Bà Rịa - Vũng Tàu đón làn gió mới từ nâng cấp hạ tầng và kế hoạch sáp nhập
Loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được khởi công và đưa vào vận hành, cùng với kế hoạch sáp nhập vào TP.HCM, đang mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu trong kỷ nguyên phát triển mới.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vị thế là một trung tâm tăng trưởng chiến lược
Sáng 18/4, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết đồng thuận với chủ trương hợp nhất 3 đơn vị hành chính gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau sáp nhập, thực thể hành chính mới mang tên TP.HCM trở thành siêu đô thị trung tâm của vùng Đông Nam bộ, đóng vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển vùng, tăng sức cạnh tranh toàn diện và tối ưu hóa tiềm năng địa lý, quỹ đất, hạ tầng và nhân lực của cả 3 địa phương.
Là cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò chiến lược trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2024, địa phương này nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao nhất cả nước với 11,47% và tiếp tục được giao mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.
Việc liền kề về địa lý và kết nối
hạ tầng giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch đồng bộ không gian kinh tế và phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Đây là động lực then chốt giúp thúc đẩy giao thương giữa vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, đồng thời mở rộng không gian phát triển công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics chất lượng cao, những lĩnh vực mũi nhọn của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, việc mở rộng quỹ đất sau sáp nhập cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến lược giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng các khu đô thị mới hiện đại theo mô hình xanh, bền vững và thông minh.
Tăng tốc với loạt dự án hạ tầng trọng điểm
Với hàng loạt bước tiến trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội vươn lên thành trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam trong thập kỷ tới.
Ngày 23/4, theo tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất thông qua hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, cập nhật Dự án Cao tốc đô thị kết nối khu vực Hồ Tràm với sân bay Long Thành vào mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh. Ngoài tuyến cao tốc mới, bản điều chỉnh còn bổ sung các nội dung quan trọng như phân bổ và khoanh vùng đất đai, điều chỉnh danh mục những dự án ưu tiên đầu tư, tạo tiền đề cho việc phát triển không gian kinh tế và hạ tầng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, tham mưu văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định.
Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai tuyến cao tốc kết nối Hồ Tràm với sân bay Long Thành trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn tất thủ tục để khởi công dự án này trong tháng 1/2026 và đưa vào khai thác vào đầu quý III/2027.
Trước đó, ngày 19/4, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức các lễ khởi công và khánh thành 4 công trình trọng điểm trên địa bàn để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là dự án giao thông có tầm quan trọng giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; giảm tải áp lực cho Quốc lộ 51 để lưu thông hàng hóa thông suốt, khai thác tối đa cảng biển Cái Mép - Thị Vải, kết nối giao thông cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, thông xe kỹ thuật đoạn đường từ Nhà Lớn (TP. Vũng Tàu) đến Quốc lộ 51 và cầu Cửa lấp 2 thuộc Dự án Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994); tổ chức khánh thành Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo có tổng mức đầu tư hơn 247 tỷ đồng.
Cùng ngày 19/4, tỉnh đã khởi công Dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 13.900 tỷ đồng. Tuyến đường này đi qua TP. Bà Rịa, huyện Long Điền và TP. Vũng Tàu, bắt đầu từ Quốc lộ 56 và kết thúc tại nút giao vòng xoay đường 51B-C. Hiện tại, 2 trong số 5 gói thầu đã được phát lệnh khởi công. 3 gói thầu còn lại đang hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong quý III/2025.
Trong tương lai, Dự án cầu Phước An, một trong những công trình trọng điểm, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành và khu vực Tây Nam bộ.
Tuyến vành đai 4 kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai dự kiến hoàn thành vào năm 2028, hình thành hành lang kinh tế và khu mậu dịch tự do gắn với các cụm cảng, khu công nghiệp và logistics. Ngoài ra, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026 hứa hẹn mang lại động lực phát triển mới, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu vào bản đồ đầu tư toàn cầu.
Trung tâm công nghiệp cảng biển
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò là cửa ngõ hướng ra biển Đông của toàn khu vực Đông Nam bộ, thuận lợi cho kết nối giao thương nội địa và quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu đến từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, Cái Mép - Thị Vải là một trong những cụm cảng nước sâu lớn và hiện đại nhất cả nước, thuộc hành lang kinh tế chiến lược Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối trực tiếp với tuyến vận tải xuyên Á.
“Cảng biển hiện đại này sẽ thu hút dòng vốn FDI, tạo cú hích cho ngành công nghiệp, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, hạ tầng thương mại và dịch vụ cho chuyên gia và người lao động”, ông Hiếu nhận định. Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đi vào vận hành, sức hút đầu tư bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, dự án FDI lớn nhất tại tỉnh và nằm trong top đầu cả nước, có tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD. Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, công suất thiết kế đạt 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefin mỗi năm, cùng hàng loạt sản phẩm hóa dầu khác.
Được khởi công năm 2018, tổ hợp chính thức vận hành thương mại vào cuối tháng 9/2024 sau 9 tháng chạy thử. Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2024, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn thông báo tạm dừng khai thác thương mại do biến động trên thị trường thế giới, để kiểm soát chi phí sản xuất kinh doanh, chờ điều kiện thị trường thuận lợi sẽ tái khởi động.
Vào tháng 2 năm nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đã thông báo xúc tiến dự án cải tạo với mức đầu tư 500 triệu USD, nhằm tích hợp nguồn nguyên liệu đầu vào ethane tại Tổ hợp, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn, đồng thời góp phần giảm lượng khí thải carbon. Dự kiến hoàn thành cải tạo vào năm 2027, Dự án sẽ xây dựng bể chứa ethane (2 bể dung tích 50.000 tấn/bể) và cải tạo nhà máy cracking để xử lý nguyên liệu đầu vào có hàm lượng ethane cao.
Với sự cộng hưởng của hạ tầng đồng bộ, lợi thế cảng biển, sân bay, tài nguyên du lịch cùng những dự án công nghiệp quy mô lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vị thế là một trung tâm tăng trưởng chiến lược, đóng vai trò then chốt trong bản đồ phát triển kinh tế miền Nam.
Bà Rịa - Vũng Tàu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh
Tối 26/4, tại Quảng trường Công viên Bà Rịa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã long trọng tổ chức
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (27/4/1975 - 27/4/2025). Đây là một cột mốc lịch sử thiêng liêng và có ý nghĩa to lớn trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình phát triển bền vững của tỉnh trong suốt nửa thế kỷ qua.
Buổi lễ có sự tham dự của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và địa phương.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, ngày 27/4/1975 là dấu son không thể phai mờ trong lịch sử
cách mạng tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng yêu nước, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao tinh thần đoàn kết và bản lĩnh vượt khó của Bà Rịa - Vũng Tàu trong suốt 50 năm qua. Đại tướng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc phát huy tinh thần yêu nước, phát triển kinh tế biển, chuyển đổi số, đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và giữ vững quốc phòng - an ninh.