Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm huyện Long Đất từ năm 2025
Huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sau khi thành lập sẽ có diện tích tự nhiên hơn 267 km2, quy mô dân số hơn 241.000 người, có 11 đơn vị hành chính cấp xã.
Nhiều thay đổi
Ngày 23/11, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có huyện Long Đất mới.
Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập huyện Long Đất trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Huyện Long Đất sau khi thành lập sẽ có diện tích hơn 267 km2, quy mô dân số hơn 241.000 người.
Theo đó, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Long Đất được sắp xếp lại. Cụ thể, sẽ thành lập mới xã Tam An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã An Nhứt, An Ngãi, Tam Phước; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lộc An vào xã Phước Hội; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải.
Như vậy, huyện Long Đất sau khi sắp xếp sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 xã là Tam An, Láng Dài, Long Tân, Phước Hội, Phước Hưng, Phước Long Thọ, Phước Tỉnh và 4 thị trấn Phước Hải, Đất Đỏ, Long Điền, Long Hải.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể là nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung (TP. Bà Rịa). Sau khi sắp xếp, TP. Bà Rịa có 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường, 3 xã.
Cùng với đó, thành lập thị trấn Kim Long (huyện Châu Đức) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Kim Long. Sau khi thành lập thị trấn, huyện Châu Đức có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã, 2 thị trấn.
Nghị quyết của Quốc hội đã quyết định giải thể Tòa án nhân dân huyện Long Điền và Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ; giải thể Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Điền và Viện kiểm sát nhân dân huyện Đất Đỏ. Thành lập Tòa án nhân dân huyện Long Đất và Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Đất.
Như vậy, từ năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 7 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 4 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã gồm 42 xã, 28 phường, 7 thị trấn.
Tại Bình Thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên (0,48 km2), quy mô dân số 10.545 người của phường Đức Thắng và toàn bộ diện tích tự nhiên (0,39 km2), quy mô dân số 12.328 người của phường Đức Nghĩa vào phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết. Sau khi nhập, phường Lạc Đạo có diện tích tự nhiên là 1,36 km2 và quy mô dân số là 37.205 người.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên (0,81 km2), quy mô dân số 11.319 người của phường Hưng Long vào phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết. Sau khi nhập, phường Bình Hưng có diện tích tự nhiên là 1,59 km2 và quy mô dân số là 22.834 người. Sau khi sắp xếp, TP. Phan Thiết có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường và 4 xã.
Tại huyện Bắc Bình, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 4,43 km2 của xã Phan Lâm để nhập vào xã Phan Sơn. Sau khi điều chỉnh, xã Phan Sơn có diện tích tự nhiên là 192,22 km2 và quy mô dân số là 4.302 người.
Sau khi điều chỉnh, xã Phan Lâm có diện tích tự nhiên 392,30 km2 và quy mô dân số là 2.785 người. Sau khi sắp xếp, huyện Bắc Bình có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 2 thị trấn.
Như vậy, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thì tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 93 xã, 16 phường và 12 thị trấn).
Giấy tờ được giải quyết thế nào?
Dự kiến trong tháng 11, UBND TP. Phan Thiết và UBND huyện Bắc Bình sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1253 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025.
TP. Phan Thiết và huyện Bắc Bình sẽ phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện khắc con dấu của đơn vị hành chính cấp xã mới và bàn giao cho UBND xã mới sử dụng khi nghị quyết có hiệu lực thi hành.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu, quá trình thực hiện các nội dung công việc không làm ảnh hưởng đến các hoạt động chung của từng đơn vị hành chính cấp xã, không có sự gián đoạn giữa đơn vị hành chính cấp xã cũ và đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập.
Ngoài ra, phải duy trì hoạt động liên tục để giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức kịp thời, có hiệu quả, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở cũng như phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
UBND TP. Phan Thiết phải chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố và UBND các phường liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi đơn vị hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, THCS) để đảm bảo đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn. Từng bước sắp xếp tinh gọn, tránh lãng phí, giữ nguyên các trạm y tế của các đơn vị hành chính (cũ) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Sở Y tế thực hiện sắp xếp các trạm y tế ở các đơn vị hành chính mới theo quy định. Sở Nội vụ phối hợp với UBND TP. Phan Thiết và UBND huyện Bắc Bình tổ chức thực hiện chỉnh lý hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp.