Bà Rịa - Vũng Tàu cần quy hoạch đồng bộ, hợp nhất cảng biển - đô thị

Quá trình phát triển cảng biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang phát sinh một số bất cập về đô thị và hạ tầng giao thông. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh.

Cảng biển – đô thị chưa hợp nhất

Theo các chuyên gia về cảng biển, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, vấn đề bất cập giữa cụm cảng container lớn của cả nước như Cái Mép – Thị Vải với các đô thị cận kề như thị xã Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu là việc quy hoạch đô thị hạt nhân, từ đô thị này mới hình thành thêm các đô thị dịch vụ cảng, logistics, thương mại dịch vụ.

Bên cạnh đó, lượng phương tiện lưu thông trên QL51 - tuyến đường huyết mạch kết nối với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ hiện tăng gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu là 12.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt vào cuối tuần hay giờ cao điểm... làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Phú Mỹ là nơi sẽ hình thành khu hành chính, công nghiệp, cảng biển, nhà ở cho công nhân (Ảnh: Mạnh Khá)

Phú Mỹ là nơi sẽ hình thành khu hành chính, công nghiệp, cảng biển, nhà ở cho công nhân (Ảnh: Mạnh Khá)

Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu định cư và năng lượng, cấu trúc không gian của đô thị Phú Mỹ và cảng Cái Mép – Thị Vải phải là thị xã Phú Mỹ và cần chia làm 4 khu "lõi" là: Cái Mép Hạ, Cái Mép, Phú Mỹ và Mỹ Xuân. Trong đó, khu Cái Mép Hạ là khu dịch vụ và mậu dịch tự do phục vụ cho hoạt động cảng; Cái Mép và Mỹ Xuân là khu đô thị lõi dịch vụ công nghiệp chuyên ngành, đa ngành; còn Phú Mỹ là khu đô thị lõi hành chính phục vụ hoạt động công nghiệp, cảng biển, nhà ở cho công nhân, chuyên gia.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Thục, để trở thành mô hình cảng – đô thị hợp nhất thì phải lấy đô thị hiện hữu làm nền tảng, cụ thể là đô thị Vũng Tàu: “Cảng Phú Mỹ hiện nay chúng tôi đang rất băn khoăn, đó là 1 đô thị công nghiệp hay là đô thị dịch vụ cảng, hay 1 đô thị dân sinh? Phú Mỹ có dư địa cho tất cả nếu biết dựa vào TP.Vũng Tàu. Vũng Tàu là thành phố mẹ và dựa vào phát triển cảng, dựa vào vùng nội địa”.

Cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải tập trung vào môi trường dịch vụ (Ảnh: Gia Khang)

Cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải tập trung vào môi trường dịch vụ (Ảnh: Gia Khang)

Còn PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đô thị cận kề sát cảng phải tập trung vào môi trường dịch vụ cảng, phải tạo ra sự hấp dẫn, bao gồm cả những yếu tố văn hóa và xã hội của địa phương.

“Liên kết vùng là bắt buộc và chúng ta không thể ngăn cản được quá trình đô thị hóa kéo theo cảng. Chủ yếu là phải phân vùng không gian cho các đô thị phát triển cận kề với cảng, là những phần đô thị hay các khu đô thị, có chức năng như thế nào để cho cảng không nhếch nhác”, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Cần quy hoạch đồng bộ

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem kinh tế biển là 1 trong những lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, phát triển cảng biển phải nằm trong tổng thể phát triển vùng. Vì vậy, quy hoạch đô thị cận kề sát cảng phải là đô thị dịch vụ cảng, hạ tầng giao thông đa phương tiện và đồng bộ.

Là đô thị liền kề với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, trong chiến lược phát triển, TP.Vũng Tàu đã hướng tới quy hoạch đô thị dịch vụ cảng, nhà ở cho chuyên gia, nhà ở thương mại…

Hạ tầng giao không chưa đồng bộ sẽ hạn chế sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Gia Khang)

Hạ tầng giao không chưa đồng bộ sẽ hạn chế sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Gia Khang)

Theo UBND TP.Vũng Tàu, năm 2019 thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 gồm 7 khu vực. Trong đó, khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia; khu vực Gò Găng phát triển đô thị mới gắn với sân bay Gò Găng. Ngoài ra còn có khu Bắc Phước Thắng - khu vực công nghiệp - cảng; mở rộng khu cảng Sao Mai - Bến Đình; khu vực Bắc Vũng Tàu (phía Bắc đô thị hiện hữu); khu vực phát triển du lịch ven biển Chí Linh - Cửa Lấp và khu vực hiện hữu tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư mới, đảm bảo nề nếp cho khu dân cư hiện hữu.

“Phát triển đô thị là động lực phát triển kinh tế, cho nên sẽ thu hút nhà đầu tư, công nhân lao động đến rất đông. Cư dân đến đông sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội, giải bài toán này thì TP.Vũng Tàu tập trung phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Khu dân cư mới, đô thị mới thì theo quy hoạch được duyệt, còn trong các khu đô thị hiện hữu hiện nay chủ yếu là đảm bảo sự ngăn nắp và nề nếp”, ông Vũ Hồng Thuấn nói.

Một khu dân cư hiện hữu ở phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu đang ổn định (Ảnh: Gia Khang)

Một khu dân cư hiện hữu ở phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu đang ổn định (Ảnh: Gia Khang)

Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, để xây dựng và phát triển hệ thống cảng theo mô hình cảng-đô thị hợp nhất thì hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cũng phải kết nối đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển, đô thị ven biển và các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ, khu vực lân cận phát triển hài hòa.

“Tỉnh đang triển khai một số dự án như: đường ven biển kết nối từ hệ thống cảng đi qua địa bàn 5 huyện, thị của Bà Rịa - Vũng Tàu ra đến Bình Thuận. Ngoài ra, về giao thông để phát triển hệ thống cảng thì phải đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, có tuyến đường sắt này thì mới có thể giải quyết được bài toán logistics”, ông Trần Thượng Chí nêu rõ.

Trong tương lai, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chú trọng đầu tư khung hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm, không ngừng phát triển các đô thị ven biển như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và hình thành mới các đô thị chuyên ngành, làm động lực phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch./.

Gia Khang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ba-ria-vung-tau-can-quy-hoach-dong-bo-hop-nhat-cang-bien-do-thi-post1002468.vov