứ thế bà tha cháu đi khám hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia, chỉ mong cháu được khỏe mạnh trở lại, có cuộc sống bình thường", bà Xuân tâm sự.
Gần 3 năm trôi qua, dù đã "vái tứ phương" từ việc chữa trị Đông y, Tây y rồi kết hợp cả hai phương pháp, Mai Thư mới vin tường đi được, chưa biết nói. Cuộc sống của hai bà cháu hầu như ở bệnh viện. Bao vất vả lo toan, những đêm thức trắng chăm cháu khiến mắt bà mờ đi...
Bà Xuân kể, hồi Mai Thư đi viện được 2 tháng thì mẹ cháu có bầu bé thứ hai. Kể từ đó, bà càng tập trung chăm cháu, đôi khi cũng thương cháu không có mẹ bên cạnh. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, bà không biết làm thế nào ngoài việc cố gắng chăm sóc, bù đắp yêu thương cho cháu. Đó là những đêm bà Xuân thức cùng cháu, bởi chân tay bé yếu, lại ít ngủ, thường dậy lúc nửa đêm để chơi, vì vậy chẳng đêm nào bà Xuân yên giấc.
Có những buổi phải chụp não cho Thư, vì bé không chịu ngủ kể cả khi đã uống thuốc an thần, vì thế bác sĩ phải chỉ định tiêm cho cháu. Từ khi cháu ốm là cũng từng đó thời gian, bà Xuân ngủ chập chờn, tranh thủ, thức dậy bất cứ lúc nào cháu "gọi" bằng tiếng khóc xé lòng... Thế nhưng bà khẳng định không bao giờ buông xuôi. "Cháu bị bệnh động kinh nữa nên chân tay bị run, thỉnh thoảng sốt. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, hiểu được nỗi khổ của bố mẹ, của bà mà cháu có thể cố gắng đi được, nói được", bà Xuân chia sẻ.
Hiện nay, bé Mai Thư đang được tập phục hồi chức năng ở bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Ngoài ra, bé còn tập nói. Cứ vài tuần, hai bà cháu lại được về nhà nhưng về đến nhà, bà cũng không ngơi tay, tranh thủ giúp con dâu mới sinh con ít việc nhà rồi lại chăm sóc Mai Thư.
Đằng đẵng cuộc đời hết chăm con lại chăm cháu, bà Xuân chưa lúc nào được hưởng niềm vui đề huề trọn vẹn bên con cháu. Đối với tuổi 70, trong khi nhiều người được nghỉ ngơi thì bà Xuân vẫn lặn lội đi về, với niềm hy vọng cháu mình sẽ sớm khỏi bệnh, được sống như bao đứa trẻ khác.
Bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, trường hợp của bé Mai Thư, ngoài bại não còn kèm theo chậm phát triển nhận thức, động kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ, thể trạng suy dinh dưỡng. Khi mới đến tập ở khoa, con bị viêm đường hô hấp tái phát liên tục, khóc rất nhiều, không hợp tác khi tập. Đây là một trường hợp nặng, tiên lượng khó. Bác sĩ đã cùng gia đình thiết lập các mục tiêu điều trị, bắt đầu từ các mục tiêu rất nhỏ, xây dựng chương trình tập luyện, giải quyết các vấn đề khó khăn của con đồng thời với việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Việc con được chẩn đoán sớm và gia đình tích cực trong quá trình chăm sóc, tập luyện giúp cho con đạt được các mục tiêu đã xác định.
Thực tế tại nước ta, khi phát hiện con chậm phát triển hoặc rối loạn phát triển ở các lĩnh vực như vận động, nhận thức, tương tác xã hội... nhiều gia đình vẫn có tâm lí chờ đợi để con tự tiến bộ theo thời gian. Đến khi đưa đến bệnh viện, bệnh của con đã nặng, xuất hiện các thương tật thứ cấp, khiến việc điều trị, tập luyện gặp nhiều khó khăn.