Bà Rịa - Vũng Tàu: Đầu tư nhiều tuyến giao thông kết nối tạo đột phá
75.000 tỷ đồng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dành cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.
Nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ 59.000 tỷ đồng tăng lên 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm.
Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT về vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thưa ông, liên kết phát triển kinh tế của các tỉnh miền Đông Nam bộ hiện nay rõ nhất là liên kết về giao thông. Hạ tầng giao thông của BR-VT đến nay kết nối trong khu vực như thế nào?
Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ kết nối ngoại vùng của tỉnh thông qua 3 tuyến Quốc lộ 51, 55, 56. Trong đó, Quốc lộ 51 là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng kết nối tỉnh với vùng trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam bộ, có mật độ lưu thông rất lớn (đã mãn tải), thường xuyên kẹt xe, ùn ứ và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Về đường thủy thì có hướng tuyến từ TP.HCM, miền Tây đến Vũng Tàu và Côn Đảo. Hệ thống cảng của BR-VT lớn nhất ở phía Nam, có nhiều tuyến kết nối với các cảng nội địa và đường hàng hải đi quốc tế.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù hạ tầng giao thông đường bộ nội vùng của tỉnh BR- VT tương đối tốt nhưng mạng lưới giao thông kết nối vùng chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, của tỉnh và cả khu vực. Các tuyến vận tải liên vùng, vành đai, tuyến kết nối trực tiếp đến các cảng biển chưa được đầu tư kịp thời.
Chẳng hạn, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP.HCM, kết nối đường liên cảng với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua cầu Phước An) đang trong quá trình triển khai đầu tư, chưa có hiệu quả khai thác cảng biển và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đây là những phần việc phải cần đầu tư cấp thiết trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Vậy quy hoạch hạ tầng giao thông của BR-VT trong tương lai ra sao để phát huy thế mạnh này và tạo động lực để phát triển kinh tế vùng, thưa ông?
Hiện nay, Chính phủ, Bộ GTVT, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt cho ngành tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối về đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đó là xây dựng cầu Phước An để kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và vùng Tây Nam bộ; xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM để kết nối đồng bộ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nghiên cứu đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, trước mắt đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để khai thác hiệu quả cảng biển Cái Mép - Thị Vải và cảng hàng không quốc tế Long Thành.
BR-VT là tỉnh có lợi thế cảng biển và giao thông thủy. Khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế; có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu container trọng tải 80.000 - 250.000 tấn (6.000 - 24.000 TEU) hoặc lớn hơn.
Các khu bến Thị Vải, khu bến Sao Mai - Bến Đình, bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, khu bến sông Dinh, khu bến cảng Côn Đảo… là những bến cảng lớn, đáp ứng vận chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics. Ngoài ra, còn có khu bến Long Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh BR-VT với chức năng hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến hàng lỏng/khí, tổng hợp, container, hàng rời…
Đặc biệt có các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ Rồng Đôi, Rạng Đông, Lan Tây, Đại Hùng, Chí Linh, Ba Vì, Vietsopetro 01, Chim Sáo, Tê Giác Trắng và các bến cảng khác, phát triển phù hợp với nhu cầu khai thác mỏ dầu khí.
Đường thủy có hành lang kết nối với tỉnh có tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ dài khoảng 286,5km.
Ngoài ra, còn có Cảng hàng hóa Cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảng hành khách Cụm cảng khách Bà Rịa - Vũng Tàu, dọc theo sông Thị Vải, cho tàu 250 ghế, công suất 1,8 triệu hành khách/năm, diện tích 9ha.
CHK hiện có sân bay Côn Đảo được quy hoạch nâng cấp cao hơn. Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT xem xét đưa sân bay Gò Găng vào quy hoạch.
Với quy hoạch đó, tỉnh ưu tiên những phần việc nào trước, thưa ông?
Trong thời gian tới, ngành GTVT của tỉnh tiếp tục phối hợp và triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và thế giới.
Trong đó, chú ý nhất là hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm thúc đẩy phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế theo quy hoạch được duyệt; tăng cường hợp tác, liên kết vùng, tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực.
Cụ thể là thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án cầu Phước An kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép với cao tốc Bến Lức - Long Thành để tạo hành lang vận tải quan trọng từ khu cảng Thị Vải - Cái Mép đến phía nam TP.HCM và khu vực Tây Nam bộ rộng lớn, đồng thời giảm áp lực vận tải trên tuyến Quốc lộ 51.
Gấp rút xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025.
Thực hiện đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, tạo bước đột phá trong đầu tư xây dựng hệ tầng giao thông kết nối 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM và tỉnh Long An.
Sớm nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để nâng cao hiệu quả quản lý khu cảng Cái Mép.
Phối hợp với Bộ GTVT thực hiện công tác đầu tư nạo vét luồng Vũng Tàu - Thị Vải để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn ra vào cụm cảng biển đặc biệt của tỉnh; đầu tư nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo theo quy hoạch được duyệt.
Cảm ơn ông!
Khai thác thế mạnh đường ven biển
Dự án cầu Phước An đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung triển khai để phát huy tối đa năng lực hệ thống cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Cầu Phước An có tổng chiều dài hơn 4km, kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và đường Vành đai 3, TP.HCM với vùng Tây Nam Bộ
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (khoảng 2.000 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (gần 2.900 tỷ đồng).
Để khai thác tối đa thế mạnh du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tính đến việc đầu tư mở rộng đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu (Tỉnh lộ 994). Dự án có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài khoảng gần 80km,kinh phí khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển du lịch cao cấp của tỉnh, khai thác điều kiện tự nhiên lý tưởng toàn bộ khu vực ven biển Vũng Tàu, Hồ Tràm, Bình Châu, đồng thời kết nối các địa phương ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Bình Thuận. Thời gian hoàn thành toàn tuyến dự kiến năm 2025.