Ba 'ông lớn' bưu chính kinh doanh ra sao?

Ba doanh nghiệp lớn là Vietnam Post, Viettel Post và EMS làm ăn ra sao trong cuộc cạnh tranh với các đơn vị khác trong thị trường bưu chính.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - CTCP (EMS), doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 2.044 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ đại lý và các dịch vụ khác đạt 191 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2022 của EMS là 2.235 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 71,33 tỷ đồng.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) có tổng doanh thu công ty mẹ năm 2022 dự kiến đạt 24.426 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến cả năm 2022 đạt 550 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 775 tỷ đồng.

Năm 2023, Vietnam Post đặt kế hoạch doanh thu 21.206 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 600 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 5,7%.

Kết quả hoạt động năm 2022 của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), tổng doanh thu ước đạt 21.235 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5%. Trong đó, doanh thu bưu chính đạt 6.588 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 389,44 tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp bưu chính giữ vững thị phần. (Ảnh: VNP)

Doanh nghiệp bưu chính giữ vững thị phần. (Ảnh: VNP)

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp trong ngành lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị bưu chính trên thị trường.

Nguy cơ lớn là các doanh nghiệp chuyển phát trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng. Số lượng doanh nghiệp bưu chính mới gia nhập thị trường tăng 12%, tuy nhiên, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.

Đơn cử tại EMS, doanh thu của EMS trong quý IV/2022 đạt 592 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 25,9%. Theo giải trình của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường, khách hàng thiếu hụt nguồn cung nên tốc độ tăng sản lượng, doanh thu của EMS chững lại.

EMS liên tục rà soát sản xuất, thực hiện phương án cải tiến hoạt động, cắt giảm chi phí, từ đó dẫn tới lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Để tăng khả năng cạnh tranh và giữ thị phần, các doanh nghiệp này liên tục tìm hướng đi mới. EMS và Grab Việt Nam chính thức ký kết hợp tác triển khai dịch vụ siêu tốc. Vietnam Post phát triển các dịch vụ mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, các dịch vụ tham gia kinh tế số, xã hội số, tổ chức lại dịch vụ kinh doanh hàng hóa theo hướng phân phối hiện đại kết hợp bán lẻ.

Viettel Post dự kiến đầu tư băng chuyền chia chọn tại Hà Nội, TP.HCM và đầu tư 100-200 xe vận chuyển Bắc Nam, tiếp tục tối ưu luồng vận hành, hạ tầng kết nối, hạ tầng công nghệ nhằm rút ngắn thời gian của bưu phẩm với mục tiêu cung cấp dịch vụ nội tỉnh từ 6-12 giờ; dịch vụ nội vùng từ 12-24 giờ.

(Biểu đồ: Duy Anh)

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ba-ong-lon-buu-chinh-kinh-doanh-ra-sao-2111126.html