Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Còn tỉnh Bình Thuận sẽ có 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.
Lấyý kiến người dân
Theo ông Trương Thanh Phong - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh có 2 huyện và 9 xã, phường thuộc diện phải sáp nhập. Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Tên gọi mới của huyện, xã khi sáp nhập theo đề án của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều là những tên cũ đã dùng trước khi chia tách.
Trong đó, hai huyện Long Điền và Đất Đỏ sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính cấp huyện. Tên gọi huyện Long Đất có từ tháng 5/1951. Đến năm 2003 huyện này tách Long Điền và Đất Đỏ như hiện nay. Theo đề án, tên gọi Long Đất phù hợp gắn với các yếu tố lịch sử, là địa danh có từ lâu đời và có sự kết hợp hài hòa của hai địa phương, phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 6 nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Thị trấn Phước Hải và xã Long Mỹ của huyện Đất Đỏ sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính cấp xã và có tên gọi mới là thị trấn Phước Hải. Xã Lộc An và Phước Hội của huyện này cũng sẽ sáp nhập thành một.
Tại huyện Long Điền, 3 xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước sẽ sáp nhập thành xã Tam An. Tại TP.Bà Rịa, hai phường Phước Trung và Phước Nguyên sẽ sáp nhập thành một đơn vị hành chính cấp xã mới.
Ông Trương Thanh Phong cho biết, cử tri, người dân sinh sống tại các địa phương nói trên sẽ được phát phiếu lấy ý kiến về việc có đồng ý hay không đồng ý hoặc có ý kiến khác về tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới. Sau đó, HĐND hai cấp tập hợp và thông qua tên gọi mới với thời gian trước ngày 10 và 15/5.
Hoàn thành trong 6 tháng
Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ triển khai phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP.Phan Thiết.
Theo đó, đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, gồm 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 đơn vị hành chính cấp huyện (TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Tân) có liên quan.
Cụ thể, TP. Phan Thiết sẽ nhập 3 phường Lạc Đạo, Đức Thắng và Đức nghĩa thành một phường; nhập phường Bình Hưng, Hưng Long nhập thành một phường. Đồng thời, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phú Hài (TP.Phan Thiết) và xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc) nhập vào phường Thanh Hải (TP.Phan Thiết); điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hàm Liêm và Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) nhập vào xã Phong Nẫm (TP. Phan Thiết).
Tại thị xã La Gi, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tân Phước nhập vào phường Phước Lộc. Tại huyện Hàm Tân, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Tân Đức nhập vào thị trấn Tân Minh.
Riêng huyện Bắc Bình sẽ khuyến khích điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Phan Lâm nhập vào xã Phan Sơn.
Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết và thành lập các phường thuộc TP.Phan Thiết, gồm 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 5 đơn vị hành chính cấp xã có liên quan. Trong đó, thị trấn Phú Long, xã Hàm Thắng của huyện Hàm Thuận Bắc và xã Hàm Mỹ của huyện Hàm Thuận Nam sẽ nhập vào TP.Phan Thiết.
Thời gian thực hiện và hoàn thành các đề án là 6 tháng, kể từ ngày giao nhiệm vụ.